Sản xuất nông nghiệp và biến đổi khí hậu - Vòng tuần hoàn luẩn quẩn

Anh Thư
14:18 - 06/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đối mặt với nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng và sự thiếu hụt tài nguyên để đáp ứng, việc sản xuất và tiêu thụ lương thực cần được thế giới nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn, trong mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp, năng lượng, nguồn nước và an ninh lương thực.

Nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến tính chất các mùa, tác động đến sự phát triển của cây trồng, năng suất cây trồng, khiến cho người nông dân khó có thể tiếp tục trồng trọt, sản xuất theo cách truyền thống. 

An ninh lương thực đang bị thách thức bởi hạn hán, nhiệt độ trái đất nóng lên, lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn.

Đã đến lúc cần nhìn nhận sản xuất nông nghiệp trong một bối cảnh rộng lớn hơn, bao trùm hơn - Ảnh 1.

An ninh lương thực đang bị thách thức bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: tehrantimes.com

Theo một nghiên cứu về các hiện tượng khí hậu vào mùa xuân cùng sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa được công bố trên Tạp chí Khí tượng sinh học quốc tế, tại châu Âu, trong giai đoạn 2000 - 2016, cứ mỗi năm, mùa xuân lại đến sớm hơn khoảng 0,3 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc, thời gian để thu hoạch mùa vụ cũng đến sớm hơn. Vì thế, nhiều loại cây trồng lại không có đủ thời gian để hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời như trước đây nên phát triển hạn chế và cho năng suất thu hoạch thấp hơn.

Nông dân tuy có thể lựa chọn trồng thêm một vụ mùa nữa trong năm, nhưng kèm theo đó cũng là gấp đôi chi phí và điều kiện sản xuất, đặc biệt là nước tưới, trong khi nước ngọt là nguồn tài nguyên đang ngày càng trở nên khan hiếm.

Theo ông Christian Huyghe, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường của Pháp (INRAE), mặc dù tổng lượng nước do mưa tại châu Âu vẫn nhiều như trước đây. Nhưng số lượng các cơn mưa tăng lên, trong khi lượng tuyết tích tụ trên các dãy núi như Alps lại giảm. Nói cách khác, vòng tuần hoàn của nước diễn ra nhanh hơn và nông dân không có nước dự trữ từ trên núi khi mùa khô tới.

Nhưng sản xuất nông nghiệp lại dẫn đến biến đổi khí hậu

Sản xuất nông nghiệp vừa chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng tác động vào môi trường, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Do đó, thế giới cần nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và điều chỉnh hệ thống sản xuất này để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đã đến lúc cần nhìn nhận sản xuất nông nghiệp trong một bối cảnh rộng lớn hơn, bao trùm hơn - Ảnh 2.

Dự báo lượng mưa đến năm 2090, theo các kịch bản biến đổi khí hậu RCP 8.5 và RCP 4.5, các trận mưa lớn và lũ lụt sẽ trở nên phổ biến hơn. Nguồn: Báo cáo của Cục bảo vệ môi trường Mỹ

Trước khi được phục vụ trên mâm cơm của mỗi gia đình, thực phẩm đã trải qua các giai đoạn từ sản xuất, lưu trữ, chế biến, cho đến đóng gói, vận chuyển, chuẩn bị và phục vụ. Mỗi giai đoạn đều ít nhiều tạo ra khí nhà kính. 

Đặc biệt, hoạt động nông nghiệp thải ra một lượng đáng kể khí metan và nito oxit. Đây là hai loại khí gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh. 

Khí metan có thể được tạo ra từ quá trình lên men, từ các loại chất thải hữu cơ. Trong khi, nito oxit lại là một sản phẩm gián tiếp của phân bón nito hữu cơ và khoáng.

Báo cáo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2021
Hệ thống lương thực toàn cầu của chúng ta là nguyên nhân chính dẫn đến mất đa dạng sinh học.

Ngoài ra, theo một báo cáo vào năm 2021 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hệ thống lương thực toàn cầu của chúng ta là mối đe dọa đối với 86% các loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến mất đa dạng sinh học. 

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, việc toàn cầu thúc đẩy sản xuất thực phẩm với chi phí thấp hơn trong vài thập kỷ qua khiến cho ngành nông nghiệp thải ra tới khoảng 30% trong tổng lượng khí thải toàn cầu.

Vòng tuần hoàn luẩn quẩn

Có một thực tế là việc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thâm canh, tăng vụ, sử dụng thuốc trừ sâu và các loại phân bón đã góp phần làm tăng năng suất vật nuôi, cây trồng, góp phần quan trọng vào giảm tỉ lệ người dân đói, nghèo, bảo đảm an ninh lương thực. 

Tuy nhiên, việc quá lạm dụng các biện pháp này khiến môi trường, hệ sinh thái bị tổn hại, đất bị bạc màu, suy kiệt dinh dưỡng, đa dạng sinh học bị tổn thương. 

Không chỉ vậy, sức khoẻ con người cũng bị ảnh hưởng do an toàn thực phẩm không được bảo đảm. 

Thêm nữa, thực phẩm rẻ đôi khi cũng khiến con người quên đi ý thức tiết kiệm.

Có thể nói đây là vòng lẩn quẩn mà thế giới đang phải đối mặt: Tăng sản xuất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, giảm tỉ lệ đói nghèo, nhưng lại gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Từ đó, sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực lại bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận sản xuất lương thực trong một bối cảnh rộng lớn hơn, bao trùm hơn, không chỉ là trồng cây gì, sử dụng đất như thế nào, mà là làm sao để kết hợp và tận dụng hiệu quả tất cả các nguồn lực sẵn có, trong đó có cả nguồn nước ngọt và năng lượng.

Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp cũng cần được nhanh chóng giải quyết để phục hồi môi trường sống và hệ sinh thái. 

Việc toàn cầu thúc đẩy sản xuất thực phẩm rẻ hơn trong vài thập kỷ qua đã khiến ngành nông nghiệp phải chịu trách nhiệm cho khoảng 30% lượng khí thải do con người tạo ra.
Báo cáo năm 2021 của UNEP

Euronews cho biết, trong một nỗ lực hạn chế các loại hóa chất gây hại này, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc thông qua luật bảo vệ sinh thái, yêu cầu các quốc gia thành viên EU phải giảm 50% lượng thuốc trừ sâu, phục hồi chất lượng cho 20% diện tích đất vào năm 2030 và tất cả hệ sinh thái bị suy thoái trong khu vực vào năm 2050.

Thêm vào đó, để cải thiện khả năng phục hồi hệ thống sản xuất lương thực, cần trồng nhiều loại cây đa dạng hơn, đồng thời trả lại tối đa diện tích đất cho tự nhiên để khôi phục đa dạng sinh học. Việc phụ thuộc quá nhiều vào chỉ một số ít các loại cây trồng khiến chúng dễ bị sâu bệnh, dễ bị suy yếu, và làm giảm độ phì nhiêu của đất. 

Theo một báo cáo của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO), trong số 6.000 loài thực vật khác nhau được sử dụng làm thực phẩm, chỉ riêng 9 loại chủ đạo như lúa mì, gạo, ngô, đã chiếm đến 66% tổng sản lượng trồng trọt. 

Các hành vi tiêu dùng lương thực, thực phẩm cũng rất cần được nhận thức lại và thay đổi, tránh sự lãng phí theo kiểu "nơi ăn không hết, chỗ lần không ra".