Giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo
Những năng lực tình cảm, kỹ năng xã hội là nền tảng cho phát triển thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, hiệu quả giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ 5 - 6 tuổi ở trường mầm non còn thấp.
Giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ 5-6 tuổi tại Việt Nam chưa được chú trọng
Bà Monisha Dewan - chuyên gia giáo dục UNICEF Khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhấn mạnh: "Những năng lực tình cảm, kỹ năng xã hội là viên gạch đặt nền tảng cho việc phát triển thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân, tuy nhiên, việc giáo dục những điều này chưa được chú trọng nhiều tại Việt Nam".
Báo cáo của UNICEF về vấn đề "Điều gì hình thành nên hạnh phúc của trẻ em ở các nước, dựa vào việc đánh giá các khía cạnh: sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em cũng như bộ kỹ năng xã hội và học tập" cũng chỉ ra có ít nhất 1/5 trẻ em thiếu tự tin vào các kỹ năng xã hội để kết bạn mới.
Theo khảo sát "Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non Việt Nam (SRPP) năm 2013", có khoảng một nửa số trẻ em Việt Nam 5 tuổi có nguy cơ thiếu hụt hoặc thiếu hụt ít nhất một trong năm kỹ năng cần thiết để bắt đầu đi học, trong đó có kỹ năng xã hội."
Trong thực tế hiện nay ở trường mầm non, hiệu quả giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ 5-6 tuổi còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Những hoạt động giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội chỉ được tích hợp qua các hoạt động trong ngày, giáo viên chưa biết cách tận dụng các cơ hội trong các tình huống để lồng ghép nội dung giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ, chưa biết chọn nội dung giáo dục phù hợp với độ tuổi của trẻ, giáo viên vẫn coi trọng phát triển nhận thức hơn giáo dục giá trị.
Hơn nữa, giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội chưa được nhà trường quan tâm nghiên cứu việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch, việc định hướng giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ, việc phối hợp từ nhà trường đến gia đình còn hạn chế.
Thực tế gia đình thường quan tâm đến việc trẻ lĩnh hội tri thức như thế nào mà quên đi việc giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ, sự bao bọc quá kỹ sẽ khiến trẻ không thích nghi được với môi trường xung quanh, khả năng tự lập thấp và dẫn đến những sai lệch trong nhận thức lẫn hành động.
Vì thế, trước khi tác động vào trẻ tri thức nhân loại chúng ta hãy tác động vào tình cảm, cảm xúc cũng như hành động của trẻ trước sự vật, sự việc.
Nghiên cứu về kỹ năng xã hội của trẻ mẫu giáo
Kỹ năng xã hội là phần then chốt trong tương tác xã hội ở môi trường học đường, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng xã hội và học tập ở trẻ em. Việc phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng ở trường mầm non.
Ở trẻ 5 - 6 tuổi, kinh nghiệm xã hội của trẻ khá nhiều so với lứa tuổi trước. Trẻ biết thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình, hiểu được ý nghĩa của lao động đối với con người, có ý thức đối với hành động văn hoá và hành vi văn minh trong cuộc sống.
Lý thuyết gia Bronfenbrenner nhấn mạnh trẻ em lớn lên trong các môi trường văn hóa sôi động và thường xuyên biến đổi, trong đó chúng phải tương tác và liên hệ với những gì xung quanh chúng trong những bối cảnh thường xuyên thay đổi.
Khi trẻ em lớn lên và phát triển, bản chất và phẩm chất của những mối tương tác của chúng thay đổi và quá trình này xảy ra bên trong các cộng đồng, các nền văn hoá và các xã hội rộng hơn, tất cả những cái đó có những đặc trưng riêng, có thể nhận biết và có thể xác định.
Bronfenbrenner nhấn mạnh hơn những ảnh hưởng gián tiếp như môi trường gia đình và cộng đồng. Ông cũng coi những nhân tố rộng hơn trong xã hội như khí hậu kinh tế chính trị có ảnh hưởng quan trọng lên học tập và phát triển của trẻ em.
Trong khi đó, lỹ thuyết gia Bandura nhấn mạnh hơn đến sự phát triển nhận thức của trẻ em, đặc biệt về phương diện tác động của chúng lên thông tin nhận được từ môi trường bên ngoài. Không giống như Bronfenbrenner, Bandura nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trẻ em bắt chước và đồng nhất với những người khác xung quanh chúng. Bandura nhấn mạnh lên vấn đề tự do hơn Bronfenbrenner.
Cùng với "Kỹ năng sống", thuật ngữ "Kỹ năng xã hội" bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam vào những năm đầu thập niên 90, khi xã hội bắt đầu có những chuyển biến phức tạp về nền kinh tế thị trường và việc du nhập các nền văn hóa từ các nước bên ngoài vào Việt Nam đã tác động rất lớn đến cách nghĩ và bản chất sinh hoạt lao động của con người.
Tại Việt Nam đầu những năm 90, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo tại Quyết định 1363/QĐ-TTg về việc cần rèn luyện kỹ năng xã hội ở các bậc học, nội dung của quyết định cũng đã có đề cập đến việc trang bị cho người học những hiểu biết về văn hóa ứng xử, về thái độ sống,…
Nghiên cứu về giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo
Tình cảm có vai trò quan trọng trong cuộc sống và hoạt động của con người, tình cảm thúc đẩy con người hoạt động, giúp con người vượt qua những khó khăn trở ngại gặp phải trong quá trình hoạt động. Nghiên cứu về vấn đề xúc cảm, tình cảm đã được đề cập ngay từ thời Cổ đại trong quan điểm của Platon, Aristote, sau này là Descartes, Spinoza và rất nhiều nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới như W. James, S. Freud, R. Solomon, S. Tomkins, P. Ekmen, C. Izard, R. Plutchik,...
F. Ăngghen đã viết: "Những tác động của thế giới khách quan lên con người và được phản ánh vào đó dưới dạng những tình cảm, ý nghĩa, động cơ và biểu hiện ý chí".
Ở trẻ 5 tuổi, theo L.X. Vugotxki diễn ra "sự trí tuệ hoá cảm xúc". Trẻ có khả năng ý thức, hiểu và giải thích những tình cảm của riêng mình và trạng thái xúc cảm của bạn bè, làm thay đổi một cách cơ bản quan hệ của trẻ với bạn bè. Trẻ đã biết đánh giá nhóm bạn bè qua sự giúp đỡ, hợp tác trong học tập và vui chơi, chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, xuất hiện tình bạn.
Về nguồn gốc của trí tuệ cảm xúc được cha đẻ của thuyết tiến hóa, Charles Darwin lý giải: cảm xúc tiến hóa để cho phép con người và động vật sống thích nghi, sống sót và sinh sản.
Một lý giải khác của James - Lange cho rằng, khi gặp một kích thích từ bên ngoài môi trường, dẫn đến một phản ứng sinh lý bên trong cơ thể. Cảm xúc đóng nhiều vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người và là chủ đề của nghiên cứu khoa học trong tâm lý học trong hơn một thế kỷ (Cannon, 1927; Darwin, 1872; James, 1890).
Trong một số đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về Đặc điểm phát triển tâm lý trẻ em hoặc Nghiên cứu đặc điểm phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo của các tác giả Nguyễn Thạc, Phan Thị Ngọc Anh (2010 - 2012); Nghiên cứu về giáo dục hành vi văn hóa cho trẻ em của Nguyễn Ánh Tuyết nhận định: "Xúc cảm, tình cảm có vai trò to lớn trong đời sống của con người cả về mặt tâm lý lẫn sinh lý, con người không có xúc cảm thì không thể tồn tại được. Xúc cảm, tình cảm là nguồn động lực mạnh mẽ kích thích con người tìm tòi chân lý, tình cảm thúc đẩy con người hoạt động, giúp con người khắc phục những khó khăn, trở ngại gặp phải trong quá trình hoạt động".
Bởi vậy, xúc cảm tình cảm là vấn đề rất phong phú và đa dạng, đã có rất nhiều người quan tâm và nghiên cứu về vấn đề tình cảm và các khía cạnh của tình cảm. Trong cuốn "Tâm lý học đại cương" của tác giả Nguyễn Quang Uẩn, khi nghiên cứu về nhân cách con người cũng đã đề cập về khía cạnh tình cảm, nhưng tác giả chỉ nghiên cứu về tình cảm nói chung. Tác giả Nguyễn Ánh Tuyết cũng đã đề cập đến đời sống tình cảm của trẻ mẫu giáo trong cuốn giáo trình "Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non".
Nghiên cứu về hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo
Các nhà tâm lý học Marxist đã khẳng định bản chất xã hội của trò chơi trẻ em. Trò chơi được xem là một hoạt động xã hội. Nó mang tính xã hội cả về nguồn gốc ra đời, về khuynh hướng, về nội dung và hình thức biểu hiện.
Theo Pleekhanop, trò chơi là một nghệ thuật xuất hiện sau lao động và trên cơ sở của lao động. Trò chơi phản ánh hoạt động lao động của người lớn. Theo các nhà tâm lý học Xô viết thì trò chơi mang tính liên hệ với chính sự phát triển của xã hội loài người và với sự thay đổi vị trí của đứa trẻ trong hệ thống các mối liên hệ xã hội.
Froebel cho rằng vui chơi là trung tâm giáo dục trẻ em và sự phát triển tương lai của chúng. Froebel tin tưởng mãnh liệt vào tầm quan trọng của việc trẻ em biểu lộ bản thân chúng thông qua việc chúng chơi một mình hay chơi với nhau.
Có thể nói Froebel là người đã đưa ra khái niệm chơi và làm nó thành trung tâm của việc giáo dục trẻ nhỏ. "Giá trị của học thông qua chơi lần đầu tiên được nhà giáo dục học người Đức Friedrich Froebel đưa ra. Phong trào vườn trẻ và trường mẫu giáo đã giải thoát trẻ khỏi tình trạng chuyên chế ngồi sắp hàng, hát đồng ca và viết ABC" - Tizard và Hughes đã bình luận.
Học thuyết "sức dư thừa" của Ph. Siller cho rằng "trò chơi là cơ sở của tất cả các nghệ thuật. Nghệ thuật cũng như trò chơi được xuất hiện khi những nhu cầu sơ đẳng, cần thiết cho việc tồn tại của cuộc sống được đáp ứng. Việc đáp ứng những nhu cầu đó được thực hiện trong trò chơi và trong nghệ thuật.
Trong những việc đó con người được nâng cao lên trên thực tế bình thường và thực sự có được tự do sáng tạo. Bên cạnh đó học thuyết còn đánh đồng trò chơi của trẻ em với trò chơi của những con vật bậc cao.
Những năng lực dư thừa của các cơ thể con vật non không được sử dụng cho hoạt động thực, nên đã được tiêu khiển qua con đường bắt chước các hoạt động thực đó bằng trò chơi. Ở trẻ em trò chơi là sự bắt chước các hoạt động thực của bản thân và cả của người lớn.
Học thuyết cổ điển về trò chơi (Karl Groos) mang tính sinh vật rõ rệt, trò chơi mang ý nghĩa sinh vật sâu sắc, còn thời thơ ấu chỉ là để dành riêng cho vui chơi.
Học thuyết di truyền sinh học và trò chơi của Stenlin Kholl coi sự phát triển tâm lý ngườicủa đứa trẻ là sự thu gọn, lặp lại những thời kỳ phát triển của loài người. Do đó nội dung lẫn hình thức của trò chơi cũng lặp laị lịch sử phát triển của nhân loại đã trải qua từ thời kỳ nguyên thủy cho đến xã hội hiện nay
Quan điểm sinh vật hóa trò chơi (S. Freud): Được hình thành từ học thuyết về cấu trúc nhân cách trong đời sống vô thức của con người, gắn trò chơi vào những đam mê sinh vật. Ông xem việc trẻ chơi cốt là để thỏa mãn những đam mê ấy, quan điểm này là nền tảng của học thuyết "trò chơi trị liệu".
Nghiên cứu về giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo qua hoạt động vui chơi tại trường mầm non
Từ lâu, hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo đã cuốn hút sự quan tâm của các nhà triết học, dân tộc học, sinh học, tâm lí học, giáo dục học…
Sự quan tâm trên không phải là ngẫu nhiên, bởi lẽ các nhà tâm lí học - giáo dục học quan tâm đến chơi của trẻ vì chơi chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của chúng, còn các nhà dân tộc học thì lại quan tâm đến chơi như là một hiện tượng của nền văn hoá loài người, là cái nôi sáng tạo của nhân dân…
Từ thập kỷ 80 trở lại đây vấn đề thông qua hoạt động vui chơi để rèn luyện thể chất và kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo được quan tâm nhiều hơn.
Nghiên cứu về trò chơi và vai trò của trò chơi đối với sự phát triển của trẻ em được một số nhà khoa học trong nước đề cập đến dưới góc độ nghiên cứu tâm lí học và giáo dục học:
Tác giả Nguyễn Ánh Tuyết trong tác phẩm "Tâm lý học trẻ em" đã khái quát về hoạt động vui chơi ở lứa tuổi mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn phát triển tới mức hoàn thiện thông qua các đặc điểm: tự lực, tự do và chủ động. Ngoài ra, thông qua hoạt động trò chơi đóng vai theo chủ đề, trẻ đã biết thiết lập những quan hệ rộng rãi và phong phú với các bạn cùng chơi: "Một xã hội trẻ em được hình thành với cấu trúc rất phức tạp".
Tác giả chỉ ra rằng "Trong cái xã hội ấy mỗi đứa trẻ có một vị trí nhất định. Vị trí đó được thể hiện ở chỗ bạn bè trong nhóm đối xử với các em như thế nào. Vị trí trong nhóm bạn cùng tuổi ảnh hưởng một cách sâu sắc đến sự phát triển nhân cách của trẻ".
Bên cạnh đó, trong "Giáo trình giáo dục hành vi văn hóa cho trẻ em" tác giả Nguyễn Ánh Tuyết cũng nêu ra quan điểm "đối với trẻ em việc giáo dục trước hết phải là giáo dục hành vi, giúp trẻ có những hành vi tốt đẹp trong khi ứng xử với những người xung quanh".
Việc giáo dục những hành vi văn hóa này có liên hệ mật thiết với việc giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ trong độ tuổi mẫu giáo bao gồm: giáo dục hành vi giao tiếp ứng xử lịch sự, lễ phép; giáo dục hành vi tham gia vào hội thoại và giao tiếp có văn hóa; giáo dục hành vi biểu đạt nhu cầu với người khác; giáo dục hành vi biết thể hiện sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ người khác.
Đồng quan điểm trên, theo tác giả Đinh Văn Vang, "hoạt động vui chơi là một trong các loại hình hoạt động cơ bản của trẻ ở trường mầm non - là hoạt động mà động cơ của nó nằm trong quá trình chơi chứ không nằm trong kết quả của hoạt động, khi chơi, đứa trẻ không chủ tâm vào một lợi ích thiết thực nào cả, trong trò chơi các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội được mô phỏng lại chơi mang lại cho trẻ một trạng thái tinh thần vui vẻ, phấn chấn, dễ chịu".
Điều này cho thấy sự tương tác của bạn bè trong khi tham gia hoạt động vui chơi giúp ích cho trẻ rất nhiều trong việc hình thành tình cảm và kỹ năng xã hội cần thiết. Bạn bè vừa là đối tượng để trẻ thể hiện các kỹ năng xã hội vừa là chuẩn để trẻ so sánh các hành vi của mình.
Theo tác giả Thành Hưng, việc chơi đùa của trẻ không chỉ đơn giản là để vui thích, mà nó rất quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển trí thông minh, hình thành cảm xúc của trẻ, tạo cho trẻ khả năng phân tích đến những kỹ năng giao tiếp xã hội. Trẻ chơi các đồ chơi không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn giúp gia tăng trí tuệ và sức khỏe cho trẻ, trẻ sẽ có khả năng học hỏi từ những động tác của môi trường xung quanh.
Năm 1990, Chính phủ Việt Nam đã kí Công ước về Quyền trẻ em và cam kết thực hiện mục tiêu giáo dục cho mọi người theo kế hoạch hành động Dakar: nâng cao ảnh hưởng của nền giáo dục có chất lượng, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống.
Năm 2009, tác giả Lê Bích Ngọc đã đề cập đến việc giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ qua tác phẩm "Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ 5 - 6 tuổi", tác giả nhận định "Trẻ từ 5 đến 6 tuổi thích kết bạn mới,... Trẻ có thể hợp tác, nhận và hoàn thành nhiệm vụ, tôn trọng quy tắc xã hội, giữ gìn đồ dùng, đồ chơi, quý trọng đồng tiền. Những kỹ năng này thúc đẩy sự phát triển trí lực, tinh thần trách nhiệm, tính tích cực, lạc quan, dễ thích ứng với xã hội của trẻ".
Sau nhiều năm nghiên cứu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình khung giáo dục mầm non năm 2009 và bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, đây là kim chỉ nam cho giáo viên mầm non trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường mầm non. Trong đó, tình cảm và kỹ năng xã hội được tách ra hẳn thành một trong năm lĩnh vực cần phải phát triển cho trẻ.
Tình cảm và kỹ năng xã hội góp phần thúc đẩy sự phát triển cá nhân, ngăn ngừa các vấn đề xã hội
Nghiên cứu về tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ 5 - 6 tuổi là một đề tài cần thiết khi đứng trước tình hình hiện nay các vấn nạn bạo lực, khiếm nhã, tự tử,.. bỗng xuất hiện nhiều và tập trung hơn ở lứa tuổi ngày càng trẻ hóa. Vì tình cảm và kỹ năng xã hội có thể giúp con người có thể hòa nhập và thích nghi với sự thay đổi của xã hội một cách tích cực nhất, để đảm bảo an toàn và khỏe mạnh cho đời sống thể chất cũng như tinh thần đặc biệt đối với trẻ về sau.
Tình cảm và kỹ năng xã hội góp phần thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội, ngăn ngừa các vấn đề xã hội, bạo lực học đường, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ quyền con người, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân trẻ mầm non. Trẻ có kỹ năng xã hội sẽ thực hiện được những hành vi mang tính xã hội tích cực, góp phần xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp, xây dựng môi trường học đường thân thiện và là điều kiện thiết yếu để đảm bảo quá trình giáo dục phát triển một cách toàn diện và hiệu quả.
Trẻ em xứng đáng được dành những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, sự bao bọc quá kỹ sẽ khiến bé không thích nghi được với môi trường xung quanh, khả năng tự lập thấp và dẫn đến những sai lệch trong nhận thức lẫn hành động.
Vì thế, cần phải trang bị những kỹ năng xã hội để rèn luyện cho bé ngay từ bậc học mầm non. Phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ là một việc làm hết sức có ý nghĩa và giá trị: trẻ sẽ biến kiến thức thành hành động cụ thể, những thói quen tốt, những cách ứng xử phù hợp trước những đòi hỏi của cuộc sống. Giúp trẻ biết làm chủ bản thân và làm chủ cuộc sống của chính mình khi trưởng thành.
Giáo dục phát triển kỹ năng xã hội là những hoạt động tích cực, hướng vào những hoạt động cá nhân hoặc một nhóm trẻ với mục đích giúp trẻ có thể ứng phó hiệu quả với các tình huống, thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
Định hướng của giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội là giúp trẻ trẻ làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống.
Rèn luyện kỹ năng xã hội sẽ giúp trẻ nhanh chóng hoà nhập và khẳng định vị trí của mình trong tập thể. Cho dù trẻ có tài giỏi, thông minh đến đâu nhưng thiếu tình cảm và kỹ năng xã hội, trẻ cũng khó tiếp cận với môi trường xung quanh, hòa nhập cũng như khẳng định mình. Chính vì thế, việc rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ là điều rất cần thiết, là yếu tố quyết định đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của trẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google