Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền

Minh Xuân
06:15 - 17/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cùng với quá trình phát triển kỹ thuật luyện kim đồ đồng, xã hội người Việt đã có những bước tiến dài từ chế độ cha truyền con nối sang chế độ phân chia đất đai cho các chư hầu, chia nhau cai quản đầu non góc biển.

Cây Chu đá lá chu đồng trong sử thi Mường lúc này là một biểu tượng nhiều mặt, tượng trưng cho quyền lực hiệu triệu trăm chư hầu, cho sự thăng hoa của văn hóa văn minh, là Bảng phong thần trong cuộc chiến phân định thiên hạ thời Ân – Chu và thậm chí có thể là chiếc móng rùa của thần Kim Quy đã tặng cho Thục Vương làm bảo bối trấn quốc.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 1.

Sơ đồ so sánh sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước và Huyền sử Việt.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 2.

“Long khuyển” đồng thời Thương.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 3.

Đồ đồng, văn hóa Tam Tinh Đôi. Rất có thể đây là hình tượng "Đười Ươi" được kể trong sử thi Mường.

Người thợ săn Tặm Tạch, còn có tên trong bản sử thi ở Hòa Bình là Đá Đèn Đá Đẹc, đã đánh bạn với Đười Ươi, nhờ đó được chỉ đường tìm đến cây chu đồng ở đồi Lai Ly Lai Láng. Cái cây thần kỳ này là cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc, xung quanh có cọp, sên, lợn lòi, hươu, mang, phượng hoàng đứng chầu, vàng anh bắt sâu trên cành. Tặm Tạch lấy được 2 quả chu mang về, trở nên giàu có hơn cả nhà Cun Khương.

Cun Khương bày tiệc rượu, lừa Tặm Tạch nói ra việc tìm thấy cây chu, rồi bắt dẫn đường tìm chu. Cây chu bị đốn đổ thì Tặm Tạch cũng phải chết, bị róc xương lột da để kéo chu về. Đường “cổn chu kéo lội” qua rất nhiều đất mường. Có lúc cây chu rơi xuống nơi nước sâu, Cun Khương phải nhờ Rái cá xỏ dây mới kéo được chu lên. Cây chu mang về được đến mường, nộp cho Lang Cun.

Thế rồi dân mường làm nhà cho Chu (lúc này là Lang Cun Khương). Nhà Chu dựng nên rộng rộng, trước vườn dựng nhà Khú nhà Rồng, đàng trong dựng nhà Long nhà Phụng. Nhà Chu làm xong Lang Cun Cần lại bắt Rùa vàng về để cho sáng tỏ sáng tường, sáng cả binh mường, sáng trời sáng đất.

Con của Tặm Tạch, trong bản sử thi ở Hòa Bình gọi là Đạo Cun Tre Nghè Tróng, tìm đến nhà mới của Chu thì bị đuổi. Đạo Cun Tre Nghè Tróng tức giận, đốt lửa cháy nhà Chu và bỏ trốn, tụ tập dân mường đánh lại Dịt Dàng, trả thù cho cha. Dịt Dàng cất binh đánh Đạo Cun Tre Nghè Tróng. Đạo Cun Tre Nghè Tróng trốn vào cây, hóa thành cây dây cản đường Cun Khương. Cun Khương chém cây dây, máu chảy ra biến thành con Moong lớn tên là Tin Vin Tượng Vượng.

Con Moong Tin Vin Tượng Vượng vằn vện như con hổ Lào, to lớn hung dữ, ăn thịt trâu bò, ăn thịt người, bắt cả bà Lang Khương. Lang Cun Khương tập hợp người mang lưới mang dây đi săn moong, giết được con Moong Tượng Vượng, đem về nhà Lang làm thịt.

Người Lào đến trước lấy được da moong đằng hông nên biết dệt đẹp như hoa. Mường trong đến lột da đằng lưng, nên biết thêu thùa hình lưng ngựa. Người Tày đến muộn phải lấy da đằng đuôi, chỉ biết thêu hình con sâu con ong. Người Mường giữ được da trước ngực biết dệt đầu váy con hươu. Người Kinh ở xa đến chỉ còn thịt pha, lòng, mỡ, nên biết nấu thịt ngon. 

Máu thịt con Moong rơi ra làm chó hóa điên, rồi cá dưới nước hóa thành cá dại, quạ trên trời thành quạ dữ, cắn phá dân mường và nhà cun. Cun Khương lần lượt diệt chó dại, cá điên, quạ điên.

Cuối cùng là chuyện Dịt Dàng tìm ra khâu lạc mình đồng, tức là trống đồng. Mọi người đón Dịt Dàng hay Lang Cun Cần về đất Đồng chì Tam quan Kẻ chợ...

Triều đại Hùng Duệ Vương 

Cây chu đồng thần kỳ là hình tượng nổi bật trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước. Nhưng thật không thể ngờ rằng, có một cây thiêng như thế đã được ngành khảo cổ học phát hiện. Cây sự sống bằng đồng tìm thấy trong nền văn hóa Tam Tinh Đôi tại vùng đất Thục Tứ Xuyên với chiều cao gần 4 mét, là văn vật bằng đồng lớn nhất được khai quật trên thế giới. Cây đồng này có niên đại ước chừng cách nay trên 3.000 năm. Cây chia làm ba tầng, mỗi lớp ba cành, trên cành có một con chim đứng, tổng cộng có chín con, còn có một con rồng bay xuống dọc theo thân cây chính, nhìn tựa như sắp cất cánh.

Cũng chính trong nền văn hóa đồng thau sớm ở Tứ Xuyên, thường gặp những mặt nạ đồng hay tượng người với đôi mắt và đôi tai được phóng to một cách khác thường. Rất có thể đó là hình tượng “Đười Ươi” được kể đến trong sử thi Mường.

Người thợ săn Tặm Tạch còn gọi là Đá Đèn Đá Đẹc. Từ "Đá" như đã biết chỉ vị tổ thời cổ. Tặm Tạch lấy được bông thau quả thiếc, tức là bắt đầu học được công nghệ đúc đồng. Nối tiếp thời kỳ đồng thau phát triển rực rỡ ở vùng gần Tứ Xuyên trên 3000 năm trước là nhà Thương. Tặm Tạch tương ứng với Thành Thang, vị vua tổ của nhà Thương. Sử thi Mường kể rõ, Tặm Tạch trở nên giàu có còn hơn cả Cun Khương, tức là Thành Thang đã trở thành một thủ lĩnh hùng mạnh, đứng đầu thiên hạ.

Người con kế nối Tặm Tạch có tên là Đạo Cun Tre Nghè Tróng. Cách gọi Đạo Cun cho thấy đây cũng là một vị thủ lĩnh (vua). Cun Tre Nghè Tróng thậm chí còn tập hợp quân đội đánh lại Cun Khương. Có thể xác định đây là giai đoạn thứ hai của nhà Thương, được biết là nhà Ân. Dưới thời nhà Ân có sự kiện Ân Cao Tông chinh phạt nước Quỷ phương như được chép trong Kinh Dịch. Nước Quỷ phương nghĩa là nước nằm ở phía Tây của nhà Ân Thương, không gì khác chính là vùng đất Thục Tứ Xuyên, nơi xuất xứ của cây chu đồng và mặt nạ đười ươi.

Máu thịt của Đạo Cun Tre Nghè Tróng hóa thành cây dây cản đường, rồi thành con Moong khổng lồ Tượng Vượng hung dữ. Tiếp tục so sánh có thể thấy con Moong lồ là chỉ thời kỳ cuối của nhà Ân, khi đó Ân Trụ Vương là một vị vua dũng mạnh nhưng lại vô cùng tàn bạo. Trụ Vương làm hại nhiều sinh linh và đã nhiều lần tấn công vùng đất Thục Tây Kỳ, nơi phát tích của nhà Chu. 

Nên chú ý rằng nhà Thương Ân có thành phần dân tộc chính là nhóm người Miêu Dao. Trong đó tới nay người Dao vẫn còn có tín ngưỡng thờ Bàn Hồ là tổ. Bàn Hổ theo truyện kể trong sách người Dao để lại vốn là một con Long khuyển ngũ sắc, do lập công lớn, giết được vua kẻ thù nên được phong đất và trở thành tổ của 12 họ người Dao. Con Moong Tin Vin Tượng Vượng như vậy là hình ảnh của Long khuyển, biểu tượng của dòng dõi người Dao nhà Ân Thương.

Sử thi Mường kể rằng người Lào, Tày, Mường học được cách thêu dệt từ da của con Moong. Người Kinh học được cách nấu ăn từ thịt con Moong. Điều này rất đúng với sự thật là hoa văn của người Dao và lối sống của triều đại nhà Ân Thương đã có ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa các tộc người Lào, Tày, Mường, Kinh... sau này.

Trong huyền sử Hùng Vương của người Việt, nhà Ân là triều đại cuối cùng của dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển, được gọi là Hùng Duệ Vương. Truyện Giếng Việt kể sau cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương, Ân Vương chết dưới chân núi Vũ Ninh, trở thành vua Địa phủ. Rồi hậu duệ của vua Hùng đã biến thành đủ thứ yêu quỷ như Bạch Kê tinh, Hồ Ly tinh, Quỷ núi cản trở Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Trong sử thi Mường đó là chuyện máu của con Moong lồ biến thành chó điên, cá dại, quạ dữ, quấy phá thời Lang Cun Khương.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 7.

Người Dao ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 8.

Thầy cúng người Dao.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 9.

Người Dao ở Bắc Kạn.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 10.

Người Dao ở Bắc Kạn.

Đón vua Thục An Dương Vương

Ở phần cuối của sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, mỗi bản khác nhau gọi vị vua lúc này một cách khác nhau. Chỗ kể là Dịt Dàng, chỗ là Lang Cun Cần, chỗ thì dường như là Lang Cun Khương. Thực ra cả 3 cách gọi đều đúng và chỉ cùng 1 người. Dịt Dàng – Việt Vương lúc này không phải là vị Dịt Dàng của thời kỳ Hùng Vương Thánh Tổ ban đầu, mà là Hùng Quốc Vương, người con theo mẹ Âu Cơ lên núi lập nước Văn Lang. Hùng Quốc Vương là vị vua đầu của thời kỳ phong kiến phân quyền, nên sử thi Mường gọi là Lang Cun Cần, với nghĩa là vị Lang Cun đứng đầu thiên hạ. 

Cun Khương là thủ lĩnh của dòng lên núi trong sử thi Mường. Khương là tính chất Khang, Tĩnh của hướng Tây. Cun Khương nghĩa là thủ lĩnh của hướng Tây. Hướng Tây còn gọi là Thục (thụt) nên Cun Khương cũng là Thục Chúa trong truyền thuyết Việt. Cun Khương là con của nàng Ả Sao Ả Sáng, dòng dõi Vua trời. Trong truyền thuyết họ Hồng Bàng thì đây là dòng dõi của Đế Nghi - Đế Lai, tức là Âu Cơ, người đã lên núi về đất Phong Châu.

Cun Khương – thủ lĩnh Tây Kỳ, sau khi chiến thắng nhà Ân Thương và dòng Lạc Long (Tóng In) đã trở thành Thiên tử của cả thiên hạ, nên đã đổi danh xưng là Việt Vương (Dịt Dàng – An Dương Vương) hay Lang Cun Cần (Hùng Quốc Vương). Nhờ sự nhìn nhận đúng về lịch sử thời Hùng Vương đã có thể lý giải được vấn đề tại sao 2 danh xưng từ thời mở Mường là Dịt Dàng và Lang Cun Cần, lại vẫn còn đến tận cuối cùng trong sử thi khi rước vua về Kẻ chợ.

Cun Khương là người đã tìm và chặt được cây chu đồng ở vùng Tứ Xuyên, kéo về Kinh kỳ Kẻ chợ qua rất nhiều vùng đất. Đây là sự kiện Tây Bá Hầu Cơ Xương từ vùng đất Tây Kỳ (Quý Châu, giáp với Tứ Xuyên), khởi binh đánh chiếm các nước Mật Tu (Vân Nam), nước Sùng (tức miền Bắc Việt) vào cuối thời nhà Ân Thương. Sử Việt kể là Thục Chúa phát hàng chục vạn binh chia các ngả tiến đánh Hùng Duệ Vương. Cuối cùng Hùng Duệ Vương nghe lời Sơn Thánh, nhường lại ngôi cho Thục Chúa. 

Thục Chúa về đất Phong Châu, xưng vương, lập cột đá thề trung thành với Thánh Tổ họ Hùng (tức Hữu Hùng Đế Minh). Truyện họ Hồng Bàng kể là Âu Cơ lên núi về Phong Châu lập nước Văn Lang. Còn sử thi Mường gọi đích xác triều đại của Cun Khương là “Chu” như trong đoạn “Làm nhà cho Chu”.

Người đánh bại Ân Trụ Vương, hay con Moong Tin Vin Tượng Vượng, là Cơ Phát, con của Tây Bá Cơ Xương. Truyền thuyết Việt gọi Cơ Phát là Thục Phán, là một vị Cun Khương – thủ lĩnh Tây Kỳ. Cây chu đồng lúc này như một biểu tượng của Thiên mệnh, có khả năng hiệu triệu và thần phục thiên hạ trăm chư hầu. Cun Khương - Cơ Phát – Thục Phán hoàn thành đại nghiệp diệt Ân, lên ngôi Thiên tử, phân phong cho các anh em, công thần thành các nước chư hầu Bách Việt. Sử thi Mường kể điều này trong chuyện Đẻ trống đồng (vật phẩm dùng để tế lễ tổ tiên và phân phong chư hầu) và Rước vua về Đồng chì Tam quan Kẻ chợ.

Chuyện Làm nhà cho Chu trong sử thi Mường mang đậm hình ảnh của truyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Khác với việc “đẻ nhà” thời Lang Cun Cần mở nước, nhà cho Chu lúc này là một dạng cung điện to lớn, trang trí lộng lẫy hình rồng rắn, long phượng với nhiều gian nhiều nếp. Rùa Vàng lúc này làm cho sáng nhà tỏ cửa, sáng người, sáng trời đất..., tương tự truyện thần Kim Quy trao móng rùa cho An Dương Vương làm bảo bối trấn quốc.

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước không chỉ là một bản anh hùng ca dựng nước của người Mường mà nó là lịch sử thực sự qua hàng ngàn năm của cả thiên hạ trời Đông. So sánh sử thi Mường với những bộ sử dân gian của người Kinh (Hùng Vương ngọc phả), của người Dao (truyền tích Bàn Hồ) có thể thấy được sự thống nhất tiến trình lịch sử chung của các dân tộc Bách Việt. Từ ông Bàn Cổ - mụ Dạ Dần khai thiên lập địa, trong Thái cực sinh ra con người, con người có vua tổ khai sáng, thần truyền thánh kế, thay nhau ngự trị đầu non góc biển, xuống biển chinh phục Thủy phủ, lên rừng đốn cây Chu đồng, dựng nên thành quách, sáng tạo văn hóa văn minh, tôn rước Thiên tử về kinh kỳ kẻ chợ. Tất cả lịch sử Việt Mường đã hóa về chốn linh thiêng, nơi con người khi qua thế giới bên kia lại quay về với ông bà tiên tổ, với quá khứ huy hoàng Đẻ Đất Đẻ Nước.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 11.

Trình diễn trang phục người Dao ở Sơn La.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền- Ảnh 12.

Trình diễn trang phục người Dao ở Sơn La.

Bình luận của bạn

Bình luận