"Sống đến bình minh" là ánh sáng đi qua những vùng tối với những nghiệt ngã, chông gai
Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa được ra mắt độc giả và những người yêu quý, ủng hộ ông trong một buổi hội ngộ đầy cảm xúc. "Sống đến bình minh" là ánh sáng đi qua những vùng tối với những nghiệt ngã, chông gai.
Tự truyện "Sống đến bình minh"
Đến với lễ ra mắt sách của ông qua lời mời của một người anh, tôi thuộc thế hệ đồng môn, nhưng sau ông tới gần 40 lớp Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội & Nhân vân, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhưng tên tuổi TRẦN MAI HẠNH đã hấp dẫn tôi từ lâu.
Tôi chưa thấy Lễ ra mắt sách nào có đông đảo bạn bè, các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nghệ sỹ đến vậy. Có lẽ có quá nhiều tình cảm đối với ông của bạn bè, đồng nghiệp, người thân và cả nhiều người hâm mộ không tên mà tôi còn chưa nói hết. Qua buổi sum họp này, những tình cảm ấy được gửi đến ông một cách linh thiêng, thành kính, để ở nơi bình yên, ông sẽ mỉm cười thật mãn nguyện.
Lãnh đạo và đại diện các đơn vị ông đã từng công tác như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà báo và các cơ quan như Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh Việt Nam..., và hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên cả nước đã có mặt để chia sẻ, đưa tin về lễ ra mắt sách. Rất nhiều những trao đổi của các vị khách mời là các nhà văn, nhà báo, luật sư nổi tiếng cùng thời với ông đã giúp chúng tôi hình dung rõ nét chân dung Trần Mai Hạnh: một nhà báo tài năng và yêu nghề, một nhà văn sâu sắc, một chiến sỹ kiên trung, mạnh mẽ và can đảm!
Được tặng cuốn sách quý, bản giới hạn chỉ in 300 cuốn trong lần đầu tiên sách được ra mắt, tôi rất vui sướng và trân trọng. Thú thực là chỉ với một tên sách "Sống đến bình minh" thôi, rất hấp dẫn rồi. Ngồi cạnh tôi, nhà báo Đức Hoàng lại úp mở: "Cuốn này anh đọc nghiến ngấu 1 ngày 1 đêm, hay em ạ!".
Không kìm được sự háo hức, tôi tò mò giở đọc ngay những trang đầu và bị cuốn ngay vào câu chuyện của một "chàng trai tỉnh lẻ". Giọng văn của ông thật dễ chịu. Câu ngắn, logic và mạch lạc. Hoặc là ông phải ghi chép rất tỉ mỉ từng chi tiết trong cuộc đời, hoặc là ông phải có trí nhớ "siêu phàm" vì không một tên người, tên địa danh, vị trí địa lý, loại phương tiện giao thông, đồ vật, thói quen sinh hoạt... của tất cả những gì ông đã trải qua đều được viết một cách chính xác, tuần tự, rõ ràng như vậy.
Đọc cách ông miêu tả về một Hà Nội cổ xưa thật đẹp và thanh lịch qua hình ảnh Thuỳ Mai - người ông đã từng yêu khi lần đầu tiên bước chân vào cánh cửa đại học. Rồi sau đó, vẻ đẹp thủ đô còn toát lên đậm đà ở người con gái đã trở thành vợ ông: Cô giáo dạy văn trường cấp III Cổ Loa - Kim Anh xinh đẹp, dịu dàng và hiền hậu. Ông cũng tái hiện một thị xã Hải Dương - nơi quê ông đã lớn lên thanh bình nhưng cũng đầy bão tố. Cuộc sống, học hành, đám cưới, sinh nhai... thời bao cấp được kể một cách dễ hiểu, sống động qua những tỉnh thành ông đã đi qua, đã sống, đã yêu và làm việc. Ông đưa người đọc đi hết từ câu chuyện này đến câu chuyện khác trong cuộc đời của mình, nhưng qua lăng kính của một nhà báo, cách kể chuyện rất cuốn hút.
Không chỉ là kể chuyện, "Sống đến bình minh" còn chứa đựng những áng văn chương duy mỹ đầy cảm xúc. Ấn tượng nhất là đoạn ông tả cảm xúc khi ở rừng, giữa những nguy hiểm tên rơi đạn lạc có thể cướp đi sinh mạng bất cứ lúc nào. Ông kể chuyện cùng liệt sỹ Nguyễn Trọng Định (Báo Nhân Dân) trong đêm đầu ở mặt trận Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng bây giờ) không sao ngủ được, cùng uống thứ nước nâu còn chút mùi cà phê vẫn thấy tuyệt diệu. Những áng văn về đồng đội bên nhau trong lửa đạn nhưng đầy lãng mạn.
Những kỷ niệm ùa về được ông viết lại: "Đấy là mùa thu của năm 1952. Từng cơn gió thổi xao xác, lành lạnh - cái lạnh gợi nhớ, phai bạc đến lạ lùng. Trước mắt hiện ra con ường Nguyễn Văn Tố vắng lặng và những cơn gió thổi xao xác trên mặt đường làm lật nghiêng những chiếc lá bàng khô. Dãy phố nghèo với bao kỷ niệm. Những đêm đông buốt giá trên hè phố, đưa tay xốc lại cổ áo ấm hồi hộp lắng nghe tiếng guốc vội vã của người bạn gái đến chỗ hẹn...
Thấm thoắt thời gian đi nhanh quá (...) thế mà năm tháng, tuổi trẻ cứ trôi đi, trôi đi. Bao giờ cũng có những suy nghĩ, những xúc động phải nằm lại nghẹn ngào tận đáy lòng. Mùa hè sắp đến. Hoa gạo đang đánh phấn và hoa xoan cũng đang cữ trổ mạnh. Chim tu hú đã về. Mùa vải quê hương cũng sắp chín rồi. Nhớ những tối ôn thi dưới cột điện đầu nhà, nơi hàng đàn cà cuống từ cánh đồng gần đó theo ánh sáng bay về làm mồi cho lũ trẻ. Nhớ những đêm đông buốt lạnh dạo dưới đèn đường trên lòng phố quê hương. Nhớ tiếng róc rách của máy nước đầu phố, tiếng guốc trong ngõ nhỏ, tiếng gõ cửa khẽ khàng, tiếng vo gạo vội vàng..."
Hào hùng nhất trong số các chương sách có lẽ là cuộc tác nghiệp của tác giả tại chiến trường Miền Nam với bao tự hào và xúc động. Những bài báo của tác giả tường thuật lại cuộc chiến khốc liệt nơi chiến trường của quân và dân ta trước bom đạn và đánh phá dữ dội của đế quốc Mỹ. Rồi với tất cả sự nỗ lực và cố gắng của toàn quân, toàn dân, toàn dân tộc... đã được đền đáp bằng chiến thắng vang dội để dành lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tác giả lúc đó với tư cách là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã đã cùng với các chiến sỹ cách mạng cùng đi và ghi lại toàn bộ chiến thắng và thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước khi giải phóng Miền Nam.
"Từ nay vĩnh viễn sống trong độc lập, tự do"
Tác giả tự hào viết: "Đó là ngày Quốc tế Lao động đầu tiên Sài Gòn trọn vẹn trở về trong lòng dân tộc. Từ mờ sáng, thành phố đã được đánh thức bởi các bài ca cách mạng từ các loa phóng thanh được quân đội chiến thắng mang về lắp đặt từ chiều tối hôm trước. Nắng sớm rực rỡ khắp các phố phường. Hàng chục vạn người đổ ra đường giương cao cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ kéo về quảng trường trước Dinh Độc lập mừng chiến thắng, gặp gỡ các chiến sỹ Giải phóng đang làm nhiệm vụ trên những chiếc xe tăng trực chiến".
"Đã có lúc tôi nghĩ không thể hoàn thành cuốn tự truyện này. Khi bắt đầu viết phần cuối thì vợ và con gái thứ hai của tôi cùng lúc phải cấp cứu trong tình trạng sự sống rất mong manh. Vợ tôi bị thoát dương hơn sáu tiếng, may tới bệnh viện kịp nên cứu được, nhưng từ đó yếu hẳn, phải di chuyển bằng xe lăn, lúc nào cũng phải có người thân ở cạnh. Con gái thứ hai của tôi, cháu Trần Hiền Anh bị ung thư giai đoạn cuối, sau 18 năm chiến đấu với căn bệnh K quái ác đã ra đi mặc dầu được các bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện quân đội 103 tận tình cứu chữa suốt hai tháng trời".
Số phận dường như cứ trêu đùa nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sống chết trong gang tấc nơi chiến trường, những tai nạn nghề nghiệp, rồi tới những cú sốc tinh thần khi đối mặt với việc ra đi của những thành viên trong gia đình, những đồng nghiệp, đồng đội chí cốt.
Ông đã nghĩ tới việc dừng lại, đóng hết những ước vọng, đam mê. Nhưng điều gì đã khiến ông "sống đến bình minh"? Đó chính là tình cảm yêu thương với gia đình, trách nhiệm hoàn tất những nhiệm vụ mà cấp trên và người thân giao phó.
Tự truyện "Sống đến bình minh" là cuộc tóm tắt đầy đủ, trọn vẹn tất cả cuộc đời ông cùng những người thân yêu, đồng nghiệp, gia đình... những người đã ngã xuống còn sống mãi và bừng sáng qua từng trang viết.
"Sống đến bình minh" như một áng văn chương lịch sử, tái hiện một giai đoạn chuyển đổi rất đáng nhớ, rất mạnh mẽ, rất quan trọng và lâu dài của đất nước. Những con người đã gặp, đã làm việc và được sống cùng Trần Mai Hạnh qua những dòng viết của ông thực sự sống động, không thể nào quên.
Mặc dù đã trải qua cuộc đời với nhiều biến cố đau thương, thương tật do tai nạn giao thông, mất con, mất em, mất cả tự do oan uổng... nhưng vẫn một tấm lòng biết ơn cuộc đời, ông đã cho ra đời "Sống đến bình minh" không hề thù hận mà đầy yêu thương và trân trọng, tự hào.
Giờ tôi đã hiểu, đã biết về một nhà báo Trần Mai Hạnh của Việt Nam Thông tấn xã - đẹp màu áo lính khi làm phóng viên trên chiến trường; người đã được chứng kiến và tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc và những sự kiện trọng đại của đất nước. Tôi hiểu rõ về ông qua những gì ông để lại, từ những cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", những tác phẩm văn học/lịch sử như: Nắng thu bồn, Tình yêu và án tử hình, Ngày tận thế... và giờ là tự truyện "Sống đến bình minh".
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã viết:
"Không chỉ "Chạm vào ký ức" như tiêu đề mục 7 phần cuối cùng "Sống đến bình minh" trong cuốn tự truyện này, mà là "sống lại ký ức" khi tôi hoàn thành những dòng cuối cùng của "LỜI CUỐI SÁCH", lại chuẩn bị lên đường cùng Trần Mai Hưởng, em ruột tôi trong chuyến trở lại chiến trường xưa bằng đường bộ suốt từ Quảng Bình qua Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Tây Ninh, Xuân Lộc, Biên Hoà , Dinh Thống Nhất (tức Dinh Độc Lập) - Thành phố Hồ Chí Minh. Hai anh em lại đi đúng con đường 49 năm trước đã bám theo các binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng tức thì các thành phố, thị xã suốt từ Huế cho tới giờ phút lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ phút toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nước nhà độc lập, thống nhất, non sông thu về một dải..."
Cũng chính trong chuyến đi này ông đã đột ngột ra đi mãi mãi.
Xim tạm biệt ông - nhà báo, nhà văn đáng kính Trần Mai Hạnh.
Ông đã sống đến hơi thở cuối cùng, đó chính là bình minh cuộc đời ông. Bình minh ấy cũng là ánh sáng đi qua những vùng tối với những nghiệt ngã. Cái chết bất ngờ đã cuốn ông đi vội vã, để lại những nỗi nhớ... sống động về ông!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google