Cảnh báo dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng mạnh

Sơn Trần
14:44 - 25/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 8.000 ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 5 ca tử vong, đặc biệt số ca mới xuất hiện tại khắp các quận, huyện. Các chuyên gia y tế cho rằng, đỉnh dịch có thể rơi vào 2 tháng tới.

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng mạnh - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội, chỉ trong khoảng 1 tuần (14-21/10), số ca sốt xuất huyết mới ghi nhận trên địa bàn tăng mạnh với 1.420 bệnh nhân, tăng 386 ca so với tuần trước đó và có thêm 38 ổ dịch sốt xuất huyết mới. Bệnh nhân tập trung chủ yếu tại các quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Đống Đa...

Theo các chuyên gia y tế, với chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn; dự báo trong 2 tháng tới tại miền Bắc (tháng 11, 12), dịch sốt xuất huyết có thể lên đến đỉnh điểm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 5 ca tử vong; có 720 ổ dịch sốt xuất huyết đã được báo cáo, hiện còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.

Trước đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết với những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Công văn số 2427/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan để hướng dẫn và kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác; chủ động đánh giá nguy cơ, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn.

Đồng thời, các đơn vị trực thuộc ngành y tế điều tra, xử lý kịp thời triệt để các ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch lan rộng, kéo dài.

Ngành y tế tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; xây dựng kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, ngành y tế hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi chống dịch tại ổ dịch và phòng dịch tại khu vực có nguy cơ cao; thường xuyên cập nhật, tập huấn kiến thức về phòng, chống và điều trị dịch, bệnh tại tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…

Mỗi người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.