Đã có một thế hệ thanh niên hào hoa mang tình yêu ra trận

Nguyễn Năng Lực
05:30 - 15/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những người lính già trở về từ mặt trận, nay tuổi đều đã ngoài 70. Nhưng mỗi lần nhắc đến mối tình đầu, tâm hồn và kí ức của họ vẫn tươi nguyên những kỷ niệm trong trẻo của một thời hồn nhiên hào hoa mang tình yêu ra trận.

Những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, có những chàng sinh viên trẻ ôm ấp lý tưởng sống thuần khiết, trong trẻo. Nhiều người trong số họ chưa một lần được biết đến hơi ấm bàn tay bạn gái, chưa biết cảm giác hồi hộp của buổi hẹn hò, chưa biết nụ hôn ngọt ngào ra sao… 

Tổ quốc gọi, họ lên đường ra trận.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người còn sống trong số họ trở về nay tuổi đã ngoài 70. Mái đầu đã bạc trắng nhưng trong ký ức, trong tâm hồn họ vẫn tươi nguyên những kỷ niệm trong trẻo của một thời hồn nhiên hào hoa ra trận.

Tôi có may mắn được nhiều người một thời trong trắng ấy gửi cho xem những vần thơ, những dòng nhật ký mà thời gian càng trôi qua lại càng lấp lánh một tình cảm cao đẹp. Đó là tình bạn, tình yêu e ấp của thủa ban đầu, và bao trùm lên tất cả, đó là tình người trong chiến tranh.

Đã có một thế hệ thanh niên hào hoa mang tình yêu ra trận- Ảnh 2.

Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ hào hoa qua nét vẽ của họa sĩ Lê Sa Long.

Tháng 5/1972, Nguyễn Thế Hưng, sinh viên Khoa Tiếng Nga, Khoá 1968-1972 Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội lên đường nhập ngũ. Trong chiếc ba lô con cóc của anh có quyển sổ lưu bút các bạn tặng. Có những câu thơ như lời thủ thỉ tâm sự của cô bạn Trần Lan Phương, sinh viên năm cuối Khoa Tiếng Anh:                  

"Hưng nhỉ xa nhau biết nói gì,                  

Bịn rịn lòng kẻ ở, người đi.                        

Chúc Hưng lên đường hăng diệt Mỹ    

Đừng quên Hưng nhé, những mùa thi!"

Năm 1977, Nguyễn Thế Hưng ra quân, sau này trở thành Tiến sĩ, Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đỗ Văn Cường, sinh viên Đại học Bách Khoa, xếp bút nghiên ra trận với ngổn ngang trăm mối tơ vò nhưng vẫn tin ở ngày chiến thắng:

"Ra đi giữa buổi nắng hè,

Giáo trình còn dở, mọi bề chưa xong

Mẹ già, bạn gái chờ mong

Miền Nam giải phóng, việc xong, lại về".

Cường nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, Phó phòng Cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân.

Từ chiến trường, người lính Đào Quang Điền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gửi bài thơ đậm chất sinh viên Khoa Toán về cho người yêu với nỗi nhớ và ước mong sẽ có một ngày về lại giảng đường:

"Bài thơ này anh viết tặng em

Người bạn đời mà anh hằng mong nhớ

Bài tích phân vừa làm ra kết quả

Đổi biến rồi, truy hối tiếp mới xong.

Hà Nội bây giờ tiết trời đã sang đông

Em nhớ quàng khăn khi dạo phố

Thành phố lên đèn không gian rực rỡ

Phương trình bậc cao đường lối chung hạ bậc.

Ta trở về kỹ năng thành thạo nhất

Bậc nhất, bậc hai em nổi tiếng một thời

Đôi mắt em xanh, ánh xạ cuộc đời .

Mỗi lần trao vô hạn lần hạnh phúc

Nghiệm ngoại lai làm sao mà có được

Em biết anh rồi, anh biến đổi tương đương.

Lần dạo chơi nơi thành phố mờ sương

Đà Lạt thông reo bên đèo Ngoạn Mục

Anh với em chơi rút bài xác suất

Em hỏi anh không gian mẫu là gì?

Và rồi thời gian cứ mải miết đi

Anh là đường xiên nhận em hình chiếu

Ngọt bùi sẻ chia, đắng cay cùng chịu

Gắn kết hai đầu đường vuông góc cùng chung.

Anh tìm em bằng đa thức đặc trưng

Đạo hàm bậc hai biết rằng em ở đó

Có lần giận anh, em bảo là không có

Giấc ngủ không thành gián đoạn suốt đêm thâu.

Ở hai đầu trung tuyến xa nhau

Hướng về trọng tâm tin ngày gặp mặt

Giá trị tuyệt đối bao giờ âm được

và khi nào anh khỏi nhớ thương em…"

Sau này, Đào Quang Điền "lên đến" Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Hưng Yên.

Trước một "cơ hội" có thể được yêu, những người lính sinh viên có cách ứng xử vô cùng trong sáng. Họ như tín đồ của một tôn giáo thuần khiết trước đền thờ tình yêu, luôn được dẫn dắt, chi phối bởi một thứ ánh sáng thiêng liêng không gợn chút nhục dục.         

Anh lính trẻ Phan Anh, sinh viên Khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhập ngũ tháng 5/1972 kể về một kỷ niệm trên đường ra trận:

"Đêm ấy sau một ngày hành quân, xe đỗ nghỉ ở Con Cuông. Tôi cùng mấy đồng đội được phân vào ngủ ở một gia đình ngay sát đường. Căn nhà lá vách phên nứa. Ông bà chủ nhà có một cô con gái năm ấy học lớp 10 (lớp 12 bây giờ), đang ôn bài chuẩn bị thi. Các "chú" bộ đội xúm vào trêu cháu...

Khi mọi người đã đi ngủ, tôi mới dám lại gần, bảo em: Anh sẽ hướng dẫn em làm bảng tổng kết các chương môn Vật lý. Xong rồi, tôi say sưa nói, kẻ, vẽ mà chả biết bé có nghe không. Xong việc đi ngủ.

Tình cờ, giường tôi nằm ngay sát vách phên nứa. Đang trằn trọc không biết ngày mai vào cuộc chiến thế nào, chợt phên nứa có tiếng cào nhè nhẹ, tiếng em thì thào: Anh ngủ chưa? Cũng thì thào: Chưa. Dậy em bảo. Tôi rón rén bò dậy đi xuống bếp. Em cầm tay tôi: Đi với em. Hai đứa dắt nhau ra bờ sông Lam. Trăng sao sáng thế, nước sông Lam mùa khô chảy lững lờ... Hai mái tóc ngắn dài sóng bên nhau dưới ánh trăng ngà. Tóc em thoảng mùi hương hoa bưởi... Em nắm tay tôi thì thào: Em chờ... Rồi em rút chiếc nhẫn bạc trên tay đeo vào tay tôi...

Hai bàn tay đan chặt vào nhau, tôi thì thầm: Mai anh vào chiến trường, em hát cho anh nghe đi. Giọng nàng êm dịu, bài ca "Rừng xanh vang tiếng Ta lư" như hoà trong gió ngàn vùng thượng nguồn sông Lam...

Sương đêm lành lạnh, nàng ngả đầu vào vai tôi, hơi thở nhẹ như gió thoảng: Anh đi nhớ giữ gìn, em chờ... Chiến tranh khốc liệt lắm em ạ. Em cố gắng thi vào đại học, đừng chờ anh. Cuộc chiến không biết sống chết thế nào... 

Trăng ngàn ngả dần, hai đứa dắt nhau về. Sáng hôm sau, lúc xe sắp chuyển bánh, nàng chạy ra, hai mắt còn mọng nước, dúi vội vào tay tôi tờ giấy. Đó là bài hát "Rừng xanh vang tiếng Ta lư"... Những nét chữ tròn xinh ấy theo tôi vào chiến trường.

Mấy chục năm sau, một lần từ Lào về, xe dừng ở Con Cuông. Tôi lang thang hỏi thăm về em, song không ai biết gia đình em chuyển đi đâu. Chiếc nhẫn bạc có hình trái tim em tặng, tôi cất trong ba lô, bị bom đánh bay trong trận T28 đánh trận địa ngay chân cao điểm 1228..."

Thầy giáo Phan Anh dạy Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ nay đã về hưu. Anh đặt tên con gái là Hoài Hương để nhớ vê quê hương, nhớ về hương bưởi trên mái tóc cô gái đầu nguồn sông Lam...

Đã có một thế hệ "hào hoa ra trận" với tình yêu như thế!