Tầm quan trọng của kỹ năng việc làm và một số đề xuất cho các trường đại học

Bùi Thị Nhung - Ngô Thái Hoàng Anh (Trường Đại học Ngoại thương)
06:00 - 19/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Kĩ năng việc làm đề cập đến khả năng và tiềm năng của một cá nhân để được nhận vào làm việc và đảm nhiệm các công việc phù hợp. Đây là kĩ năng quan trọng đối với cả nhà tuyển dụng và người tìm kiếm việc làm.

Tầm quan trọng của kỹ năng việc làm và một số đề xuất cho các trường đại học - Ảnh 1.

Kỷ năng việc làm là các kỹ năng, kiến thức và năng lực giúp nâng cao khả năng của người lao động trong việc đảm bảo và duy trì công việc, tiến bộ trong công việc và đối phó với sự thay đổi, đảm bảo một công việc khác nếu họ muốn và tham gia dễ dàng hơn vào thị trường lao động ở các thời kỳ khác nhau. Ảnh: tindung.com.vn

Kỹ năng việc làm cho phép thích ứng với những thay đổi trong thế giới công việc

Một mặt, việc đòi hỏi những kĩ năng này giúp nhà tuyển dụng chọn đúng ứng viên. Mặt khác, trau dồi kĩ năng việc làm giúp sinh viên có thể đảm bảo một công việc, duy trì việc làm và di chuyển linh hoạt trong thị trường việc làm cũng như để học tập suốt đời. Nó đòi hỏi mỗi sinh viên sau khi ra trường khả năng đặt câu hỏi, có được các kỹ năng mới, xác định và đánh giá các lựa chọn, tính linh hoạt, thích ứng thành công với những thay đổi và đưa ra sáng kiến.

Kỷ năng việc làm là các kỹ năng, kiến thức và năng lực giúp nâng cao khả năng của người lao động trong việc đảm bảo và duy trì công việc, tiến bộ trong công việc và đối phó với sự thay đổi, đảm bảo một công việc khác nếu họ muốn và tham gia dễ dàng hơn vào thị trường lao động ở các thời kỳ khác nhau. Các cá nhân có khả năng được tuyển dụng cao nhất khi họ được giáo dục và đào tạo trên diện rộng, bao gồm làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cũng như các kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ. Sự kết hợp của các kỹ năng này cho phép họ thích ứng với những thay đổi trong thế giới công việc.

Trong khi bằng tốt nghiệp có thể được coi là minh chứng về mức độ hiểu biết và kỹ năng kiến thức, khả năng được tuyển dụng liên quan đến cách mà những người đã hoàn thành các khóa học đại học có thể được hòa nhập vào môi trường làm việc quốc gia/quốc tế. Một nhóm các khả năng thiết yếu liên quan đến việc phát triển nền tảng kiến thức, trình độ chuyên môn và tư duy ngày càng trở nên cần thiết để thành công trong môi trường làm việc hiện đại ở bất kỳ cấp độ nào. Với việc trau dồi tích cực để phát triển các kĩ năng việc làm, sinh viên mới tốt nghiệp không chỉ đảm bảo việc mình có thể tìm thấy công việc đầu tiên mà họ còn có khả năng di chuyển linh hoạt giữa các công việc, do đó vẫn có thể duy trì các công việc phù hợp trong suốt cuộc đời. 

Ba nhóm cơ bản của kỹ năng việc làm

Kỹ năng việc làm thường được phân chia thành ba nhóm chính như sau:

- Kĩ năng giao tiếp là phương tiện để chia sẻ kiến thức, sở thích, thái độ, quan điểm, cảm xúc và ý tưởng nhằm gây ảnh hưởng và cuối cùng là dẫn dắt người khác. Kỹ năng giao tiếp bao gồm: khả năng lắng nghe, diễn đạt bằng lời nói cũng như bằng văn bản, và kĩ năng đọc.

- Kỹ năng chuyên môn/ kỹ thuật là những kỹ năng mặc dù được phát triển thông qua giáo dục nhưng lại được hoàn thiện và duy trì trong quá trình làm việc. Nhóm kĩ năng này bao gồm: kỹ năng thuộc về năng khiếu, kỹ năng phân tích/ Phân tích dữ liệu, kỹ năng Máy tính/Kỹ thuật và kiến thức học thuật.

- Kỹ năng làm việc cốt lõi hay các thuộc tính cá nhân là các kỹ năng làm cho các ứng viên nổi bật so với đại đa số, về cơ bản, chúng chính là thái độ của ứng viên. Nhóm này bao gồm: phong cách cá nhân tốt, quản lý thời gian cá nhân, Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng Lãnh đạo/ Quản lý, đạo đức làm việc tốt, thái độ tích cực, sẵn sàng học hỏi, nhận thức về bản thân, kỹ năng Giải quyết Vấn đề và Ra Quyết định, kỹ năng Đàm phán, độ tin cậy và tính chính trực, tính linh hoạt, sáng kiến, tính nhất quán, và sử dụng Công cụ và Công nghệ hiện đại.

Những kỹ năng việc làm đã nêu rất quan trọng đối với cả nhà tuyển dụng cũng như những người đang ở ngưỡng cửa bắt đầu sự nghiệp và tham gia thị trường việc làm. Theo truyền thống, những kỹ năng này được học tại chỗ và nơi chính thức giúp trang bị kĩ năng là các giảng đường đại học. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thức tế là tại các trường đại học ở Việt Nam, nhìn chung việc đào tạo kĩ năng ngoài chuyên môn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư nhiều như các kiến thức, kĩ năng chuyên môn và chuyên ngành. Trong khi đó, người sử dụng lao động mong muốn người lao động có kỹ năng làm việc trong tay và đã sẵn sàng làm việc chứ không chỉ là những sinh viên có điểm cao trong các môn học thuộc chương trình giảng dạy đại học.

Những ai sẽ được ưu tiên tuyển dụng?

Trong thập kỷ gần đây, việc đào tạo nhân viên trở nên phổ biến, có nghĩa là những người mới tuyển dụng thường được các công ty tạo điều kiện học tập để củng cố và phát triển nghề nghiệp. Việc đào tạo củng cố và nâng cao này được thực hiện trong quá trình làm việc, vừa học vừa làm trên cơ sở phân bổ thời gian hài hòa và hợp lí. Tuy nhiên, trong bối cảnh cần cắt giảm bớt chi phí hoạt động, các công ty trở nên có ý thức hơn về chi phí và nhìn chung là không muốn chi tiêu quá nhiều cho hoạt động đào tạo người lao động. Hơn nữa, thời gian dành cho việc học nhiều lên cũng đồng nghĩa với việc thời gian thực sự làm việc cho công ty cũng bị ảnh hưởng. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, nơi các công việc ngày càng trở nên phức tạp hơn, tính cạnh tranh giữa các công ty trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết, các nhà tuyển dụng có xu hướng tinh giản bộ máy nhân công. Người sử dụng lao động mong muốn nhân viên có thể làm việc với hiệu suất cao và thời gian tái đào tạo hay phát triển nghề nghiệp ngắn lại. Chính vì thế, các nhà tuyển dụng hầu hết hướng tới những sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng nền tảng vững chắc và có thể triển khai kiến thức của họ để giải quyết vấn đề, chủ động giao tiếp với các thành viên trong nhóm, thay vì chỉ tuân theo các thói quen quy định. Nói cách khác, những sinh viên mới tốt nghiệp có thể ngay lập tức bắt tay vào việc và làm được việc chính là các ứng viên được ưu tiên tuyển dụng nhất.

Đối với các sinh viên mới ra trường, có kỹ năng việc làm là điều cần thiết không chỉ để có được việc làm mà còn để tồn tại trong công việc. Họ sẽ có thể phản ứng nhanh với tình huống, đưa ra những ý tưởng mới và thực hiện hiệu quả hơn. Tính linh hoạt được nâng cao có nghĩa là họ sẽ có thể thích ứng và điều chỉnh dễ dàng với sự thay đổi công nghệ và tái cơ cấu tổ chức. Tương tự, khả năng học tập cho phép quản lý thời gian và công việc, trong khi kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm giúp đạt được hiệu quả tốt nhất từ các nhóm và đội nơi công sở. Kĩ năng giải quyết vấn đề giúp phát triển các cách tiếp cận có hệ thống để giải quyết các vấn đề khác nhau có thể gặp phải trong công việc.

Kĩ năng việc làm là một trong những hành trang quan trọng

Kĩ năng việc làm là một trong những hành trang quan trọng giúp sinh viên có thể đảm nhận tốt công việc theo chuyên môn đã được đào tạo cũng như có được mức lương cao sau khi ra trường. Đây không chỉ là mong muốn của bản thân các sinh viên mà còn là mong muốn chung của nhà trường, gia đình và xã hội. Các tác giả xin đưa ra một số ý kiến góp phần hoàn thiện phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo đồng thời nâng cao mức độ nhận thức và mức độ tích lũy các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên như sau:

Một là, cần cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chuẩn đầu ra đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành: xác định rõ các kỹ năng cần thiết và mức độ ưu tiên đối với từng kỹ năng; nghiên cứu, đánh giá, cập nhật các yêu cầu của thị trường lao động về các kĩ năng việc làm.

Hai là, các bộ môn giảng dạy tại các trường đại học cần tiếp tục duy trì tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, tăng thời lượng thực hành, thực tập cho sinh viên, định hướng người học, lấy người học làm trung tâm; thúc đẩy tinh thần chủ động trong học tập, nghiên cứu, tìm tòi của sinh viên; có thể liên kết với các trường, trung tâm đào tạo uy tín về kỹ năng cho sinh viên tham gia. Bên cạnh đó Bộ môn, Khoa có thể tổ chức các buổi giao lưu (giới thiệu ngành nghề, việc làm, học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia hoặc các doanh nhân, các nhà quản lý nổi tiếng và thành công), tổ chức các buổi sinh hoạt mang tính học thuật và thông báo rộng rãi để các em sinh viên có thể biết đến, tham gia. Từ đó sinh viên sẽ có thêm nhiều cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng.

Ba là, các trường đại học cũng như các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên cần tích cực hơn nữa trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu cho sinh viên (tình nguyện, thi đấu thể thao, hội chợ, giao lưu giới thiệu việc làm, giao lưu với các tổ chức khác…), khuyến khích sinh viên tham gia nhằm giúp sinh viên có cơ hội học tập, rèn luyện những kỹ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức.

Bốn là, khuyến khích nhiều hơn nữa đối với các sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi như Khởi nghiệp; tham gia các hoạt động phong trào thông qua các giải thưởng, chi phí hỗ trợ, các hình thức khen thưởng, đánh giá nhận xét vào hồ sơ sinh viên về những mặt tích cực hoặc những thành tích của sinh viên trong thời gian học tập tại trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mai, T. N. & Hoang, V. V. (2009), Enhancing Graduate Employability at Vietnam National University, Hanoi: A Case Study. Country Reports - Enhancement of Graduate Employment - ASAIHL 2009.

2. Nguyen, M. T. (2019), A longitudinal study about the employability skills of Vietnamese students. Tạp chí công thương. Retrieved from http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/a--longitudinal-study-about-the-employability-skills-of-vietnamese-students-62145.htm

3. Pooja, B. (2013), English for employability-A challenge for ELT faculty. Research Journal of English Language and Literature, 1(3). 350-353

4. Truong, Hà Nội.T. and Laura, R.S. (2015), "Essential soft skills for successful business graduates in Vietnam", Sociology, Vol. 5 10, pp.759-763.