Học IELTS là lãng phí?
Một luồng ý kiến dư luận xã hội cho rằng, hiện nay học sinh đổ xô đi học IELTS là lãng phí. Tuy nhiên, không có cơ sở thực tiễn nào khẳng định học IELTS là lãng phí cả.
So sánh chứng chỉ IELTS và Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng học sinh đổ xô đi học IELTS là lãng phí, Tiến sĩ C.M.H., giảng viên một trường đại học nêu ý kiến: "Con tôi và rất nhiều học sinh giỏi được các nước Âu, Mỹ cấp học bổng tiền tỉ đi du học, làm tiến sĩ, sau tiến sĩ, nhờ có chứng chỉ IELTS cũng là lãng phí?
Nếu nói lãng phí nhân tài, tức chảy máu chất xám, thì còn nghe được, chứ lãng phí tiền bạc của Nhà nước và nhân dân thì không đúng. Nếu những học sinh này lấy chứng chỉ IELTS mà một chữ tiếng Anh bẻ làm đôi không biết thì quốc gia nào cấp học bổng du học cho tốn tiền ngân sách của họ?".
Bàn thêm về việc học tiếng Anh của học sinh, sinh viên nước ta, Tiến sĩ C.M.H. nói rằng, Đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động từ 2008, bắt học sinh, sinh viên, giáo viên toàn quốc học và thi tiếng Anh với cái gọi là "chuẩn Châu Âu", sau điều chỉnh thành "Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam".
"Đến năm 2017 báo cáo đã hoàn thành 80%, nhưng thực chất, trong 80% đó liệu có bao nhiêu người đọc thông viết thạo tiếng Anh? Tuy vậy, Đề án này vẫn kéo dài thêm giai đoạn 2017-2025. Số tiền chi cho đề án từ 10.000 tỉ tăng thêm không biết bao nhiêu ngàn tỉ nữa, nhưng đến nay thì sách giáo khoa của đề án vẫn chẳng thấy đâu!", Tiến sĩ C.M.H. phân tích.
Nhiều thí sinh trúng tuyển đại học nhờ chứng chỉ IELTS
Theo thống kê, năm 2017, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tiên phong sử dụng IELTS, TOEFL để xét tuyển. Sau đó Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng lần lượt sử dụng phương thức xét tuyển này.
Từ năm 2020, hàng loạt trường đại học khối kỹ thuật, kinh tế, y dược và công an cũng cộng điểm ưu tiên hoặc xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Hiện có trên 40 trường, trong đó có nhiều trường đại lớn, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tuyển sinh, phổ biến là IELTS và TOEFL.
Tuy vậy, năm nay, đa số các trường đại học áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp, không tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL. Nhiều trường chỉ coi các chứng chỉ này là điểm điều kiện hoặc có mức quy đổi khác nhau để tính điểm xét tuyển. Việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thuộc quyền của các trường do được tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc dùng IELTS thay điểm thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc dùng IELTS thay điểm thi là thông tin được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Hội nghị tổng kết, triển khai năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra với các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo lãnh đạo này, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngoại ngữ. "Chắc chắn thông tư sắp tới của Bộ sẽ bàn thêm cái này", đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin.
Về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc dùng IELTS thay điểm thi, nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh nêu ý kiến trên diễn đàn giáo dục là họ hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Bởi vì, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thay cho điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là không công bằng cho những học sinh nhà nghèo, vùng quê không có điều kiện thi chứng chỉ IELTS.
"Với những học sinh ở nông thôn, vùng núi không có điều kiện thì dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học là không công bằng. Hơn nữa, thật lòng mà nói, nhiều bạn ngoại ngữ giỏi nhưng các môn khác lại học bình thường, thậm chí còn kém nữa là khác. Theo tôi chứng chỉ ngoại ngữ chỉ dùng để xét tuyển vào các trường ngoại ngữ, hoặc một số ngành thì chấp nhận được", một học sinh nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, một phụ huynh học sinh bày tỏ, tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ để giao tiếp, dĩ nhiên khi bạn thông thạo ngôn ngữ chung sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn sau này. Bạn chỉ cần giao tiếp ở mức độ cơ bản và sau này có thể trau dồi thêm bất cứ khi nào. Nhưng các lĩnh vực về toán, khoa học... là những môn học mở ra những nghiên cứu, những phát minh cho đất nước thì không thể nay không học đợi mai mới học được. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn nhận lại, không nên coi tiếng Anh là một sự ưu tiên lớn như vậy".
Đáng chú ý, một giáo viên có góc nhìn khác về việc dạy, học ngoại ngữ như sau: "Tại sao chương trình và sách giáo khoa của Nhà nước không chuyển thành chương trình bám sát hoặc tương đương IELTS? IELTS là chương trình đã được quốc tế chuẩn hóa, tại sao ta không đưa nó thành chương trình phổ thông, đào tạo giáo viên dạy IELTS giống như dạy tất cả các môn khác tại các trường công lập.
Hiện nay học sinh phải học IELTS như một lựa chọn riêng với mức phí cao ngất ngưởng là phi lý. Với mức phí 300.000 đồng/2giờ, lớp có 15 bạn thì giáo viên dạy 1 buổi sáng 4 tiếng sẽ thu được 9 triệu đồng, đây là mức quá cao so với tất cả các loại học phí cao khác.
Mức học phí cao chót vót là thế nhưng học sinh không được học trực tiếp với giáo viên bản ngữ từ các nước như Anh, Mỹ, Úc, Canada mà phần lớn cũng chỉ là giáo viên Việt Nam hay giáo viên không coi tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Việc khuyến khích học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế là hướng đi không thể đảo ngược nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại sao cho hợp lý và khoa học".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google