Nhiều biến thể phụ mới của SARS-CoV-2 xuất hiện, miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch do tiêm vaccine tốt hơn?

Quỳnh Giang
13:48 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thời gian vừa qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Trong bối cảnh số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại, bảo vệ cơ thể trước SARS-CoV-2 bằng miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch do tiêm vaccine tốt hơn?

Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron

Cùng với các biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5, trên thế giới tiếp tục ghi nhận thêm các biến thể phụ thế hệ thứ hai của biến chủng Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76.

Tại Việt Nam, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế mới đây cho biết, ca bệnh mắc biến thể phụ BA.2.74 đầu tiên ở nước ta ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, trong nước đã ghi nhận các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1. Đặc biệt, thời gian vừa qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Ngoài ra, một số địa phương thông báo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

Nhiều biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch do tiêm vaccine tốt hơn? - Ảnh 1.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 17/8/2022. Ảnh: Bộ Y tế

Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, báo cáo các trường hợp mắc COVID-19. Cụ thể:

Theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới

Thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tinh hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.

Tiếp tục thực hiện khai báo lấy mã số bệnh nhân trên hệ thống cấp mã số tự động của Bộ Y tế ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện trường hợp mắc COVID-19.

Chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Theo Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 17/8 của Bộ Y tế:

Ngày 17/8, Việt Nam ghi nhận 2814 ca mắc mới COVID-19 ở trong nước. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 226 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 179 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 20 ca; Thở máy không xâm lấn: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 23 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 16/8 đến 17h30 ngày 17/8 ghi nhận 3 ca tử vong tại: Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Hà Nội (1), Quảng Ninh (1).

Khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19

Tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để kịp thời để báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ.

Miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch do tiêm vaccine COVID-19 tốt hơn?

Tạo miễn dịch cộng đồng với dịch bệnh COVID-19 là một trong bốn mục tiêu của Chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 vừa được Tổ chức Y tế Thế giới công bố trong phiên bản cập nhật vào tháng 7/2022. Theo đó, mỗi quốc gia phấn đấu 70% dân số có miễn dịch với virus SARS-CoV-2.

Có 2 cách để cơ thể có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Một là theo cách chủ động bằng tiêm vaccine để kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Hai là theo cách thụ động - sau khi mắc bệnh cơ thể sẽ tạo ra kháng thể kháng lại virus.

Miễn dịch tự nhiên bảo vệ cơ thể thấp hơn trước các biến thể mới của virus

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, miễn dịch cơ thể có được từ nhiễm virus SARS-CoV-2 được gọi là miễn dịch tự nhiên, có khả năng bảo vệ cơ thể ở nhiều mức độ khác nhau chống lại sự tái nhiễm và nếu có tái nhiễm thì ngăn chặn khả năng bệnh trở nặng. Tuy nhiên, miễn dịch tự nhiên sẽ giảm tác dụng theo thời gian và khả năng bảo vệ sẽ thấp hơn đối với các biến thể mới của virus.

Một số vaccine COVID-19 cung cấp miễn dịch bảo vệ cơ thể tốt hơn

So sánh với vaccine, khả năng bảo vệ cơ thể do miễn dịch tự nhiên chưa có cơ sở chắc chắn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các bằng chứng khoa học ban đầu cho thấy một số vaccine COVID-19 cung cấp miễn dịch bảo vệ cơ thể cao hơn so với miễn dịch tự nhiên sau nhiễm virus SARS-CoV-2. Đặc biệt là việc tiêm vaccine sẽ làm tăng khả năng miễn dịch bảo vệ cơ thể ở những người đã mắc COVID-19 trước đó.

Ngoài ra, Tổ chức này cho biết đã có những bằng chứng sơ bộ cho thấy, một người có 3 lần tiếp xúc với kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2 do mắc COVID-19 xen lẫn với tiêm vaccine và một hoặc nhiều lần do nhiễm SARS-CoV-2 trước hoặc sau tiêm chủng có thể cung cấp cho cơ thể khả năng trung hòa vượt trội chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả Omicron, so với người đã tiêm chủng đủ hai liều, hoặc nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên trước đó mà không tiêm chủng.

Nhiều biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch do tiêm vaccine tốt hơn? - Ảnh 3.

Việc tiêm vaccine sẽ làm tăng khả năng miễn dịch bảo vệ cơ thể ở những người đã mắc COVID-19 trước đó. Ảnh: Shutterstock

Chiến lược mới về tiêm vaccine phòng COVID-19

Trước tình hình đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhất là các biến thể mới liên tục xuất hiện với khả năng có thể né tránh miễn dịch, vào tháng 7/2022, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành phiên bản cập nhật về Chiến lược vaccine phòng COVID-19.

Phiên bản mới về Chiến lược vaccine phòng COVID-19 được đưa ra trong bối cảnh có những thay đổi về dịch tễ học, cùng với những tiến bộ trong phát triển vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. 

Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới nhận định thế giới đã đạt được 3/4 mục tiêu chiến lược đặt ra trong năm 2021, gồm có:

Giảm tử vong, bệnh nặng và gánh nặng bệnh tật;

Giảm thiểu tác động của đại dịch lên hệ thống y tế;

Tái thiết lập hoạt động kinh tế xã hội bình thường trở lại.

Những mục tiêu này phần lớn là do tác động tích cực của tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với các biện pháp y tế công cộng và xã hội, và một phần tác động của miễn dịch tự nhiên (do nhiễm virus).

Mục tiêu chiến lược thứ tư được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá chưa đạt đó là vaccine chưa thật sự làm giảm lây lan dịch. Ngoài việc chưa đạt độ bao phủ trong cộng đồng, tác dụng của vaccine và đặc tính biến thể của virus được cho là những nguyên nhân chính.

Các vaccine phòng COVID-19 hiện nay cho thấy khả năng bảo vệ cơ thể còn khiêm tốn trong một thời gian giới hạn để chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Hơn nữa, các biến thể phụ của virus này có khả năng lây lan dịch cao hơn (một phần là do sự né tránh miễn dịch), do đó cần tiếp tục củng cố và duy trì các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng.

Theo Tổ chức y tế thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trên phạm vi toàn cầu vẫn còn nhiều người dân thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất nhưng vẫn chưa được tiêm phòng vaccine, dẫn đến tử vong đáng tiếc. Do vậy, điều quan trọng là phải duy trì động lực tiêm vaccine trong cộng đồng như ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội. Ở giai đoạn hiện nay, nhận thức của người dân về nguy cơ dịch bệnh đã giảm thấp, theo đó, động lực tiêm vaccine COVID-19 của người dân cũng giảm thấp.

Với Chiến lược mới về vaccine phòng COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra 4 mục tiêu cụ thể:

Mỗi quốc gia phấn đấu 100% nhân viên y tế và 100% người dân trên 60 tuổi và người thuộc nhóm nguy cơ được tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm liều nhắc lại

Mỗi quốc gia phấn đấu tạo miễn dịch cộng đồng với 70% dân số có miễn dịch

Tiếp tục nghiên cứu tạo ra các sản phẩm vaccine mới hoặc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II/III với các thuộc tính mới như tăng thời gian tác dụng, tăng phạm vi bảo vệ, có tác dụng giảm lây lan;

Vaccine có chất lượng được cung cấp đến tất cả các quốc gia.

Ngoài ra, Chiến lược còn nêu rõ các nguyên tắc về đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vaccine giữa các quốc gia, đảm bảo vaccine có chất lượng, an toàn và hiệu quả, và nhất là không làm suy yếu các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khác, ngược lại, phải tận dụng để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm.

Nhiều biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch do tiêm vaccine tốt hơn? - Ảnh 4.

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info sáng ngày 18/8, trong 24 giờ qua, Nhật Bản đã có thêm 178.286 ca mắc mới COVID-19. Ảnh: Japantimes

Ca mắc mới COVID-19 gia tăng mạnh ở nhiều nước

Trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Biến thể Omicron đang tiếp tục chiếm ưu thế so với các biến thể khác, trong đó mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến chủng Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76. Các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info sáng ngày 18/8, trong 24 giờ qua thế giới ghi nhận thêm 700.546 ca nhiễm, 1.684 ca tử vong nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên khắp thế giới hiện là 597.498.287 ca, trong đó 6.461.108 ca tử vong và 571.573.178 ca đã được chữa khỏi.

Đầu tháng 7 vừa qua, Nga thông báo nước này chấm dứt mọi hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch, bao gồm cả yêu cầu người dân đeo khẩu trang trong bối cảnh số ca tử vong giảm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp chống dịch nếu tình hình xấu đi.

Số liệu cho thấy, trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận 169.295 ca nhiễm mới, cụ thể: Italy có thêm 36.261 ca; Pháp ghi nhận thêm 35.745 ca; Nga ghi nhận thêm 33.106 ca. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất ở Nga kể từ giữa tháng 3 năm nay. Theo thông báo của lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Nga, nước này cũng ghi nhận thêm 63 người tử vong do dịch bệnh này trong 24 giờ qua.

Châu Á có thêm 434.188 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó riêng tại Hàn Quốc là 180.652 ca; Nhật Bản là 178.286 ca; Đài Loan (Trung Quốc) là 24.873 ca. Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc 24 giờ qua đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tuần qua và có thể sắp đạt đỉnh.