Thẩm định đạo đức nhà giáo là điều vô cùng khó

Lam Linh
21:24 - 18/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trăn trở về quy định đánh giáo đạo đức nhà giáo, giảng viên Đinh Ngọc Thắng (Trường Đại học Sư phạm Vinh) cho rằng đây là một việc khó nhưng không phải không có cách. Bởi xã hội và người học luôn có thể đánh giá được đạo đức nhà giáo thông qua sự rèn luyện và tấm gương của mỗi một nhà giáo.

Thẩm định đạo đức nhà giáo là điều vô cùng khó - Ảnh 1.

Thầy giáo Đinh Ngọc Thắng - Trường Đại học Sư phạm Vinh có những chia sẻ về đạo đức nhà giáo tại Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023". Ảnh chụp màn hình

Trăn trở quy định đánh giá đạo đức nhà giáo 

Tại Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023" vừa qua, nhà giáo Đinh Ngọc Thắng - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Vinh cho biết, hiện nay, vấn đề đạo đức nhà giáo được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, từ nghị quyết của Đảng đến pháp luật Nhà nước. 

Hơn nữa, đạo đức nhà giáo cũng được cụ thể hóa đến các cơ sở giáo dục và đào tạo, nhà trường thông qua quy chế, điều lệ. Tuy nhiên, việc đánh giá đạo đức nhà giáo là điều vô cùng khó khăn vì đạo đức thuộc về bên trong con người.

Giảng viên Đinh Ngọc Thắng - Trường Đại học Sư phạm Vinh
Điều kiện năng lực của một nhà giáo thể hiện trong chuyên môn, giảng dạy - đây đều là tiêu chí đo lường được. Còn thẩm định đạo đức nhà giáo là điều hết sức khó.

Từ những trăn trở trên, nhà giáo Đinh Ngọc Thắng đề xuất với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cần lồng ghép việc đào tạo, bồi dưỡng về truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trong đó có truyền thống "tôn sư trọng đạo".

"Việc bồi dưỡng sẽ giúp lan tỏa các giá trị truyền thống của cha ông như "tôn sư trọng đạo", "đức và tài" trong môi trường của những người làm giáo dục. Bởi vì xã hội đánh giá vị trí của người làm giáo dục thông qua đạo đức và trách nhiệm của họ", nhà giáo Đinh Ngọc Thắng cho hay.

Thứ hai, nhà giáo Đinh Ngọc Thắng đề xuất các chủ trương và quyết sách lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần gắn liền với sứ mệnh của những người đã chọn giáo dục là một nghề. Hiện nay, những người lựa chọn nghề giáo đang gặp khó khăn, trở ngại trong đó có áp lực về nghề nghiệp, áp lực về thu nhập. Tuy nhiên, nếu xem sứ mệnh đó là lựa chọn của mình thì các thầy cô giáo đều có thể vượt qua khó khăn này.

Thứ ba, theo nhà giáo Đinh Ngọc Thắng, đối với giáo dục, vấn đề nêu gương nhà giáo hết sức quan trọng. Việc nêu gương phải được kịp thời và chính xác.

Trước tiên là nêu gương đối với những người làm quản lý giáo dục bởi họ là người hội tụ, tập hợp sức mạnh đoàn kết của 1 cơ sở giáo dục. 

Tiếp đến là nếu gương mỗi một thầy cô giáo bởi vì chính họ là tấm gương của những người học trò.

Cuối cùng là nêu gương những người làm công việc gián tiếp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo - những người không trực tiếp giảng dạy, nhưng họ đang làm việc trong cơ sở giáo dục. Trong khi đó nhà trường là 1 thể thống nhất, trong nhà trường không chỉ là tấm gương của nhà giáo mà còn là giá trị của một nhà trường. 

Thẩm định đạo đức nhà giáo là điều vô cùng khó - Ảnh 4.

Mỗi một nhà trường cần phát huy, lan tỏa những tấm gương nhà giáo tiêu biểu.

Theo nhà giáo Đinh Ngọc Thắng, giáo dục Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa vô cùng to lớn trong bối cảnh phát triển và hội nhập. Nhưng những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ phai mờ. Vì vậy, mỗi một nhà trường cần phát huy, lan tỏa những tấm gương nhà giáo tiêu biểu. Bởi bên cạnh những danh hiệu xứng đáng được hưởng, việc nêu gương nhà giáo còn "truyền lửa" cho thế hệ trẻ đã chọn nghề giáo có thêm tâm huyết.

Hồi đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đạo đức nhà giáo là vấn đề rất hệ trọng.

"Trong chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng có thời lượng, nội dung nhất định cho đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, các nhà giáo cần tự rèn luyện, tự tu dưỡng, trau dồi, chứ không chỉ trông chờ vào việc lồng ghép vào một vài chương trình giáo dục có tính chất ngắn hạn" - người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam nhận định.

Với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh rằng, mỗi nhà giáo phải làm gương, nêu gương cho học sinh.

"Nếu những gì mình muốn học trò có, mình phải có trước. Người thầy mà không có những điều đó, rất khó đòi hỏi học trò phải có. Những gì mình mong muốn học trò làm được, mình phải làm được và làm một cách mẫu mực. Những gì mong học trò có trong ứng xử, nhà giáo phải cố gắng ứng xử như vậy với những người xung quanh trước", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.