Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo

Minh Xuân
06:05 - 16/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau thời đẻ đất, đẻ nước, đẻ người, dân mường có vua, có cuộc sống ấm no, xã hội người Việt Mường cổ bước sang thời kỳ phụ đạo, cha truyền con nối. Những xung đột giữa các tộc người trong thiên hạ cũng nảy sinh, tranh giành vị trí thủ lĩnh đứng đầu đất nước.

Cuộc đấu tranh giữa 2 dòng lên núi và xuống biển của người Việt Mường bắt đầu từ đây.

Ngũ tộc Tản Viên

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước kể rằng, Lang Cun Cần lấy tất cả tới 5 người vợ. Đầu tiên là lấy nàng Vạ Hai Kịt, là người cùng sinh ra từ trứng Chiếng, đẻ ra 12 chàng Ma ếm, tức không phải là những thủ lĩnh cộng đồng (Cun). Thứ đến Lang Cun Cần lấy nàng Vậm Đầu Đất, là con vua Bình Lạc, đẻ được Cun Đồi. Sau đó Lang Cun Cần lại lấy nàng Vật Đầu Nước, sinh được Cun Đàng. Đám cưới to nhất của Lang Cun Cần là lấy nàng Ả Sao Ả Sáng, con ông Vua Trời. Ngựa chín hồng mao đưa Lang Cun Cần đi rước vợ. Ả Sao Ả Sáng sinh được Cun Khương. Cuối cùng Lang Cun Cần lấy Ả Gái nuôi trong mường, không phải lễ lạt đưa đón gì, sinh ra Tóng In.

Câu chuyện về Lang Cun Cần lấy 5 vợ là sự kiện Tản Viên Sơn Thánh đã thành công trong việc hợp nhất 5 tộc người ở Ngũ phương, xây dựng Ngũ thần cung điện ở vùng Ngũ Lĩnh, tức vùng Sơn Tây ngày nay. Đầu tiên, như đã bàn trong bài trước, nàng Vạ Hai Kịt đại diện cho dòng Tiên tộc của Tây Thiên Quốc Mẫu và Ất Sơn Hùng Vương Thánh Tổ ở phía Nam xưa (phía Bắc nay). Trong truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh đó là dòng của bà Ma Thị Cao Sơn Thần Nữ, người đã di chúc quyền cai quản đất nước cho Sơn Thánh.

Trong việc nàng Vậm Đầu Đất sinh ra Cun Đồi, xét những từ Đất và Đồi thì đây là dòng tộc vùng miền núi ở hướng Tây, tức là Cửu Lê tộc. Còn trong chuyện nàng Vật Đầu Nước sinh ra Cun Đàng, những từ Nước và Đàng chỉ ra rằng đây là dòng tộc ở vùng đồng bằng, tức là dòng Lạc tộc. Chữ Lạc vốn nghĩa là Nác – Nước.

Người vợ thứ tư của Lang Cun Cần là Ả Sao Ả Sáng, con vua Trời, tức là dòng tộc nối tiếp vua Dịt Dàng và Tá Cần ở phương Bắc xưa (phương Nam nay), gọi là Viêm tộc. Chi tiết đặc biệt là Lang Cun Cần đưa ngựa chín hồng mao đi rước Ả Sao Ả Sáng, cho thấy đây là chuyện Tản Viên Sơn Thánh lấy công chúa Mỵ Nương, con gái vua Hùng trong truyền thuyết Việt.

Ả Gái nuôi trong mường chỉ tộc người bản địa của nơi Lang Cun Cần sinh sống, tức là tộc người ở vùng trung tâm của đất nước. Xét vậy thì Tóng In, con của Ả Gái nuôi, mới là người con trưởng của vùng đất Lang Cun Cần đang cai quản. Truyền thuyết Việt kể đó là Lạc Long Quân, người con của Kinh Dương Vương với Long Nữ Động Đình.

Dưới thời Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn Thánh người Việt Mường đã thống nhất 5 tộc người ở 5 phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm, được hình tượng hóa trong sử thi Mường là việc Lang Cun Cần lấy 5 vợ, sinh ra 4 vị Cun. Tiếp theo, có sự phân chia lại phương vị của các tộc người này bởi sự chia đất của Lang Cun Cần và quá trình tranh giành giữa các Cun với nhau.

Sơn Tinh – Thủy Tinh

Khi Lang Cun Cần chia đất cho các con, tuy nói chia đất phải chia bằng nhau cho khỏi mất lòng con sau, con trước, nhưng thực tế thì:

Cun Đồi được chia đất Khấm Ngang

Cun Tàng được chia đất Khấm Dọc

Ruộng sâu, ruộng nông chia cho Tóng In.

Còn men ruộng mạ nhỏ bằng tai khỉ, chân đất xấu nhỏ như tai mèo... thì chia cho Cun Khương. Cun Khương tức giận, chạy về nhà ngoại kêu khóc. Nhà ngoại khuyên nhủ, Cun Khương về chăm chỉ làm ăn, trở nên giàu mạnh.

Tóng In được vùng đất nhiều ruộng tốt nhất nhưng mải chơi nên bị đói, phải đến xin ăn nhà Cun Khương mấy lần. Cuối cùng Cun Khương không cho nữa. Tóng In lôi kéo Cun Đồi, Cun Đàng đem quân đánh Cun Khương. Cun Khương bỏ chạy, nhờ bên ngoại là nhà trời giúp, làm hạn hán đồng cạn xơ xác, rồi lại làm mưa to dầm dề, ngập bờ ngập bụi. Cun Khương bắt ép Cun Đồi, Cun Đàng phải giết Tóng In mới chịu về ngừng làm ngập lụt.

Tóng In chết làm ma ruộng, ôm hận thù, bèn tập hợp ma rắn, ma lửa, ma mỏ vàng... đánh lại Cun Khương, Cun Đồi và Cun Đàng. Tóng In thua, lại lặn xuống Thủy phủ với Long Vương, kêu xin Vua Nước. Vua Nước bèn cho Tóng In làm Ma May cướp đường, Ma Lang giữ sông giữ bến. Tóng In có vằn lưng cá chép, áo vây cá mè, đầu cá trê, mắt cá ngạo, lại có mào đỏ to, lưng rồng uốn éo. Tóng In sai tướng Ba Ba bắt Cun Đồi, Cun Đàng phải chịu chết. Cun Khương ra trận đánh nhau với Tóng In, chém chết rồng. Từ đó Ma Ruộng đã ngăn, Ma May Ma Lang đã diệt...

Trong cuộc tranh chấp lần đầu, Cun Đồi, Cun Đàng theo Tóng In đánh Cun Khương. Dòng lên núi là Cun Khương thua, phải chạy trốn về bên ngoại nhà trời. Tóng In trở thành người cầm đầu mường. Đây là chuyện Lạc Long Quân, con trai của Kinh Dương Vương đã đánh đuổi Đế Lai, con của Đế Nghi, về Bắc được kể trong Truyện họ Hồng Bàng. Lạc Long Quân làm vua Thủy phủ, cai quản toàn bộ vùng thấp gồm ruộng đồng, sông biển, hoàn toàn tương ứng với việc Tóng In làm Ma Ruộng rồi Ma May Ma Lang. Sử thi Mường còn mô tả rõ Tóng In hóa Rồng có vằn, có vảy, có mào ở Thủy phủ Long cung. Chữ Tóng có thể là phát âm khác của chữ Đông vì dòng Long Vương Thủy phủ ở hướng Đông ra biển.

Khác với người Kinh ở miền xuôi, người Mường là bộ phận người theo dòng lên núi nên không tôn thờ vua cha Lạc Long Quân của dòng xuống biển. Ngược lại, trong sử thi Mường khắc họa hình ảnh của Tóng In khá phản diện, từ việc mải chơi đến mức phải đi xin ăn, rồi hóa thành ma ruộng, ma sông, ma biển dữ tợn, gây hại cho mường.

Bộ 3 Cun Khương, Cun Đồi, Cun Đàng của dòng lên núi làm thành Tam Vị Tản Viên gồm Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh, mà Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả gọi là các vị Sơn Tinh. Tóng In làm Ma Ruộng, rồi Ma Lay Ma Lang của Thủy phủ, chính là Thủy Tinh. Ma Lay Ma Lang tương ứng với Linh Lang, là tên gọi khác của Long Vương Thủy phủ, hay của các vị xuống biển cai quản vùng sông nước, như Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả gọi là các “Thủy thượng Linh thần”.

Cun Đồi, Cun Đàng của 2 vùng đất Ngang và Dọc đại diện cho chư hầu các nơi ở trên cao (Đồi) và dưới thấp (Đàng). Ban đầu các chư hầu theo dòng xuống biển là Tóng In, đuổi dòng Cun Khương phải chạy trốn lên núi về phía Tây. Sau này, các chư hầu lại theo về với dòng lên núi của Cun Khương, đánh lại dòng Thủy phủ Long quân của Tóng In.

Cuộc đấu tranh giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh, giữa Cun Khương – Tóng In, được mô tả rất ác liệt, dai dẳng nhiều năm, qua nhiều lần đụng độ. Hai bên đều có nhiều thương vong. Ban đầu dòng xuống biển của Long Quân thắng, nắm đại quyền thiên hạ. Cuối cùng về sau, dòng lên núi của con cháu Đế Lai là Âu Cơ quay trở lại, đánh thắng dòng xuống biển, trở thành vua Việt (Dịt Dàng).

Lang Cun Cần – Kinh Dương Vương dựng nên thiên hạ, rồi chia đất cho các con, dẫn đến xung đột tranh giành giữa các dòng tộc. Thời kỳ này dân mường không chọn người có tài có đức ra giữ binh mường như trước nữa, mà bắt đầu chế độ phụ hệ, cha chia quyền cho con, rồi con trưởng con thứ tranh chấp, bên nào mạnh thì chư hầu các nơi phục theo. Mốc lịch sử 4.000 năm của người Việt Mường được xác lập chính là tính theo thời kỳ thị tộc phụ đạo từ Lạc Long Quân – Tóng In.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo- Ảnh 3.

Đền An Trì ở bên hồ Trúc Bạch, Hà Nội, thờ Uy Linh Lang thủy thần.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo- Ảnh 4.

Nhà tiền tế đền Và, Sơn Tây.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo- Ảnh 5.

Miếu Đầm Đượng ở Thụy Phiêu, Ba Vì, nơi thờ diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo- Ảnh 6.

Đình Kẻ Đầm ở Sơn Đông, Sơn Tây, là nơi đầm nước rộng lớn của Đồng Mô, nhưng vẫn thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo- Ảnh 7.

Đền Thượng ở Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ, nơi thờ Cao Sơn Đại vương.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo- Ảnh 8.

Tế lễ hội đền Và, Sơn Tây.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo- Ảnh 9.

Nghi môn đền Và - Đông cung Tản Viên ở Sơn Tây.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo- Ảnh 10.

Đình Yên Phụ ở hồ Tây, Hà Nội thờ Linh Lang Đại vương và 2 người em cùng là thủy thần hồ Dâm Đàm.

Bình luận của bạn

Bình luận