“Những kỹ năng sư phạm giúp tôi làm khuyến học tốt hơn”

Đắc Quang
17:30 - 19/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

18 năm làm công tác giáo dục, dạy học cho học viên ở các độ tuổi khác nhau, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm để giờ đây, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp khuyến học nước nhà.

Trước khi làm về khuyến học, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đã được biết đến là một nhà giáo mẫu mực, nhiệt huyết trong công tác giáo dục.

“Những kỹ năng sư phạm giúp tôi làm khuyến học tốt hơn” - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Hồng Vân. Ảnh: NVCC

Tỉnh Quảng Trị vốn nhiều nắng và gió, khí hậu khắc nghiệt vô cùng. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, vùng đất cằn cỗi này càng trở nên hoang tàn do sự phá hủy khốc liệt của chiến tranh. Trong khoảng thời gian đó, cô gái người Hà Tây (nay là Hà Nội) Nguyễn Thị Hồng Vân (sinh năm 1952), khi ấy mới độ tuổi đôi mươi, đã đăng ký xung phong vào Quảng Trị để làm nhiệm vụ sư phạm.

Lăn lộn với nghề giáo ở độ tuổi thanh niên sung sức, Nguyễn Thị Hồng Vân đã luôn hết mình với công việc dạy học, góp phần vào sự nghiệp kiến thiết đất nước thời kỳ hậu chiến.

Trải qua 18 năm gắn liền với giáo dục, bà Nguyễn Thị Hồng Vân sau đó đã chuyển sang hoạt động Công đoàn. Và đến năm 2007, bà về hưu, song, tiếp tục làm việc, góp sức trong Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị.

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng với bà Hồng Vân, những tháng ngày thanh niên sôi nổi làm nhiệm vụ giáo dục vẫn luôn là khoảng thời gian ý nghĩa, đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống của bà sau này và cả hiện tại, khi đang làm khuyến học với tư cách Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị.

Trong không khí hân hoan chào đón Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học đã có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồng Vân về quãng thời gian gắn bó với công tác giáo dục và kinh nghiệm làm khuyến học từ công tác giáo dục của bà.  

Xung phong đi "gieo chữ" từ nơi đổ nát, hoang tàn

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Được biết, trước khi làm việc tại Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị, bà từng có 18 năm kinh nghiệp trong công tác giáo dục. Quá trình đó diễn ra như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân: Năm 1969, tôi tốt nghiệp trung học phổ thông và đỗ vào khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.

Nhập học được mấy tháng, Bộ Giáo dục có chủ trương đào tạo cấp tốc một khóa sư phạm để chi viện cho miền Nam.

Do đó, khi đang là sinh viên Khoa Văn của trường, tôi tình nguyện xin tham gia vào khóa đào tạo 10 +1 đầu tiên của miền Bắc để được tăng cường vào các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, lớp Văn – Sử đã đủ chỗ, tôi chuyển sang lớp Sinh – Địa.

Năm 1970, tôi ra trường và trở thành cô giáo năm 18 tuổi, dạy ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Mai, tỉnh Hà Tây.

Năm 1972, Bộ Giáo dục lại có chủ trương cử một lớp giáo viên chi viện cho chiến tường miền Nam. Tôi lại đăng ký để vào miền Nam chi viện. Thế rồi tôi được phân công vào chiến trường B4 của tỉnh Quảng Trị, khi ấy nhiều nơi còn chưa được giải phóng.

Trên đường đi, chúng tôi phải vượt đường mòn Hồ Chí Minh, mất ròng rã nhiều ngày mới đến đất được Quảng Trị. Tôi được sắp xếp dạy ở Trường Sư phạm đồng bằng Quảng Trị.

Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng chúng tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ.Học viên của tôi có 2 hệ, một hệ dạy cho lớp 5, 6, 7, một hệ dạy cho lớp 10, 11, 12.

“Những kỹ năng sư phạm giúp tôi làm khuyến học tốt hơn” - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Hồng Vân cùng các đại biểu, nhà tài trợ trao học bổng "Ánh trăng rằm" lần thứ X. Ảnh: NVCC

Đến năm 1975, tôi chuyển về Trường Bổ túc Văn hóa của vùng giải phóng thuộc huyện Triệu Phong. Tại đây, giáo viên chúng tôi ở chung với phòng Giáo dục huyện Triệu Phong.

Đang dạy sư phạm lớp lớn, giờ tôi trở về dạy các bác học lớp 2. Họ là những người đi hoạt động cách mạng về, rồi vào đây học bổ túc văn hóa. Các bác đọc bảng cửu chương lạ lắm.

Ví dụ các bác sẽ đọc nhất nhất nhị, nhị nhị tứ, nhị tam lục, nhị tứ bát… rồi mang nặng tiếng địa phương. Dạy lớp này rất khó. Bởi các bác là cán bộ, có tuổi rồi, mình lại là người trẻ nên phải động viên, an ủi các bác nhiều.

Ở đây, các giáo viên cũng phải làm thêm ruộng, trồng thêm sắn để tăng gia sản xuất. Thời kỳ khó khăn chung của đất nước mà!

Dạy đối tượng người lớn và các học sinh ở những vùng được giải phóng này thì mới thấy hết được sự hiếu học, khát học của họ. Đó cũng là bản chất con người Quảng Trị, chân chất, cần cù, chịu khó. Tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ học viên của mình.

Đến năm 1981, tôi tiếp tục thi đỗ vào khoa Văn của trường Đại học Sư phạm Huế để hoàn thành con đường học đại học còn dang dở. Vì ý thức học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động của trường nên tôi được kết nạp Đảng ngay ở đây.

Tốt nghiệp năm 1985, tôi trở về Triệu Hải tiếp tục việc dạy học. Năm 1986, tôi được mời sang làm Công đoàn huyện. Đến năm 2007, tôi về hưu, vào làm việc ở Hội Khuyến học cho đến bây giờ.

Thích nghi với vùng đất lạ

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Khoảng thời gian gắn bó với giáo dục tại Quảng Trị khi ấy, hẳn đã rất khó khăn với bà?

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân: Ôi nhớ nhà lắm cậu ạ! Những năm đầu của tuổi trẻ phải xa nhà, xa quê hương, biết rằng mình đi làm nhiệm vụ là vinh dự và mình tự nguyện nhưng vẫn lo lắng lắm. Khi tập trung tại ga xe lửa Thường Tín (Hà Nội) để lên đường vào Nam thì tất cả đoàn chúng tôi đều khóc rưng rức.

“Những kỹ năng sư phạm giúp tôi làm khuyến học tốt hơn” - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Hồng Vân đại diện trao tặng xe đạp cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, hiếu học. Ảnh: NVCC

Ngay cả khi trước khi đi, bố tôi cũng thương lắm, bảo với mẹ: Nhà đã có hai con trai đi bộ đội rồi, thì ông lên phường xin cho con Vân ở nhà. Nhưng mẹ tôi nói với bố: Thôi ông ạ, con nó còn trẻ, nó tình nguyện đi thì ông cứ vui để nó đi, nó đi mấy năm thôi thì nó về…

Quảng Trị lúc này hoang tàn đổ nát, toàn gạch vụn, gần như không có cây cối, không nhà cửa. Chủ yếu toàn cây lau lách mọc lên, chẳng trồng cây gì được. Trường lớp sơ sài, học viên phải đi lấy củi ở cách trường 30 cây số, trèo đồi lội suối để mang về cho các chị cấp dưỡng nấu ăn.

Chúng tôi gặp nhiều bỡ ngỡ do ngôn ngữ bất đồng, không hiểu nhiều tiếng địa phương. Thời tiết thì khắc nghiệt, văn hóa khác hẳn ngoài Bắc.

Vùng mới giải phóng thì bom mìn rất nhiều, ai cũng sợ dẫm phải mìn M79 và lựu đạn cay. Gió Lào khô khốc nhưng thổi rất mạnh. Những ngôi nhà chủ yếu lợp mái tôn, xung quanh che chắn bằng những tấm ri sắt nóng vô cùng.

Lúc mới vào, đoàn chúng tôi bị sổ mũi nhức đầu hết. Thế nên mới có câu: Quảng Trị là nơi "tàn phá" sắc đẹp mà.

Ở đây họ ăn rất cay, tôi phải 6 tháng trời mới quen được. Nhưng được các chị cấp dưỡng quý, thấy mình ít tuổi, lại là người miền Bắc vào đây dạy học nên cũng ưu tiên. Ruốc bông, bột trứng,… các chị cũng dành riêng cho mình.

Ngoài ra, khoảng thời gian đó, nhà ở không có, giáo viên chúng tôi phải ở tạm những ngôi nhà của người dân bỏ đi. Các học viên phải lên rừng, cách chừng cách xa chỗ học để chặt tranh, tre, nứa lá về để dựng lán làm lớp học.

Văn hóa văn nghệ ở đây cũng rất ít. Tôi nhớ hồi ấy có đội văn công của quân khu, lâu lắm họ mới về diễn một lần.

“Những kỹ năng sư phạm giúp tôi làm khuyến học tốt hơn” - Ảnh 4.

Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị trao 280 triệu đồng học bổng “tiếp sức đến trường” cho 40 tân sinh viên trong tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC

Tạp chí Công dân và Khuyến học:  đã trải qua những khó khăn đó như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân: Được các đồng chí lãnh đạo ở địa phương, những thầy cô là các anh chị đi trước động viên an ủi; buổi chiều cùng tham gia các hoạt động đoàn trường, đánh bóng chuyền, tập văn hóa, văn nghệ nên nỗi nhớ nhà của tôi cũng nguôi ngoai đi.

Mình ở nhà dân thì họ cũng quý, cũng thương lắm. Các anh chị là người gốc Quảng Trị cũng động viên nhiều.

Tôi xác định tư tưởng, mình sẽ tự điều chỉnh để hoàn thiện, thích nghi với hoàn cảnh mới. Khó khăn ấy là tình cảnh chung mà.

Từ "dạy học" đến "khuyến học" - những ký ức không quên

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Những kỷ niệm nào để lại trong bà ấn tượng đến tận bây giờ?

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân: Khi tôi dạy ở Trường Bổ túc Văn hóa của vùng mới giải phóng tại huyện Triệu Phong, nhiều khách nước ngoài đến thăm lắm. Có lần một khách đến lớp học, tôi đang dạy bài về đất. Họ ngạc nhiên và hỏi: đã dạy về đất thì có bài về nước không. Tôi nói: Có chứ, trong chương trình học có bài đất, bài nước, và chúng tôi có cả bài đất nước. Sau đó tôi đọc bài thơ "Việt Nam quê hương ta" của Nguyễn Đình Thi lên:

"Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay là rập rờn

Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều…"

Họ rất bất ngờ và cảm động vì những người lớn tuổi đã từng cầm súng chiến đấu mà giờ vẫn ngồi vào bàn học trong lớp học như thế nên họ rất trân trọng.

Một kỷ niệm khác là khi dạy đối tượng người lớn, phần nông nghiệp. Học viên của tôi đa số là người lớn, họ đã có kinh nghiệm thực tế về sản xuất rồi. Nên khi mình nói về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng lúa, ngô, khoai, có một anh nói: Chúng em nông dân, thường dựa vào các câu ca dao tục ngữ để sản xuất.

Từ cái ý như vậy, tôi làm được đề tài là "Phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người lớn" và được Bộ Giáo dục ghi nhận. Trong các tiết học, học viên chia sẻ kinh nghiệm nhiều nên bài học của tôi cũng sinh động hơn.

18 năm làm giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân đạt nhiều giấy khen giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Năm 1975, bà được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao tặng Huy chương Quyết thắng;

Năm 1977, được Hội đồng Bộ trưởng tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Cùng năm đó, bà Vân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình–Trị-Thiên công nhận là Chiến sĩ thi đua và nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, của tỉnh Quảng Trị.

Đến nay, nhiều học viên của cô giáo Vân ngày xưa cũng trở thành những người thầy giáo, làm ở phòng, sở giáo dục hoặc tham gia vào bộ máy nhà nước.

Một số thành tích của cô Nguyễn Thị Hồng Vân đạt được trong quá trình làm giáo dục, dạy học. Ảnh: NVCC

Tạp chí Công dân và Khuyến học: 18 năm làm trong công tác giáo dục có ý nghĩa như nào đối với hoạt động khuyến học hiện nay của bà?

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân: Những kỹ năng sư phạm đã giúp tôi làm khuyến học tốt hơn. Khi mình đi về người dân, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến học cho người đồng bào nghe thì họ sẽ hứng thú hơn vì ở đây người ta rất tôn trọng người thầy.

Thứ hai, nhờ làm trong nghề dạy học nên mình có phương pháp sư phạm. Chỗ nào cần thuyết trình, trả lời vấn đáp, gợi ý cho các anh chị ở trung tâm học tập cộng đồng, khơi gợi sự sáng tạo của người học thì mình đều làm tốt được.

Cũng nhờ kỹ năng sư phạm nên khi mình phổ biến các Nghị quyết, Chỉ thị, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Trung ương Hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập xuống các cấp cơ sở, tại những hội nghị thì cũng giúp mọi người dễ tiếp thu hơn.

Thứ ba, ở trường sư phạm, tôi có học về tâm lý rồi nên cách ứng xử, giải quyết vấn đề của mình cũng mềm mại, không bị cứng nhắc.

Xin cảm ơn bà!

Bình luận của bạn

Bình luận