Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng

Minh Xuân
06:10 - 10/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tháng 12 năm 2022 vừa rồi hồ sơ Mo Mường đã được Việt Nam đệ trình lên UNESCO để ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Trong đó sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước hay Mo kể chuyện là phần dài nhất của di sản Mo Mường.

Ý nghĩa thực sự của bộ sử thi Mường chỉ có thể được làm sáng tỏ khi đối chiếu với lịch sử chân xác của thời đại Hùng Vương.

Tam Sơn Thánh Tổ họ Hùng

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, bản sưu tầm ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa kể:

Dịt Dàng, người đầu tiên sinh ra từ trứng Chiếng được mời ra giữ binh mường. Dân làng cho rằng khi có người cầm mường, cầm binh thì mường nước mới sang, dân mường mới giàu. Dịt Dàng ra điều kiện dân mường cúng 10 con thịt nướng và 9 gánh vàng. Dân mường dọn cây để vua có lối, hạ cành hạ cối để vua có cầu, kẻ đón đằng trước, người rước đằng sau. Nhưng Dịt Dàng bị Ma ếm đón đường, thè 99 cái lưỡi đỏ, trỏ 99 cái răng cọc. Dịt Dàng đành phải trở lại.

Tá Cài là người thứ hai sinh ra từ trứng Chiếng, được dân mời ra coi giữ binh mường. Tá Cài ra điều kiện dân mường phải cúng to hơn nữa, thịt 10 con thú lớn, cúng 9 gánh vàng 10 gánh bạc. Dân làng dọn cây, làm cầu cho Lang đi. Nhưng khi Tá Cái ra thì lại bị rồng cuốn nhe nanh, thuồng luồng xanh nhe nọc... Tá Cài đành phải quay chân về.

Dân mường lại kéo nhau mời Tá Cần, người thứ ba sinh ra từ trứng Chiếng, ra giữ binh mường. Tá Cần là người hiền lành, khiêm tốn, cũng ra các điều kiện, nhưng là điều kiện mở đường mở xá, xua đuổi ma quỷ. Với con người đức độ như vậy ma quỷ không cần đánh giết cũng phải chạy tránh xa. Ma rồng sợ trói, Thuồng luồng sợ đánh. Tá Cần trở thành người cầm mường, gọi là Lang Cun Cần...

Dịt Dàng như trong sử thi Mường gọi là Vua. Dịt Dàng là phát âm chệch của Việt Vương. Có nhiều ý kiến trước đây đã nhận định Dịt Dàng là Hùng Vương, điều này rất chính xác. Vị Hùng Vương đầu tiên, mở đầu thời kỳ lịch sử người Việt, thời kỳ có thủ lĩnh cộng đồng (có người giữ binh mường) là Đế Minh trong Truyện họ Hồng Bàng. Đế Minh được thờ tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh dưới tên gọi Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ hay Đột Ngột Cao Sơn.

Thời Hữu Hùng Đế Minh xảy ra cuộc chiến đánh lại giặc "Ngô Thục" hay Xi Vưu của bộ tộc Cửu Lê. Hùng Vương được sự giúp đỡ của Tây Thiên Quốc mẫu đã chiến thắng Xi Vưu, lên giữ vị trí Minh chủ của thiên hạ vạn bang. Sử thi Mường gọi giặc Thục là Ma ếm thè 99 cái lưỡi đỏ, trỏ 99 cái răng cọp. Số 9 là số chỉ hướng Tây theo Hà thư tương ứng với bộ tộc Cửu Lê, là bộ tộc ở phía Tây lúc này. Thục cũng có nghĩa là hướng Tây, nơi mặt trời lặn (thụt). Chữ Xi là âm đọc của từ Tây theo như tiếng Hán ngày nay. Ví dụ Guangxi là phiên âm của tên tỉnh Quảng Tây. Vưu có thể là Vua. Xi Vưu thực nghĩa là vua phía Tây. Xi Vưu của bộ tộc Cửu Lê là con Ma ếm được nhắc tới trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước.

Vị trí nắm quyền thủ lĩnh cộng đồng thứ hai theo Truyện họ Hồng Bàng là Đế Nghi. Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả chép là Viễn Sơn Thánh Vương. Người ra nắm binh mường thứ hai là Tá Cài, nên Tá Cài tương ứng với Đế Nghi Viễn Sơn Thánh Vương. Chữ Tá trong tiếng Mường còn đọc là Đá, chỉ người cao tuổi đáng kính. Như thế có liên hệ rõ ràng về ngôn ngữ: Đá – Sơn, Tá – Tổ. Đây là lý do vì sao người Việt dùng từ Sơn để chỉ các vị Tổ thời sơ quốc họ Hùng.

Đế Nghi tuy lên nắm giữ đại quyền thiên hạ nhưng lại chỉ làm vua phương Bắc xưa, tức phương Nam ngày nay, ở vùng cựu đô Ngàn Hống trên dãy Hồng Lĩnh ở Nghệ Tĩnh. Sử thi Mường do đó kể Tá Cài ra nắm giữ binh mường bị rồng cuốn, thuồng luồng xanh chặn lối. Đây là hình ảnh của cơn đại hồng thủy thời Đường Nghiêu nước ngập ngang trời được chép trong truyền thuyết Việt.

Người thứ ba lên nằm được binh mường, cầm đầu thiên hạ người Việt một cách chắc chắn, xua tan được ma quỷ là Lộc Tục. Lộc Tục tương ứng với Tá Cần trong sử thi Mường. Lộc Tục làm vua phương Nam xưa ở vùng miền Bắc Việt, xưng là Kinh Dương Vương. Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước tôn ông là Lang Cun Cần, vị Lang Cun đầu tiên của người Mường.

Ở giai đoạn này còn một vị trí thủ lĩnh tuy không được sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước nói tới một cách trực tiếp, nhưng vẫn có những lời kể đề cập tới. Đó là chuyện bà Dịt Dàng tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm. Rõ ràng bà Dịt Dàng tương ứng với Tây Thiên Quốc mẫu, vợ của vua Hùng (Dịt Dàng), tương truyền là người đã dạy dân Việt cách chăn tằm ươm tơ.

Dị bản khác của sử thi Mường kể người tìm ra cách ươm tơ dệt vải là nàng Vạ Hai Kịt, cũng là một người sinh ra từ quả trứng Chiếng. So sánh với Ngọc phả Hùng Vương Thánh Tổ thì nàng Vạ Hai Kịt tương ứng với vị Ất Sơn Thánh Vương, là vị Hùng Vương Thánh Tổ thứ ba được thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và ở vùng đất tổ Phong Châu nói chung. Ất Sơn Thánh Vương có xuất xứ từ vùng núi Lịch ở Sơn Dương, Tuyên Quang, nơi mà mãi tới gần đây vẫn còn gọi là tổng Ất Sơn. Dãy núi Lịch nằm nối tiếp dãy núi Tam Đảo, tức là Ất Sơn Thánh Tổ cùng dòng hệ với Tây Thiên Quốc Mẫu ở Tam Đảo.

Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn Thánh

Lang Cun Cần là vị thủ lĩnh có vai trò đặc biệt trong lịch sử người Mường bởi những công lao to lớn mang tính chất khai mở mọi mặt trong đời sống nhân dân. Bản thân chữ Cần có nghĩa là đầu tiên, trước tiên. Lang Cun Cần nghĩa là vị thủ lĩnh đầu tiên của người Mường, rất tương đồng với Kinh Dương Vương, vị Nam Thiên Thánh Tổ đầu tiên của người Việt.

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước kể: sau khi Lang Cun Cần cầm yên binh mường, ông bắt đầu tìm ra cách làm nhà từ hình dáng của con rùa, tìm ra cách đánh lửa bằng cách cọ xát vào bùi nhùi vót từ cây nứa, học cách lấy giống lúa và trồng lúa để có lúa nà đồng trước, lúa vượt đồng sau, bắt trâu nuôi để cày bừa, tìm ra cách nấu rượu cần. Tất cả những "công nghệ" này được sử thi Mường gọi là "đẻ": đẻ nhà, đẻ lửa, đẻ gạo, đẻ trâu, đẻ rượu cần... Ý nghĩa của chữ Đẻ ở đây gần với chữ Tác, nghĩa là tìm ra, sáng tạo ra, chứ không chỉ có nghĩa là "sinh ra" như từ Đẻ trong ngôn ngữ Việt. Chữ Tác xưa được ký âm bằng chữ Sạ, rất cận âm với từ Đẻ.

Người Mường ở các vùng Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa thường tôn thờ Bua Ba Vì, tức Tản Viên Sơn Thánh theo cách gọi của người Việt. So sánh những công nghiệp của Lang Cun Cần đẻ nhà, đẻ lửa, đẻ gạo, đẻ trâu... với các sự tích của Tản Viên Sơn Thánh thì có thể thấy rõ sự tương đồng. Ví dụ chuyện kể Thánh Tản dạy dân làng Cẩm Đái dùng bùi nhùi để đánh lửa, hoàn toàn giống với cách đẻ lửa của Lang Cun Cần. Tới nay ở vùng Cẩm Đái vẫn lưu truyền sự tích "đàn ông Cẩm Đái không râu" do việc lấy lửa cháy râu và tục đánh lửa bằng bùi nhùi vẫn được diễn lại trong các dịp lễ Tản Viên Sơn Thánh.

Ở chân núi Ba Vì có làng Rùa với cây đa khổng lồ gắn với sự tích Thánh Tản. Sự tích này cho thấy sự tương đồng với chuyện kể người dân theo hình dáng con rùa mà làm nhà cho Lang Cun Cần. Thánh Tản còn dạy dân cày cấy ở vùng Cổ Đằng Tam Vật Lại, đánh cá trên sông Tích, đi săn ở Mang Sơn, đào giếng ở Quy Mông, lấy gỗ xây đền ở Chàng Sơn... Tất cả những sự tích này đều tương tự chuyện kể về Lang Cun Cần trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước.

Lang Cun Cần là người đã xua đuổi được ma quỷ khi ra cầm mường. Ma rồng, thuồng luồng chạy từng bầy vì sợ Lang Cun Cần. Đây là chuyện Sơn Tinh chiến thắng đám thủy quái của Thủy Tinh, trị thủy thắng lợi thời Hồng Bàng mở nước. Lang Cun Cần trong sử thi Mường là Tản Viên Sơn Thánh trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Trong cuốn sách mới ra mắt gần đây của Nhóm nghiên cứu di sản Đền Miếu Việt mang tên Kinh triều bảo lục - Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn đã đưa ra nhận định chứng minh rằng Tản Viên Sơn Thánh chính là Kinh Dương Vương trong huyền sử Việt. Vì thế Tản Viên Sơn Thánh hay Bua Ba Vì cũng chính là Lang Cun Cần, vị thủ lĩnh thần thánh đầu tiên được ghi trong sử thi Mường.

Giai đoạn thủ lĩnh cộng đồng được gọi trong huyền sử Việt là thời kỳ Tam vị Hùng Vương Thánh Tổ ở Phong Châu và Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn ở vùng Ngũ Lĩnh Ba Vì. Cả 2 khu vực đất tổ của thời kỳ Sơn triều Hùng Vương này cũng đều là vùng đất gốc của người Mường. Do đó sử thi Mường kể giai đoạn thủ lĩnh binh mường gồm những vị Hùng Vương Thánh Tổ tương ứng là Dịt Dàng, Đá Cài, Vạ Hai Kịt và Lang Cun Cần. Bắt đầu từ Lang Cun Cần - Kinh Dương Vương, người Mường - Việt như cá vượt Vũ Môn hóa rồng, đã có cuộc sống thực sự ấm no nhờ tìm ra lửa, ở nhà sàn, trồng lúa, đánh cá, chăn trâu, nấu rượu, dệt tơ…

Bài Ngã Ba Hạc Phú của Tiến sĩ đời Lê Nguyễn Bá Lân có lời nói về giai đoạn dựng nhà hình rùa, thắng thủy hóa rồng của vùng xứ Đoài như sau:

Nắm đất Đoài phương

Cạnh giời Nam quốc.

Ba góc bờ chia vành vạnh, huyệt Kim Quy hẻm đá rộng hông hênh

Hai bên cỏ mọc lâm dâm, hang Anh Vũ giữa dòng sâu huếch hoác.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng- Ảnh 2.

Phong cảnh vườn tược ở Bá Thước, Thanh Hóa.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng- Ảnh 3.

Bà con người Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng- Ảnh 4.

Cây đa làng Rùa, Vân Hòa, Ba Vì.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng- Ảnh 5.

Ban thờ Tản Viên Sơn Thánh ở làng Cẩm An, xưa là Cẩm Đái, Cẩm Lĩnh, Ba Vì.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng- Ảnh 6.

Đình Bằng Tạ, Cẩm Lĩnh, Ba Vì, nơi còn tục lệ đánh lửa bằng bùi nhùi vào ngày lễ.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng- Ảnh 7.

Đình Sủ Ngòi ở thành phố Hòa Bình, là ngôi đình của người Mường thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng- Ảnh 8.

Đình Thạch Khoán ở xứ Mường trên đất Thanh Sơn, Phú Thọ.

Bình luận của bạn

Bình luận