Tăng cường kiểm tra, siết chặt cấp phép hoạt động nhóm trẻ tư thục

11:11 - 08/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những vụ việc bạo hành trẻ mầm non bị phát hiện thời gian qua có thể mới chỉ là phần nổi của vấn nạn bạo hành học đường nói chung, bạo hành trẻ mầm non nói riêng...

Tăng cường kiểm tra, siết chặt cấp phép hoạt động nhóm trẻ tư thục - Ảnh 1.

Trường mầm non tư thục chất lượng cao Kỳ Bá-Fairy Dream 2 tại Khu đô thị Kỳ Bá, thành phố Thái Bình,

tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non

Năm học mới 2022-2023 vừa mới bắt đầu những tuần học đầu tiên thì hàng loạt sự kiện bạo hành trẻ diễn ra, khiến dư luận dậy sóng. Trẻ em bị bạo hành đã và đang hứng chịu những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ngày 21/9, dư luận bất bình trước thông tin về vụ việc một cô giáo tại Trường mầm non tư thục chất lượng cao Kỳ Bá-Fairy Dream 2 (Khu đô thị Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) sử dụng gai nhọn của cây bưởi trồng trong sân trường để đâm vào tay, lưng một số trẻ đang học tại lớp 4 tuổi Sunny 1. 

Trường mầm non tư thục chất lượng cao Kỳ Bá-Fairy Dream 2 mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7/2022 và có hơn 100 học sinh. 

Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì cũng trong cuối tháng 9/2022, nhiều người gửi con tại nhóm lớp Elm School (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Ðà Nẵng) lại bàng hoàng khi biết được sự thật là bà P.T.G. - người sáng lập ra nhóm lớp này đã đứng lớp và bạo hành nhiều trẻ tại đây. Tất cả được làm rõ khi các bậc cha mẹ quá bức xúc, yêu cầu chủ nhóm lớp này trích xuất camera. 

Cơ quan chức năng lập tức vào cuộc và bước đầu bà P.T.G. đã thừa nhận những hành vi bạo hành, bỏ đói trẻ. Nhóm trẻ mầm non Elm school này vừa mới hoạt động từ tháng 4/2022 và được cấp phép chăm sóc, giáo dục tối đa 52 trẻ mầm non. Tại thời điểm phát hiện vụ việc, nhóm trẻ này đang chăm sóc hơn 30 trẻ.

Trước đó, năm 2017, một vụ bạo hành trẻ mầm non từng gây rúng động dư luận xảy ra tại nhóm trẻ tư thục Mầm Xanh (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) mà chính bà P.T.M.L. - chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh - lại là một trong ba cô giáo, bảo mẫu thực hiện hàng loạt hình thức bạo hành tàn độc đối với 24 trẻ mầm non…

Quản lý, giám sát chưa chặt chẽ

Những vụ bạo hành trẻ mầm non tại các trường, nhóm lớp tư thục như đã nêu tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về trách nhiệm quản lý, giám sát, hậu kiểm, trước hết là vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục - đào tạo; cảnh tỉnh những cô giáo, bảo mẫu đã và đang nhận về mình thiên chức làm người mẹ thứ hai, trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ mầm non. 

Xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực, dành nhiều sự chăm lo, ưu ái cho bậc giáo dục mầm non là mục tiêu đang được đặt lên hàng đầu.

Nhiều đề án, chương trình đã và đang được triển khai nhằm nâng cao chất lượng phổ cập và duy trì chất lượng giáo dục mầm non, từng bước củng cố mạng lưới trường, lớp mầm non; tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở mọi vùng, miền được tiếp cận giáo dục. Nhưng vấn đề hậu kiểm đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng, nhà quản lý.

Thực tế cho thấy, việc cấp phép hoạt động đối với các nhóm trẻ tư thục có sự “góp vốn” của một số cá nhân, tổ chức, chưa thật chặt chẽ. Cùng với đó, việc các cơ sở này tuyển dụng bảo mẫu chăm sóc trẻ chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiệp vụ sư phạm, dẫn đến những sai phạm trong chăm sóc, giáo dục con trẻ là điều đã được báo động trước.

Trong các cam kết của các trường tư thục hay nhóm lớp, đều có các điều khoản ràng buộc với cha mẹ học sinh khi gửi con vào học. Mức học phí cũng theo đó cao hơn nhiều so với trường công lập theo quy định hiện hành. Kiểu cơ sở giáo dục mầm non tư thục mang “mác” các chương trình giáo dục quốc tế hoặc đặt tên theo hơi hướng song ngữ, cũng là cách đánh bóng, đánh lừa thị hiếu của không ít bậc cha mẹ.

Việc cấp phép hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, nhóm trẻ tư thục, hiện được giao về ủy ban nhân dân các phường, xã, đây cũng là một trong những bất cập khi thiếu vắng sự kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên mà chủ yếu mới chỉ kiểm tra định kỳ, chiếu lệ. 

Luật còn buông lỏng?

Theo quy định của pháp luật, các hành vi bạo hành trẻ em chưa gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, song nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp xử lý đối tượng bạo hành trẻ em chưa đủ sức răn đe. Theo quy định tại Ðiều 140 (Tội hành hạ người khác) Bộ luật Hình sự thì mức phạt cao nhất là 3 năm tù.

Những vụ việc bạo hành trẻ mầm non bị phát hiện thời gian qua có thể mới chỉ là phần nổi của vấn nạn bạo hành học đường nói chung, bạo hành trẻ mầm non nói riêng. Ðình chỉ giáo viên, đình chỉ nhóm lớp, điều tra nguyên nhân, là những việc các ngành chức năng đang triển khai ngay khi phát hiện các vụ việc bạo hành trẻ. Nhưng điều cần hơn nữa là phải siết chặt việc cấp phép hoạt động, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý, răn đe những trường hợp vi phạm; tăng cường hỗ trợ, ổn định tâm lý trẻ sau các vụ việc bạo hành, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thương cho các em.

Nguồn: Báo Nhân Dân