Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thêm xe tiêm vaccine lưu động cho trẻ em

Quỳnh Giang
15:32 - 24/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chỉ còn 7 ngày nữa là kết thúc "Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ em", Sở Y tế Thành phố Hô Chí Minh đã tổ chức thêm mô hình xe tiêm lưu động để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại các trường học không bố trí điểm tiêm cố định.

Tăng cường độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

Từ ngày 22/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thêm mô hình xe tiêm lưu động để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại các trường học không bố trí điểm tiêm cố định.

Sáng ngày 23/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Ủy ban nhân dân Quận 11 đã huy động các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập triển khai 3 xe tiêm lưu động tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh, giáo viên của 6 trường học trên địa bàn. Trong đó có 1 xe tiêm do đội tiêm Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách (xe cấp cứu của Phòng khám đa khoa Việt Á Y Dược 99) tiêm 164 lượt tại Trường Tiểu học Hưng Việt, Trường Trung học cơ sở Lê Anh Xuân; 1 xe tiêm do đội Bệnh viện Quận 11 phụ trách (xe cấp cứu Bệnh viện Quận 11) đã tiêm 111 lượt tại trường Tiểu học Trưng Trắc, Trường Trung học cơ sở Lữ Gia; 1 xe do Trung tâm Y tế Quận 11 phụ trách (xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115) đã tiêm 42 lượt tại Trường Tiểu học Lạc Long Quân, Trường Trung học cơ sở Chu văn An.

Để hỗ trợ các quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai hiệu quả mô hình trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẵn sàng bố trí các xe tiêm lưu động để hỗ trợ các địa phương tiêm vaccine ngay tại các trường học của học sinh khi được yêu cầu (do nhà trường sàng lọc phát hiện chưa tiêm, thuyết phục phụ huynh đồng thuận). Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 sẵn sàng phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa Nhi để tăng cường xe tiêm lưu động khi có yêu cầu.

Như vậy, tính đến thời điểm này, để tăng cường độ bao phủ vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi góp phần tăng miễn dịch cộng đồng, giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19, nhất là khi các biến thể phụ vẫn còn diễn biến phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các hoạt động gồm: Nhắn tin cho phụ huynh, tăng điểm tiêm vaccine tại trường học, tiếp tục duy trì các điểm tiêm tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế và triển khai xe tiêm vaccine lưu động.

Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em: Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thêm xe tiêm vaccine lưu động - Ảnh 1.

Xe tiêm lưu động của Bệnh viện Quận 11 tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại trường Tiểu học Trưng Trắc, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/8/2022. Ảnh: Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh

Những ngày cuối cùng của "Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ em"

Trước tình hình Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nằm trong danh sách các tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi còn thấp, trong khi chỉ còn 7 ngày nữa là kết thúc "Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ em", Sở Y tế Thành phố Hô Chí Minh yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Ban ngành có liên quan, cùng Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp với Ngành Y tế để truyền thông hiệu quả, vận động phụ huynh học sinh đưa con, em đến các điểm tiêm vaccine để được tiêm đủ mũi tiêm theo quy định.

Đặc biệt là trong khoảng thời gian còn lại của tháng cao điểm, kể từ ngày 22/8/2022, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho học sinh đi học lại sau thời gian nghỉ hè. Đây là khoảng thời gian thuận lợi để ngành Giáo dục tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh đồng thuận cho con, em tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh giao các Trung tâm y tế khi tiếp nhận danh sách các trẻ đăng ký tiêm vaccine phải khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ phù hợp với nguồn lực của địa phương, cập nhật lộ trình tiêm vaccine hằng ngày cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố. Trong trường hợp số lượng học sinh đăng ký tiêm vacine tại mỗi trường ít, không đủ để tổ chức điểm tiêm lưu động, Trung tâm y tế phải chủ động liên hệ với bệnh viện chuyên khoa Nhi phụ trách địa bàn để được hỗ trợ bố trí xe tiêm lưu động tại các trường học. Trung tâm y tế chịu trách nhiệm phân công nhân sự chuyên môn tại các điểm tiêm lưu động và xe tiêm lưu động tại các trường học; cung ứng vaccine cho các điểm tiêm; phối hợp các trường học đảm bảo công tác tổ chức điểm tiêm an toàn, hiệu quả.

Vì sự an toàn và đảm bảo sức khoẻ cho học sinh trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với số ca mắc và ca nặng đang có xu hướng tăng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả phụ huynh học sinh hãy đưa con, em từ 5 đến dưới 18 tuổi đến các điểm tiêm tại trường học, tại bệnh viện, tại Trung tâm y tế, Trạm y tế để tiêm đủ các mũi tiêm theo quy định.

Lưu ý:

- Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: hãy cho trẻ đi tiêm mũi 1 nếu chưa tiêm, đi tiêm mũi 2 nếu đã tiêm 1 mũi.

- Đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: hãy cho trẻ đi tiêm mũi 1 và 2 nếu chưa tiêm, đi tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) nếu đã tiêm mũi 1 và 2.

Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em: Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thêm xe tiêm vaccine lưu động - Ảnh 3.

Tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ em trên cả nước. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Gia tăng số ca mắc COVID-19 trong nước và thế giới

Ngày 23/8 Việt Nam có 3.195 ca COVID-19 mới

Theo Thông tin từ Bộ Y tế, ngày 23/8 Việt Nam có 3.195 ca COVID-19 mới, tăng gần 1.000 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca COVID-19 mới cao nhất trong 5 ngày qua. Tuy nhiên trong ngày 23/8 cũng có thêm 9.367 bệnh nhân được tuyên tuyên bố khỏi bệnh, gấp 3 lần số ca mắc mới.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.389.268 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.801 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.090.048 ca. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, giám sát có 119 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ có 102 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC có 8 ca; Thở máy không xâm lấn có 2 ca; Thở máy xâm lấn có 7 ca.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Trong nước ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh.

Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong đó có vài ngày số mắc mới tăng vọt lên trên 3.000 ca, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Bộ Y tế cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ.

Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em: Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thêm xe tiêm vaccine lưu động - Ảnh 4.

Nhật Bản tiếp tục là nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trên thế giới. Ảnh: Kyodo News

Thế giới có hơn 602 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê COVID-19 trực tuyến worldometers.info lúc 14h50 ngày 24/8 (giờ Hà Nội), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hiện nay là 602.621.970 trường hợp. Tổng số ca đã tử vong bởi COVID-19 là 6.476.509 trường hợp. Tổng số ca đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 là 577.381.807 ca.

Tổng số bệnh nhân đang được điều trị là 18.763.654 ca, trong đó, 99,8% (18.719.850 ca) số bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nhẹ và chỉ có 0,2% ca mắc COVID-19 ở trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch (43.804 ca).

Về tình hình điều trị, đã có 577.381.807 ca mắc COVID-19 hồi phục và xuất viện, chiếm 99% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại (14h50 ngày 24/8 (giờ Hà Nội) Nhật Bản tiếp tục là nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trên thế giới với 194.223 trường hợp, theo sau đó là Hàn Quốc với 139.165 trường hợp và Đài Loan (Trung Quốc) với 28.570 trường hợp.

Với số ca mắc mới liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, Nhật Bản hiện cũng là nước ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất trên thế giới với 317 ca. Đứng thứ 2 về số ca tử vong mới do COVID-19 là Mexico với 71 ca, theo sau đó là Hàn Quốc với 63 ca tử vong mới do COVID-19.

Cũng theo trang thống kê COVID-19 trực tuyến worldometers.info, Mỹ hiện vẫn là nước đứng đầu trên thế giới về tổng số ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, với 95.537.994 ca, đứng thứ 2 là Ấn Độ với 44.368.195 ca mắc COVID-19, xếp thứ 3 là Pháp với 34.387.612 ca mắc COVID-19 và Brazil xếp thứ 4 với 34.311.323 ca mắc COVID-19.