Nhà báo Trần Mai Hạnh và ký ức "Sống đến bình minh"

PV
12:14 - 25/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà Xuất bản chính trị quốc gia Sự thật và gia đình nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh cho ra mắt tự truyện "Sống đến bình minh" của ông.

"Sống đến bình minh" là những lát cắt ký ức của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh (1943-2024), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VIII, IX), đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam về những sự việc, câu chuyện, cảnh ngộ đã diễn ra trong cuộc đời, sự nghiệp của ông. 

Cuốn sách gồm 7 phần: "Chàng trai tỉnh lẻ", "Đi qua cái chết", "Chiến tranh và hòa bình", "Thời bao cấp giữa bao vây cấm vận", "Những năm đầu đổi mới báo chí", "Vòng xoáy" và "Sống đến bình minh". Tiêu đề của phần 7 được tác giả dùng đặt tên cho cuốn tự truyện này.

Nhà báo Trần Mai Hạnh và ký ức "Sống đến bình minh"- Ảnh 3.

Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ bắt gặp trong dòng ký ức đó hình ảnh thị xã Hải Dương nhỏ nhắn, yên tĩnh, tràn ngập niềm vui những năm đầu giải phóng khỏi ách thống trị của lớp dân nghèo thành thị. Tác giả khi ấy mới hơn 10 tuổi, xuất thân trong lớp dân nghèo thành thị, được gia đình, nhà trường nuôi dạy, giáo dục. Chàng trai tỉnh lẻ đó trở thành sinh viên Văn khoa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; ra trường, trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. 

Nhà báo Trần Mai Hạnh suốt 10 năm (1965-1975), lăn lộn trên các mặt trận chiến trường vô cùng ác liệt trong Nam, ngoài Bắc, từ thành phố Hải Phòng đến chiến trường Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng). Chàng trai đó cũng được cử làm Đặc phái viên trong Đoàn công tác đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau được Bộ Chính trị đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh), do đích thân Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khi đó là Nhà báo Đào Tùng dẫn đầu, may mắn có mặt chứng kiến, viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử diễn ra trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc lập.

Lý giải về tên tựa sách, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã viết: “Đối với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa của số phận đời thường, tôi luôn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách “Sống đến bình minh” được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó”.

Nhà báo Trần Mai Hạnh và ký ức "Sống đến bình minh"- Ảnh 4.

Nhà báo Trần Mai Hạnh cùng đồng nghiệp trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Người đọc còn gặp trong dòng ký ức đó về thời bao cấp giữa bao vây, cấm vận của Mỹ và các thế lực thù địch, cuộc sống muôn vàn khó khăn, đói ăn, đói cả thông tin. Chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, cơ may đến khi tác giả được cử làm Thư ký tòa soạn Bản tin "Bóng đá Espana 82" (thông tin về Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 12 diễn ra tại Tây Ban Nha), tiếp đến là Thư ký tòa soạn Tuần báo Văn hóa, Thể thao quốc tế, Phó Tổng biên tập Thường trực các báo Tuần tin tức, Tin tức buổi chiều của Thông tấn xã Việt Nam, đồng thời là Trưởng ban Nghiệp vụ kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhờ đó, tác giả được trực tiếp tham gia vào đời sống báo chí Việt Nam những năm đầu trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng, lãnh đạo.

Là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đại hội Thể thao Olympic lần thứ 22, Đại hội Thể thao hữu nghị thế giới tại Moscow, được tu nghiệp báo chí tại Hungary đầu những năm 1980, giúp tác giả sớm tiếp cận với cách làm báo hiện đại, tòa soạn hội tụ, thiết bị tác nghiệp nối mạng toàn cấu trong xu thế bùng nổ thông tin đa dạng, đa chiều.

Ba nhiệm kỳ liên tiếp, ông được bầu vào Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có 2 nhiệm kỳ được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Tại Đại hội VIII, Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ký ức về những năm đầu đổi mới báo chí, về công cuộc đổi mới đất nước, những hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam, VOV, Hội Nhà báo Việt Nam hiện ra cụ thể, rõ nét, phong phú, sinh động trong cuốn tự truyện này.

Nhưng, như tác giả tự bạch, cuộc đời làm báo của ông "không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng". Không tránh né, tác giả đề cập những nghịch cảnh trong đời thường với một thái độ tôn trọng sự thật, trách nhiệm với những gì đã diễn ra. Cuốn sách được viết bởi ngôn ngữ báo chí kết hợp nhuần nhuyễn với bút pháp văn học trên cơ sở chắt lọc từ tập nhật ký ghi chép thường ngày được lưu giữ trong suốt nửa thế kỷ qua về những gì xảy ra, tác giả trực tiếp chứng kiến, mang lại nhiều suy ngẫm cho độc giả.

Từ 2014 đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật lần lượt cho ra mắt bạn đọc 5 tác phẩm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh gồm: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống, Viết và Đối thoại", "Sống đến bình minh". 

Trong đó, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, được tái bản lần thứ 5 và đã được xuất bản bằng tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc quốc tế; xuất bản bằng tiếng Lào, tiếng Tây Ban Nha trao tặng nước cho Lào và Cuba.

Nhà báo Trần Mai Hạnh và ký ức "Sống đến bình minh"- Ảnh 5.

Chị Trần Mai Anh (con gái nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh) tại buổi ra mắt tự truyện "Sống đến bình minh" sáng 25/4/2024