Tạp chí Công dân và Khuyến học – đang từng bước tạo dựng giá trị của mình trong lĩnh vực khuyến học!
Ngày 16/6/2023, tròn 1 năm Tạp chí Công dân và Khuyến học chính thức ra mắt, hòa mạng internet toàn cầu và đi vào hoạt động. "Chuyên biệt - hiện đại – trang trọng" là phong cách của Tạp chí Công dân và Khuyến học đã hòa nhập vào xa lộ thông tin, cập nhật dòng chảy của thời kỳ cách mạng 4.0.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã ký quyết định thành lập Tạp chí Công dân và Khuyến học - cơ quan ngôn luận của Hội vào ngày 1/3/2022.
Tạp chí Công dân và Khuyến học ra mắt, hòa mạng internet toàn cầu và đi vào hoạt động ổn định từ 16/6/2022.
Từ đó đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Tạp chí Công dân và Khuyến học đi vào hoạt động, bám sát tôn chỉ mục đích, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Khuyến học Việt Nam.
Xác định kim chỉ nam cho hành động: Tri thức là sức mạnh
GS.TS Phạm Tất Dong – cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam, người đã viết nhiều bài báo đăng trên Tạp chí Công dân và Khuyến học 1 năm qua, chia sẻ: "Đọc Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học đã trở thành thói quen hàng ngày của tôi. Khuyến học luôn là vấn đề lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta và của bất cứ quốc gia nào muốn có tương lai phát triển và nguồn nhân lực tốt. Điều tôi thực sự hài lòng là Tạp chí Công dân và Khuyến học không chỉ cung cấp thông tin bề mặt về thành tựu khuyến học – khuyến tài mà còn đi sâu phân tích, theo đuổi các chuyên đề, phản ánh thực tiễn cũng như tranh biện về học thuật, tri thức mới, dệt lên một bức tranh toàn cảnh về xã hội học tập".
Hình thành lên một tờ tạp chí chuyên biệt về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là tầm nhìn của lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam và của Ban Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học. Với sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Tạp chí khẳng định tôn chỉ mục đích phục vụ người học. Mà hành trình học tập của một đời người không chỉ gói gọn trong trường lớp, trong bài giảng của nhà trường. "Từ khoá" của tôn chỉ đó chính là "Học tập suốt đời".
Tạp chí Công dân và Khuyến học táo bạo đặt ra mục tiêu phụng sự sự nghiệp giáo dục toàn dân, đồng hành để góp phần giúp công dân trở thành những người học tập suốt đời, trở thành công dân toàn cầu. Độc giả có thể tiếp cận với thông tin từ Tạp chí để luôn cập nhật tri thức thuộc nhiều lĩnh vực.
"Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn" - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập năm 1950 vẫn luôn có ý nghĩa và mang tính thời sự. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ý thức tự học của công dân rất lớn, cũng như yêu cầu được cung cấp tri thức, các tư liệu học tập mang tính mở để mỗi công dân có thể tự học theo lời dạy của Bác Hồ. Tạp chí Công dân và Khuyến học ra đời để nhận sứ mệnh đó.
Với tầm nhìn trên con đường khuyến học của một tờ tạp chí điện tử hiện đại, Ban Biên tập ngay từ đầu đã bắt tay vào xây dựng đội ngũ làm báo đa phương tiện với các tiêu chuẩn: thông thạo nghiệp vụ báo chí hiện đại và kỹ thuật đa phương tiện, vững vàng về tư tưởng chính trị, tâm huyết với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên luôn có ý thức trách nhiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, tạo lập giá trị cốt lõi của bản thân cũng như của Tạp chí để phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, trung thực các nội dung, mảng đề tài liên quan đến chức năng nhiệm vụ, chương trình công tác trọng tâm của Hội Khuyến học Việt Nam nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Tạp chí đồng thời đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ tiên tiến phục vụ hiệu quả công tác làm báo điện tử hiện đại. Công nghệ phải đạt mức có độ mở rộng, luôn được cập nhật, đổi mới liên tục, tăng tính thích ứng với độc giả, tạo ra hệ sinh thái nhiều lớp thông tin báo chí, mạng xã hội, diễn đàn... đa dạng xoay quanh chủ đề xã hội học tập.
Tạp chí Công dân và Khuyến học qua 1 năm hòa mạng internet quốc tế (16/6/2022-16/6/2023) đã xuất bản trên 10 ngàn tác phẩm báo chí các thể loại, thu hút gần 1 triệu người dùng thường xuyên với gần 2 triệu lượt truy cập. Tất cả các tác phẩm báo chí được sản xuất nhằm vun đắp sự nghiệp giáo dục - khuyến học, khích lệ sự học toàn dân, xây dựng nguồn lực con người chất lượng cao. Những khái niệm chuyên môn về khuyến học, khuyến tài (người lớn học tập, học tập suốt đời, học không bao giờ cùng, xã hội học tập...) đang dần trở nên gần gũi với đông đảo công dân.
Mặt khác, Tạp chí cũng là kênh phản biện xã hội, làm sáng tỏ quan điểm, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong công tác khuyến học, khuyến tài. Tạp chí cung cấp thông tin thuộc nhiều lĩnh vực, hàm lượng tri thức cao để góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập.
Chỉ 1 năm ngắn ngủi ra mắt, đi vào hoạt động, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã hình thành một phong cách làm báo chuyên biệt, chính thống, có nguyên tắc kiểm chứng thông tin minh bạch, nhân văn, tránh hoàn toàn những thông tin vô bổ, phản giáo dục, tin fake (giả). Tạp chí có đội ngũ làm nội dung và kỹ thuật công nghệ phối hợp chặt chẽ trong sáng tạo tác phẩm. Với chủ đề thông tin phù hợp, định hướng tích cực, những thông tin đã xuất bản trên Tạp chí là quan điểm truyền thông tin cậy, đã qua kiểm chứng và xác tín về vấn đề mà công dân đang quan tâm.
Kiên định dựng xây xã hội học tập và sự nghiệp khuyến học - khuyến tài của toàn dân
Trải qua 1 năm hòa mạng internet toàn cầu, Tạp chí Công dân và Khuyến học - cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam - đã trở thành kênh thông tin tin cậy, là diễn đàn của trên 22 triệu cán bộ khuyến học trên cả nước. Nhiều người làm khuyến học thừa nhận, việc Tạp chí đưa thông tin toàn cảnh về hoạt động khuyến học trên cả nước đã khích lệ họ, khiến họ tâm huyết nhiều hơn với khuyến học, cống hiến nhiều hơn cho sự học toàn dân. Nhiều giáo chức đã về hưu lại có động lực quay lại với sự nghiệp khuyến học, bị "lây" phong cách học tập tươi mới từ Tạp chí, và đặc biệt chính họ đã "tự vận động" bản thân trở thành những công dân học tập.
Có thể tìm thấy ở Tạp chí nhiều thông tin bổ ích về hoạt động của các cấp hội khuyến học; những cách làm, mô hình khuyến học hay đều được tôn vinh. Nhiều nhất trên Tạp chí được xuất bản là những thông tin về nghĩa cử cao đẹp của các ngành, các cấp, của toàn xã hội đầu tư cho các quỹ khuyến học, tài trợ học bổng, tặng thưởng, khích lệ công dân học tập; trợ giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi sự học.
Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, và các các cộng tác viên, các nhà khoa học, nhà giáo đồng hành cùng Tạp chí đến nay cũng tròn 1 năm luôn nỗ lực, đóng góp các phẩm giúp cho chất lượng nội dung của Tạp chí ngày càng cao. Chất lượng nội dung tốt và có phong cách thể hiện riêng biệt, cá tính - đó là "phẩm chất" phù hợp với báo chí hiện đại (xa lộ thông tin coi trọng tri thức sáng tạo, bản quyền, nhân văn).
Đối với mỗi hiện tượng xã hội hay chính sách giáo dục nảy sinh các vấn đề tranh biện, Tạp chí Công dân và Khuyến học luôn có quan điểm thông tin thấu đáo, cách phản biện khoa học. Chính vì vậy, các bài viết đăng trên Tạp chí luôn có hàm lượng trí tuệ trong nội dung thông tin và chất lượng thông tin, được bạn đọc ở nhiều cấp, cơ quan, bộ, ngành trong nước quan tâm, ghi nhận.
Tạp chí Công dân và Khuyến học và con đường theo đuổi tầm cao tri thức
Mặc dù mới đi vào hoạt động, đang nỗ lực tự khẳng định mình và cạnh tranh với hàng trăm tờ báo, tạp chí trong môi trường hoạt động báo chí vô cùng sôi động, đa dạng, phong phú hiện nay, nhưng Tạp chí Công dân và Khuyến học luôn giữ vững định hướng tuyên truyền, tôn chỉ mục đích; không "báo hóa", không sa vào tình trạng đưa tin giật gân, câu khách. Vấn đề kinh tế báo chí từng bước được tháo gỡ, tạo nguồn tài chính công khai, minh bạch, hợp pháp, dù nguồn thu còn ít ỏi.
Việc duy trì hoạt động tòa soạn hội tụ, số hóa quy trình làm báo, đã đẩy nhanh tốc độ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên, biên tập viên tác nghiệp hiệu quả ở mọi lúc, mọi thời điểm.
Trải qua 1 năm đầu tiên trong hành trình phát triển, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Công dân và Khuyến học có thể tự hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị do Hội Khuyến học Việt Nam tin tưởng giao phó. Hoạt động của phóng viên, nhất là các phóng viên thường trú, luôn tuân thủ pháp luật, đạo đức của người làm báo chân chính.
Thời gian chính thức đi vào hoạt động chưa được dài, nhưng Tạp chí Công dân và Khuyến học đã thử sức ở nhiều thể tài báo chí mới, tạo ra các diễn đàn chuyên môn về giáo dục - khuyến học, mang đến cái nhìn toàn cảnh cho độc giả về hành trình khuyến học, khuyến tài trên cả nước. Nội dung trên Tạp chí đề cập từ các kỳ thi trong nhà trường đến lĩnh vực giáo dục thường xuyên, giáo dục từ xa, thư bạn đọc từ nước ngoài, đến chuyện học của các quốc gia trên thế giới, thị trường du học, người trẻ khởi nghiệp, kinh tế tri thức, giáo dục pháp luật...
Đáp ứng nhu cầu của độc giả, đội ngũ làm báo có kinh nghiệm của Tạp chí thường xuyên đổi mới cách thể hiện tác phẩm, đã cho ra mắt các chuyên mục/tiểu mục hấp dẫn để các cây bút giàu kinh nghiệm trong và ngoài Tạp chí có "đất" để "kể chuyện": "Những câu chuyện nhân văn"; đề cao nhiệm vụ xác tín thông tin giùm độc giả như tiểu mục "Công dân tín nhiệm"...
Tri thức nhân loại như rừng cây mà hiểu biết của mỗi công dân chỉ là những chiếc lá trên tay - châm ngôn này rất đúng với quan điểm của Tạp chí Công dân và Khuyến học: tri thức là sức mạnh được nhân lên từng ngày. Vẫn còn dư địa khổng lồ về tri thức nhân loại để phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Tạp chí khai thác. Vì vậy, đó sẽ là hành trình dài của những người làm báo khuyến học.
Từ dấu mốc 1 năm hòa mạng toàn cầu, Tạp chí Công dân và Khuyến học sẽ luôn trong tâm thế luôn tiến bước trên đường dài phụng sự sự học toàn dân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google