WHO: Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Lan Dương
11:48 - 06/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Bài học này cũng cần được phát huy, chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.

WHO: Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 1.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Theo VGP, tại buổi tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5/10/2022, đánh giá về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Nhìn chung, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc quản lý đại dịch. Ngay từ khi COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã có các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng thực sự mạnh mẽ để ứng phó với đại dịch. 

Tiến sĩ Angela Pratt dẫn chứng cụ thể như: Năng lực tốt trong phát hiện sớm và ứng phó với mỗi trường hợp mắc COVID-19 và cụm; các biện pháp kiểm soát biên giới mạnh mẽ và hạn chế tiếp xúc xã hội đã ngăn chặn sự lây truyền của virus; tuân thủ tốt các hành vi bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang; việc chăm sóc sức khỏe được thực hiện kịp thời. Tất cả các biện pháp này đều giữ cho số ca mắc và tử vong sớm trong đại dịch ở mức thấp.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết thêm: Khi có vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai tiêm vaccine và đạt được độ bao phủ dân số cao. Hơn 260 triệu liều vaccine đã được tiêm, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

Vào thời điểm này năm 2021, chỉ có 16% dân số Việt Nam được tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19 nhưng con số này ở hiện tại là hơn 85%. Tất cả những kết quả đáng ghi nhận này nhờ vào sự lãnh đạo và cam kết của Chính phủ. Việt Nam đã có các chính sách và hướng dẫn kịp thời, phù hợp, bao gồm cả Nghị quyết 128.

Cùng với đó là sự nỗ lực và hy sinh của cả cộng đồng, kể cả trong thời kỳ giãn cách thực sự khó khăn. Việt Nam đã kiên định với các biện pháp và thực thi hiệu quả những chính sách đó.

"Một yếu tố quan trọng khác là sự không mệt mỏi của ngành y tế. Được sự hỗ trợ của các ngành, họ làm việc không ngày nghỉ, suốt ngày đêm. Tôi đặc biệt muốn ghi nhận những nỗ lực và cam kết của các nhân viên y tế. Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Bài học này cũng cần được phát huy, chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai", Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh.

WHO: Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 2.

Tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" gồm có: Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: VGP

Tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 đạt mức cao

Cũng tại buổi tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định", nói về nền tảng cơ bản để Việt Nam thực hiện mở cửa an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là việc kiểm soát dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Việt Nam thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đến nay dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Xác định vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định và biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt: Bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất với phương châm "vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất".

Nhiều biện pháp để thúc đẩy tiếp cận, bao phủ vaccine đã được triển khai khoa học, đồng bộ, hiệu quả trên mọi phương diện: Từ thành lập Quỹ vaccine huy động nguồn lực từ ngoại giao vaccine đến tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc, lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vaccine.

"Chúng ta đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại cộng đồng, các địa điểm công cộng, trường học, thậm chí tổ chức đến từng hộ gia đình nhằm đảm bảo mọi người dân đều được tiêm chủng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

WHO: Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam - Ảnh 4.

Ngày 5/10, Việt Nam có 1.194 ca mắc COVID-19 mới, tiếp tục tăng so với ngày 4/10. Ảnh: Bộ Y tế

Ngày 5/10, Việt Nam có thêm gần 1.200 ca COVID-19 mới

Theo bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 5/10/2022 của Bộ Y tế: Trong ngày 5/10, Việt Nam có 1.194 ca mắc COVID-19 mới, tiếp tục tăng so với ngày 4/10 và nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam từ đầu dịch đến nay là 11.483.529 ca nhiễm. 

Việt Nam đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ về tổng số ca mắc COVID-19, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có115.631ca nhiễm).

Trong ngày 5/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 858 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi COVID-19 ở Việt Nam là 10.594.844 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 75 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 64ca, Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca, Thở máy không xâm lấn: 0 ca, Thở máy xâm lấn: 8 ca, ECMO: 0 ca.

Ngày 4/10, Việt Nam không ghi nhận trường hợp nào tử vong do COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.151ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Cũng trong ngày 4/10, có 3.740 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm ở nước ta tính đến nay là 260.231.967 liều. Trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 220.514.135 liều: Mũi 1 là 71.065.920 liều; Mũi 2 là 68.656.077 liều; Mũi bổ sung là 14.539.781 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 50.835.204 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 15.417.153 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 22.976.997 liều: Mũi 1 là 9.107.378 liều; Mũi 2 là 8.852.289 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.017.330 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.740.835 liều: Mũi 1 là 9.867.273 liều; Mũi 2 là 6.873.562 liều.