"Chuyện tình nơi tuyết trắng" - đọng lại vẫn là tình người

Trương Tuyết Trinh
11:56 - 08/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tác phẩm đầu tay của nhà báo Đỗ Thanh mang tên "Chuyện tình nơi tuyết trắng" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) kể lại những câu chuyện đầy tình người, mỗi hoàn cảnh càng trớ trêu, lại càng được tác giả tặng những kết thúc có hậu, khiến người đọc cảm nhận rõ sợi nối tình cảm các nhân vật dành cho nhau cứ đẹp mãi, đẹp mãi...

Bóng dáng nước Nga ẩn hiện giữa những cảnh đời

Có lẽ đây là lý do vì sao tác giả đặt "xứ sở tuyết trắng" làm tựa đề tập truyện. Những nhân vật được kể đến trong các truyện ngắn của tác giả đều có những mảnh đời liên quan tới nước Nga. Câu chuyện của những người con xa xứ làm đủ các nghề từ bán phở, công nhân nhà máy, xuất khẩu lao động, buôn chuyến... đến những cán bộ ra đi trở về quê hương với những tấm bằng đỏ danh giá, đáng tự hào sau những tháng ngày học tập và lao động vất vả ở trời Tây. 

Chuyện tình nơi tuyết trắng - Tình người đẹp mãi - Ảnh 1.

"Chuyện tình nơi tuyết trắng" - Nhà báo Đỗ Thanh. Ảnh: Tuyết Trinh.

Xuyên suốt những câu chuyện là tình cảm giữa người với người. Những tình huống đã làm cho mỗi người trong họ vướng vào những hoàn cảnh trớ trêu, nhưng lại được chính các nhân vật tìm ra cách xử lý đẹp nhất, trên cơ sở tình yêu thương, sự cảm thông và cả sự hy sinh cao đẹp. Có lẽ tác giả cũng muốn tô đậm lên nhân cách người Việt Nam trượng nghĩa, tự hào dân tộc, đoàn kết và trân trọng các giá trị truyền thống. 

Tuy nhiên, cũng không chỉ có người Việt Nam, những nhân vật xoay quanh cuộc sống của họ đã được giúp đỡ không ít bởi những người dân bản xứ, những câu chuyện kể thật đẹp đã tái hiện lên một bức tranh nhân sinh đầy màu sắc, trong đó có cả những nhân vật đáng ngưỡng mộ như người sỹ quan cảnh sát đã làm rất tốt trách nhiệm giáo dục những người con Việt Nam trong truyện ngắn "Dượng Tây". 

Tình yêu là điểm tựa cho tất cả các mối tương quan

Tình yêu trong các truyện ngắn của "Chuyện tình nơi tuyết trắng" là mối liên hệ chủ đạo giữa các nhân vật. Tuy nhiên, tình yêu được đặt trong các hoàn cảnh khác nhau khiến con người đã có những cách hành xử khác nhau, yêu thương có, nhưng sai lầm cũng có... Và để rồi, cuối cùng họ phải chịu những dằn vặt, đau đớn, tội lỗi và hối hận. 

Các nhân vật trong truyện đều có những phút giây giằng xé, những luồng cảm xúc đan xen nhưng không vượt quá giới hạn chịu đựng, vì cuối cùng, bản chất tốt đẹp vẫn chiến thắng đã giúp nhiều nhân vật như Hoa trong "Người cha đổ vỏ", Hòa trong "Đứa con bị ruồng bỏ" đã chấp nhận hối lỗi và thú tội - dù chỉ là ở những khúc cuối của cuộc đời. 

Có lẽ, những sai lầm đã theo thời gian đủ dài giúp cho các nhân vật trở nên mạnh mẽ, quyết đoán, hy sinh và dũng cảm nhận lỗi. Đây cũng chính là phẩm chất tốt đẹp của những người trí thức xa quê hương hiện lên trong chuỗi các nhân vật của tác giả Đỗ Thanh. Gia đình là chiếc nôi quay về, sau những gạt bỏ về phẩm giá, thậm chí là đồi bại vì hoàn cảnh mưu sinh. 

Hành văn nhẹ nhàng, từ ngữ đắt giá

Tuy tập truyện mang dấu ấn văn học đậm nét, nhưng bằng cách hành văn và kinh nghiệm tích lũy của một nhà báo, đọc truyện của Đỗ Thanh hấp dẫn từ đầu tới cuối bằng tiết tấu nhanh, mạnh, cách sử dụng từ ngữ hiện đại,  trong sáng. Những tình tiết tuy xảy ra có thể viết cả chương/hồi được, nhưng tác giả lại chọn cách diễn đạt xúc tích, ngắn gọn, lựa chọn những từ ngữ đắt giá nên độc giả không cảm thấy mệt mỏi vì sự lê thê như khi đọc nhiều tác phẩm văn chương khác, thay vào đó là cảm giác  bị cuốn hút, có thể giữ nhịp đọc "một mạch" khi mở ra. 

Tác giả đã rất thông minh khi chọn cách kể về cả cuộc đời một cách vắn tắt và ngắn gọn nhất có thể. Nếu nhiều người chọn cách kể chi tiết từng khúc của cuộc đời, thì Đỗ Thanh chọn kể "nhanh gọn" về cả cuộc đời để thấy rằng, cuối cùng, tất cả con người đều sẽ đi về một đích đến giống nhau. Cái chết đối với nhiều người là sự giải thoát, nhưng cái chết trong các truyện của "Chuyện tình nơi tuyết trắng" là một khúc đua cuối cùng, để tình người thắng thế. Tuy nhiên, ở nhiều truyện, giống như "cái chết nhân đạo", tác giả không cho phép một số nhân vật thú tội, mà sẽ vẫn phải "xuống mồ" với những bí mật của mình, thậm chí phải trả giá như nhân vật Đông trong "Chỉ một người không biết" hay nhân vật Hùng trong "Ba lần qua ải mỹ nhân". 

Với cách kể chuyện với tiết tấu nhanh, có thể điểm danh những "dấu ấn" cơ bản trong cuộc đời, thì kể cả những nút thắt éo le cũng được tháo gỡ rất nhanh qua sự biến đổi tâm lý nhân vật, giúp cho người đọc cảm nhận được triết lý cuộc sống rất giản dị, nhưng vô cùng thâm thúy: Sông có khúc, người có lúc; Sai lầm sẽ phải trả giá; Nhân nghĩa sẽ thắng bạo tàn; Bí ẩn nào cũng sẽ lộ ra... Chỉ có tình người là còn mãi./.