Sẽ có thuốc "siêu mạnh" điều trị sốt xuất huyết trong 6 tiếng

Lan Dương
06:00 - 16/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dự kiến, thử nghiệm lâm sàng về các loại thuốc "siêu mạnh" điều trị sốt xuất huyết trong 6 tiếng có thể bắt đầu trong 18-24 tháng tới.

Thử nghiệm thuốc "siêu mạnh" trị sốt xuất huyết

Theo Channel News Asia (CNA), năm 2012, Phó Giáo sư Paul MacAry và những người đồng nghiệp tại Chương trình Nghiên cứu Miễn dịch thuộc Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore đã phân lập được kháng thể của một người sau khi sàng lọc hàng trăm triệu kháng thể lấy từ những cá nhân đã khỏi bệnh sốt xuất huyết loại 1.

"Chúng tôi đã chứng kiến một trường hợp ngoại lệ, loại kháng thể này dường như có khả năng tiêu diệt virus trong vòng vài giờ", nhà nghiên cứu Paul MacAry cho hay.

Sẽ có thuốc "siêu mạnh" điều trị sốt xuất huyết trong 6 tiếng - Ảnh 1.

Phó Giáo sư Paul MacAry. Ảnh: channelnewsasia

Trong suốt 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân lập được kháng thể đối với cả bốn loại huyết thanh sốt xuất huyết, chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng 4 loại thuốc "siêu mạnh" và hiệu quả.

"Chúng tôi đang trong quá trình gây quỹ để hỗ trợ quá trình thử nghiệm lâm sàng", Phó Giáo sư Paul MacAry cho biết thêm. Đợt thử nghiệm đầu tiên đối với huyết thanh loại 1 sẽ bắt đầu sau 18 đến 24 tháng.

Các nhà nghiên cứu hy vọng nếu như loại thuốc này được thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian virus tồn tại trong cơ thể người bệnh, việc lây nhiễm virus gây sốt xuất huyết sang cho các thành viên khác trong gia đình sẽ bị ngăn chặn vì muỗi Aedes aegypti không mang theo mầm bệnh.

Sẽ có thuốc "siêu mạnh" điều trị sốt xuất huyết trong 6 tiếng - Ảnh 2.

Một lọ chứa tế bào con người được sử dụng để sản xuất kháng thể. Ảnh: channelnewsasia

Liệu pháp hiệu quả nhất cho bệnh sốt xuất huyết

Theo Phó Giáo sư Paul MacAry, loại thuốc mà nhóm của ông đang nghiên cứu sẽ là liệu pháp hiệu quả nhất cho bệnh sốt xuất huyết. Hiện đối với căn bệnh này, trên thế giới vẫn chưa có liệu pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Các bệnh nhân có thể được truyền nước muối để thay cho phần nước bị mất trong cơ thể hay uống paracetamol để làm giảm cơn đau đầu, song bệnh nhân phải chờ hệ miễn dịch của cơ thể tự sản sinh kháng thể đối phó với virus. Quá trình này có thể mất tới 2 tuần.

"Những gì chúng tôi đang nỗ lực làm là ngăn chặn diễn biến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Thuốc của chúng tôi được thiết kế để đưa vào máu của bệnh nhân nhiễm bệnh, nó sẽ tiếp xúc với virus và tiêu diệt mầm bệnh trong vòng 6 giờ đồng hồ", Phó Giáo sư Paul MacAiry lý giải.

Sẽ có thuốc "siêu mạnh" điều trị sốt xuất huyết trong 6 tiếng - Ảnh 3.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần

trong vòng 50 năm qua. Ảnh: channelnewsasia

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Có thể dùng thuốc thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau khớp. Tuy nhiên, không dùng aspirin hoặc ibuprofen bởi vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Người đã bị nhiễm virus Dengue có thể lây truyền bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện (trong khoảng 4-5 ngày; tối đa 12 ngày). Để phòng lây truyền bệnh, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp như nằm màn tẩm hóa chất, đặc biệt là trong giai đoạn bệnh nhân bị sốt.

Nhiễm bệnh từ một típ virus sẽ có tác dụng bảo vệ suốt đời chỉ riêng với chủng đó. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể bị nhiễm các típ virus khác và tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng.

Khi xuất hiện các dấu hiệu sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sỹ và nhanh chóng nhập viện để điều trị. Khi được chăm sóc y khoa đúng cách và phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue thấp dưới 1%. Nhìn chung khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ cảm thấy rất mệt và khó chịu.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng. Tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua.

Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.

Cách tốt nhất để không bị sốt xuất huyết Dengue là bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt. Có thể phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo che kín tay chân và bôi thuốc chống muỗi (chứa DEET, IR3535 hoặc Icaridin). Đây là biện pháp đơn giản và phù hợp nhất.

Lắp tấm lưới chắn muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào và bật điều hòa cũng làm giảm nguy cơ muỗi xâm nhập vào trong nhà. Ngủ trong màn (mùng) (và hoặc màn/mùng tẩm hóa chất) kể cả ban ngày cũng là hàng rào bảo vệ bổ sung và cũng là biện pháp bảo vệ trước loài muỗi khác thường hoạt động vào ban đêm (muỗi gây sốt rét). Dùng các biện pháp bảo vệ khác trong nhà để xua và diệt muỗi như phun thuốc diệt muỗi, đốt nhang/hương trừ muỗi hoặc các loại thuốc/tinh dầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Nguồn: Channel News Asia, WHO