Sinh viên đua nhau học IELTS, chứng chỉ tiếng Anh trong nước (VSTEP) không đủ giá trị?

Phương Mai
11:31 - 06/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Người đạt trình độ VSTEP cao không kém cạnh với người đạt điểm IELTS cao. Song nhiều sinh viên không mặn mà với chứng chỉ tiếng Anh trong nước – VSTEP, mà đổ xô học và thi để sở hữu chứng chỉ IELTS.

Sinh viên đua nhau học IELTS, chứng chỉ tiếng Anh trong nước (VSTEP) không đủ giá trị?- Ảnh 1.

Chứng chỉ IELTS đang dần trở thành “cơn sốt” với sinh viên. Ảnh: CJC

VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) là bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2. Chứng chỉ VSTEP thường dùng để xác định chuẩn đầu ra hay chuẩn đầu vào của bậc đại học, sau đại học; các kỳ thi đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của cán bộ viên chức…
Hiện tại, ở Việt Nam có 30 đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung này. Chứng chỉ VSTEP đang dần được nhiều trường đại học sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp cho sinh viên cũng như xét tuyển vào trường.

Sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để học IELTS

Lê Anh Hiếu, sinh viên Học viện Tài chính, bắt đầu học IELTS từ những năm cấp 3, đến nay nam sinh đã đạt mức điểm 6.5 sau 10 tháng học hành vất vả. Hiếu không học trung tâm mà theo học giáo viên qua lời giới thiệu của người anh khóa trước với tổng chi phí bỏ ra lên tới 27 triệu.

"Tôi cảm thấy số tiền mình bỏ ra không hề lãng phí. Có bằng IELTS từ sớm giúp tôi có nhiều cơ hội làm thêm hơn như gia sư chẳng hạn, sơ yếu lý lịch của tôi có IELTS nên việc nhận lớp dạy thêm là rất dễ dàng, gần như nộp là được phụ huynh đồng ý ngay.

Khi có số điểm IELTS ở mức ổn, tôi sẽ nhận được số tiền cao hơn gia sư bình thường đối với môn Tiếng Anh (khoảng 250.000 - 300.000 đồng/buổi). Ngoài ra, khi học đại học tôi cũng được miễn học phần tiếng Anh vì đã có IELTS từ trước", Hiếu tâm sự.

Chia sẻ về lý do lựa chọn thi chứng chỉ IELTS thay vì các chứng chỉ khác để giảm chi phí, nam sinh cho rằng, chứng chỉ IELTS có giá trị hơn cho quá trình xin việc. Còn chứng chỉ VSTEP chưa được nhiều doanh nghiệp biết tới và coi trọng.

Đặt ra lộ trình trong vòng 1 năm tới đạt 7.0 IELTS, Phan Thanh Sao Chi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tiêu tốn gần 30 triệu cho khóa học dài hạn ở trung tâm và đã theo học đến năm thứ 2.

Sinh viên đua nhau học IELTS, chứng chỉ tiếng Anh trong nước (VSTEP) không đủ giá trị?- Ảnh 3.

Phan Thanh Sao Chi - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

Chi cho biết, khi học IELTS, tư duy của bản thân được cải thiện nhiều: "Tôi được tiếp cận với những dạng bài khó, cần khả năng tư duy logic và vốn sống, sự am hiểu về các vấn đề xã hội nhất định để giải quyết tốt một bài IELTS Writing.

Bên cạnh đó, sở hữu chứng chỉ IELTS giúp tôi ra trường, có thêm cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp yêu cầu tiếng Anh hay doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời tôi có thể có thể đi du học".

Cũng đang tập trung học IELTS, đến nay đã tốn gần 40 triệu mà chưa đạt được kết quả mong muốn, Nguyễn Gia Khánh, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn không có ý định chuyển sang học một chứng chỉ khác.

"Chứng chỉ IELTS đang ngày càng chứng minh giá trị của nó trong tuyển dụng cũng như trong học tập. Hầu như xung quanh tôi ai cũng có bằng IELTS 6.5 trở lên, việc có IELTS từ sớm giúp họ được nhận vào thực tập tại các tập đoàn đa quốc gia hoặc đi du học. Từ đó gia tăng cơ hội việc làm, tăng lựa chọn nơi làm việc trong nước hay ở nước ngoài.

Nếu giờ chỉ vì không đạt số điểm mong muốn mà bỏ cuộc, tôi sẽ thấy áp lực. Tôi học để không bị tụt lại so với bạn bè", Khánh nói.

Chứng chỉ tiếng Anh trong nước - VSTEP có bị lép vế?

Học IELTS đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng hiện nay. Bên cạnh những cơ hội mà một chứng chỉ IELTS mang lại, người học phải đánh đổi mức học phí lớn theo lộ trình của các trung tâm. Trong khi đó, chứng chỉ tiếng Anh trong nước – VSTEP, có mức học phí và thi thấp hơn nhiều.

Khảo sát một số trung tâm luyện thi IELTS, học viên muốn đạt từ 0-5.5 hoặc 6.0 IELTS cần bỏ ra mức học phí từ 20-50 triệu đồng. Quy đổi ra chứng chỉ VSTEP, từ 0 đến trình độ B2, người học cần bỏ ra khoảng 10-15 triệu đồng. Trong khi đó, xét về trình độ theo thang chuyển đổi, người học VSTEP không hề kém cạnh so với người học IELTS.

Chia sẻ về điều này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh - giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khẳng định: "Ở mức điểm 6.5 đến 7.0 của IELTS tương đương với mức cuối cùng của B2 và mức đầu của C1, các học viên đều rất xuất sắc, sử dụng tiếng Anh thành thạo. Còn đối với những người đạt mức điểm thấp hơn, tức dưới B2 (tương đương dưới 5.5 IELTS) năng lực cũng không chênh nhau nhiều".

Sinh viên đua nhau học IELTS, chứng chỉ tiếng Anh trong nước (VSTEP) không đủ giá trị?- Ảnh 4.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh - giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Về giá trị của hai loại chứng chỉ IELTS và VSTEP, Thạc sĩ Hạnh cho biết: "Cả 2 chứng chỉ đều kiểm tra trình độ ngoại ngữ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, IELTS thường phát huy giá trị đối với những sinh viên học chuyên ngành tiếng Anh, đặc biệt với những sinh viên có ý định đi du học, làm việc ở môi trường quốc tế.

Còn VSTEP có thể dùng làm chuẩn đầu ra của nhiều trường đại học, đầu vào của công chức viên chức, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Gần đây, VSTEP còn được sử dụng để xét tuyển đầu vào của một số trường đại học. Hay nói bao quát hơn, IELTS có giá trị không chỉ ở trong nước mà còn quốc tế, còn VSTEP chỉ có giá trị trong nước".

Ngày nay, nhiều sinh viên quan niệm: học thi VSTEP chỉ để đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường còn sau này đi làm, chứng chỉ VSTEP gần như không có giá trị.

Nhận định về ý kiến này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Hầu hết những người đi du học, đặc biệt là đến các nước nói tiếng Anh phải thi IELTS và chắc chắn phải dùng đến chứng chỉ ấy, họ cảm nhận và trải nghiệm được giá trị mà một chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS mang lại.

Còn VSTEP chỉ dùng ở trong nước, người học thi xong để ra trường, làm việc ở một cơ quan trong nước, nên nhiều khi họ không cần và không được dùng tiếng Anh, năng lực ngoại ngữ do đó bị mai một dần theo thời gian. Và khi nhìn lại, họ lầm tưởng rằng chứng chỉ như VSTEP không có giá trị mấy. 

Nếu không dùng trong thời gian dài, thì kể cả những người đạt điểm số IELTS ở mức B1-B2 cũng quên dần. Chuyện này là dễ hiểu với ngoại ngữ. Nếu người học nghiêm túc và có cơ hội sử dụng đều đặn, tôi tin chắc rằng năng lực tiếng Anh của người đó sẽ tốt. Khi ấy, họ sẽ thấy giá trị của chứng chỉ VSTEP. Tức không dùng đến tiếng Anh nên quên, chứ lỗi không phải ở chứng chỉ".

Đối với những học sinh, sinh viên vẫn đang cân nhắc giữa các loại chứng chỉ ngoại ngữ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh nhắn nhủ: điều quan trọng nhất là học viên cần xác định mục đích dùng chứng chỉ. Tiếp theo là khả năng tài chính của bản thân, gia đình. Cuối cùng là xem xét đến quỹ thời gian có để ôn thi và thời điểm mình định thi.

"Nếu cần năng lực tiếng Anh thực sự để học tập, làm việc mà không quan trọng loại chứng chỉ thì mọi người nên thi VSTEP vì chi phí thấp hơn so với IELTS. Quan trọng là thái độ học tập nghiêm túc sẽ quyết định năng lực của bản thân", Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.

Nâng cao giá trị chứng chỉ VSTEP

Để sự quan tâm của mọi người đối với VSTEP ngang với IELTS hiện nay, giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng vẫn còn nhiều rào cản.

Đầu tiên là chất lượng kỳ thi và đề thi. IELTS là một chứng chỉ lâu đời nên độ tin cậy cao. Chẳng hạn, nhiều người đi thi IELTS liên tiếp, kết quả ngày hôm nay so với tháng sau, thậm chí trong vòng vài tháng tới mà họ chưa kịp cải thiện năng lực thì kết quả thi IELTS sẽ gần như nhau, tức bài thi của IELTS có sự đồng đều.

Rào cản thứ hai là từ quy trình chấm thi. Cán bộ chấm thi của VSTEP hoàn toàn là giáo viên ở Việt Nam. Trong khi đó, IELTS lại là người bản ngữ từ các quốc gia nói tiếng Anh nên tính khách quan sẽ cao hơn.

Ngoài ra, đối với IELTS, đơn vị chỉ phụ trách tổ chức thi và đào tạo tiếng. Còn các trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy thác tổ chức kỳ thi VSTEP còn phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác.

Muốn tăng sức hút của chứng chỉ VSTEP, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh cần một quá trình dài, phụ thuộc vào chất lượng của kỳ thi VSTEP. Nếu chất lượng của kỳ thi được nâng cao, một ngày nào đó chứng chỉ này được quốc tế chấp nhận, VSTEP sẽ trở nên phổ biến hơn, có khả năng thay thế IELTS.