Những lá thư thời chiến Việt Nam - cứ liệu lịch sử quý báu của dân tộc

Lam Linh
13:00 - 07/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những thông tin quý, xúc động, thú vị về nguồn gốc cùng nội dung những lá thư thời chiến Việt Nam của những người lính Cụ Hồ đã được nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ trong buổi giao lưu "Những trang viết từ chiến trường".

Những lá thư thời chiến Việt Nam - cứ liệu lịch sử quý báu của dân tộc - Ảnh 1.

Giao lưu "Những trang viết từ chiến trường" nhân kỉ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thu hút nhiều độc giả, giới học thuật, chuyên gia nghiên cứu lịch sử và học sinh, sinh viên. Ảnh: Lam Linh

Ý tưởng cuộc vận động sưu tầm những lá thư thời chiến Việt Nam ra đời một cách tình cờ

Chia sẻ về cơ duyên tìm đến những lá thư thời chiến Việt Nam, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết ý tưởng cuộc vận động sưu tầm ra đời rất tình cờ, nhờ một nhà văn người Mỹ sang Việt Nam giữa năm 2004.

Gặp gỡ nhà văn Mỹ Andrew Carroll, nhà văn Đặng Vương Hưng đã biết Andrew Carroll đã từng trải qua một vụ cháy bất ngờ thiêu trụi ngôi nhà gia đình anh đang sinh sống, cùng tất cả thư từ của bạn bè.

Sau vụ hỏa hoạn đó, Andrew Carroll "ngộ" ra một điều: Những bức thư quan trọng với cuộc sống con người ta như thế nào! Đó không chỉ là những tờ giấy mỏng manh, với những dòng chữ viết để người ta trao đổi thông tin, bày tỏ tình cảm, mà còn là cảm xúc, là một phần cuộc đời mỗi con người, là lịch sử một dân tộc và thậm chí cả thế giới.

Andrew Carroll chợt nảy ra ý tưởng: Thông qua truyền thông đại chúng, kêu gọi người dân Mỹ hãy gửi cho anh những bức thư cũ trong các cuộc chiến tranh. Thật bất ngờ, Andrew Carroll nhận được hàng vạn bức thư từ khắp nước Mỹ.

Để sưu tầm thư, Andrew Carroll đã một mình lang thang tới hầu khắp các thành phố của nước Mỹ để thu thập. Để rồi đến năm 2001, nhà văn Andrew Carroll đã xuất bản cuốn War Letters, from American Wars (Những lá thư thời chiến từ những cuộc chiến tranh của Mỹ).

Từ tháng 9/2003, Andrew Carroll thực hiện chuyến đi "vòng quanh thế giới" để sưu tầm những lá thư thời chiến của các cuộc chiến khác. Và Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn của anh ta.

Khi đặt chân đến Việt Nam, Andrew Carroll đã gặp nhà văn Đặng Vương Hưng. Qua cuốn sách Những lá thư thời chiến từ những cuộc chiến tranh của Mỹ, nhà văn Đặng Vương Hưng phát hiện thấy có những bức thư của người lính Mỹ kể về chiến tranh Việt Nam đầy ám ảnh.

Sau khi trò chuyện với Andrew Carroll, nhà văn Đặng Vương Hưng nảy ra suy nghĩ tại sao không thực hiện một cuốn sách về những lá thư thời chiến của người Việt Nam.

Năm 2004, nhà văn Đặng Vương Hưng đã bắt đầu công việc vận động sưu tầm những tư liệu đặc biệt này.

Những lá thư thời chiến Việt Nam - cứ liệu lịch sử quý báu của dân tộc - Ảnh 2.

Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ về nguồn gốc cùng nội dung những lá thư thời chiến Việt Nam của những người lính Cụ Hồ tại buổi giao lưu “Những trang viết từ chiến trường" với độc giả . Ảnh: Lam Linh

Cuộc sưu tầm những lá thư thời chiến Việt Nam từ cuối năm 2004 và kết quả trên cả mong đợi

Tại buổi giao lưu "Những trang viết từ chiến trường", nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ việc thu thập và lựa chọn những lá thư thời chiến là một hành trình mất nhiều thời gian và công sức.

Hành trình sưu tầm những lá thư thời chiến không phải một hành trình đơn lẻ mà có sự đóng góp công sức của rất nhiều người. Trong cuộc vận động sưu tầm vào cuối năm 2004, nhà văn Đặng Vương Hưng đã kêu gọi các cựu chiến binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ hãy gửi cho ông những lá thư thời chiến, nhật ký được viết trong các cuộc chiến tranh năm xưa.

Thật bất ngờ, thời gian đó, nhà văn nhận được hàng vạn những lá thư thời chiến và hàng trăm cuốn sổ tay nhật ký được viết trong thời kỳ chiến tranh từ khắp nơi gửi về.

Tuy nhiên, số lượng lá thư sử dụng được lại không nhiều. Bởi dù đã ghi rõ ràng các bưu kiện phải đề rõ thông tin người viết – người nhận của các bức thư, thế nhưng hầu như chúng đều không địa chỉ, không xuất xứ.

Có những trang thư gửi về đã quá cũ kỹ, những dòng chữ và trang giấy mỏng manh đã ngả màu thời gian nên việc thuyết minh những lá thư hầu như không thể. Hơn nữa, các tác giả của những lá thư thời chiến đó hầu như không còn nữa! Họ có thể là người lính bình thường đã hy sinh trong một trận đánh nào đó; họ cũng có thể là những cô gái trẻ ở hậu phương bị trúng bom đạn Mỹ... Thậm chí, có những bức thư mà cả người viết và người nhận đều không còn sống.

Một số câu chuyện trong những lá thư hay, xúc động được nhà văn Đặng Vương Hưng đọc và phát hiện sẽ là những tư liệu quý giá. Bằng rất nhiều tâm huyết và công sức, nhà văn đã tìm đến các nhân vật trong những lá thư thời chiến ấy để tìm hiểu thêm câu chuyện đó một cách sâu sắc hơn.

Nhờ cuộc sưu tầm trên mà tuyển tập "Những lá thư thời chiến Việt Nam" dày hàng trăm trang đã ra mắt bạn đọc.

Những người lính viết những lá thư thời chiến đã "chép" lại lịch sử

Những lá thư thời chiến Việt Nam với cảm xúc riêng tư, sâu thẳm, chân thật nhất về cuộc sống một thời bom đạn đã được công bố. Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, ghép những bức thư ấy thành tuyển tập đã trở thành những trang sử về tâm thế của cả xã hội về thời cuộc. Và như vậy, những người viết thư đã "vô tình" chép lại lịch sử mà không biết.

Không có một người nào khi đặt bút viết những lá thư thời chiến ấy: chuyện tình yêu, chuyện cái sống – cái chết giữa hòn tên mũi đạn... lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành tác giả.
Nhà văn Đặng Vương Hưng

Những lá thư thời chiến ấy luôn thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu. Có khi đó là chuyện kể về một trận chống địch càn quét, đối đầu với xe tăng địch; về những năm tháng nằm hầm bí mật; về sự hy sinh của đồng đội; giây phút được kết nạp Đảng giữa đạn bom...

Cũng có những lá thư chan chứa tình cảm riêng dành cho người yêu, cho vợ, chồng hay cha mẹ..., mà ở đó luôn có tình yêu quê hương, đất nước, luôn có ý thức trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao.

"Thư và nhật ký là thể loại rất riêng. Thư tôi sưu tầm là thư cá nhân, người ta viết không phải để in thành sách, không nhằm mục đích tuyên truyền báo chí nên rất thật. Người ta viết cho hai người đọc, rộng hơn chút là cho gia đình. Thông qua hành động, suy nghĩ của cá nhân được thể hiện trong các lá thư đã phản ánh cả thời đại", nhà văn Đặng Vương Hưng xúc động bày tỏ.

Những lá thư thời chiến Việt Nam trở thành cứ liệu lịch sử quý báu của dân tộc

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, chính những lá thư thời chiến, cuốn nhật ký thời chiến tưởng chừng rất đỗi riêng tư... lại trở thành kỷ vật vô giá, cứ liệu lịch sử quý báu cho các thế hệ mai sau. Chúng gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ. Đồng thời, những lá thư thời chiến đã góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn.

Những lá thư thời chiến – phương tiện liên lạc duy nhất giữa tiền tuyến và hậu phương. Những bức thư ấy, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị về ý chí, nghị lực phi thường và lý tưởng sống cao cả của thanh niên Việt Nam thời chiến. Những bài học về lý tưởng sống, về chuẩn mực của những giá trị thời đại cứ hiện ra một cách bình dị và tự nhiên qua những lá thư.

Ngoài những trang viết phơi phới lạc quan chiến thắng, qua những lá thư, ta còn bắt gặp cả những "nỗi buồn chiến tranh". Ta biết được đã có lúc người lính hoang mang, vì anh có thể đón nhận những điều phũ phàng nhất do chiến tranh mang lại. Bắt gặp những trang viết "thấm đẫm nước mắt", độc giả sẽ hiểu được nội tâm của những người lính sau khi chôn cất những người đồng đội của mình đã "đổ máu"... Điều quan trọng là sau tất cả những khó khăn, khốc liệt nhất của chiến tranh, họ vẫn tiếp tục chiến đấu cho tới ngày toàn thắng.

Do đó, với nhà văn Đặng Vương Hưng, tính trung thực, khách quan tuyệt đối của những lá thư thời chiến Việt Nam không gì so sánh được. Ông xúc động nói: "Những lá thư thời chiến là kỷ vật lịch sử của một thời. Chúng giúp thế hệ đi sau thấu hiểu cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người".

Từng có thời gian 10 năm "cầm súng" nơi tiền tuyến và đọc, sưu tầm rất nhiều thư cũng như nhật ký trong thời chiến, nhà văn Đặng Vương Hưng hy vọng thế hệ trẻ hôm nay không được quên sự hy sinh của cha ông đã "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Là thế hệ được sống trong hòa bình, mỗi người cần biết ơn và tri ân đối với các thế hệ cha anh đã đánh đổi máu xương, đã ngã xuống vì non sông, vì nền độc lập của dân tộc.

Có lịch sử, có quá khứ mới có hôm nay, có ngày mai. Do đó, một lần nữa, nhà văn cũng mong muốn thế hệ trẻ hãy tìm hiểu lịch sử để hiểu hơn về một thời hoa lửa, để bồi đắp, dung dưỡng lý tưởng sống cao đẹp và nhân văn.