Người dân ở Tây Australia gieo hạt cây bản địa để lấy tín chỉ carbon và phục hồi đất

Trúc Phong
00:20 - 02/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhu cầu tín chỉ carbon của các công ty khai thác cùng với việc triển khai các dự án phục hồi đất của nông dân đã làm "nóng" thị trường giống cây bản địa tại Australia. Việc cung cấp giống cây bản địa đang được triển khai trên quy mô lớn với đa dạng các giống cây bản địa.

Australia: "Nóng" thị trường giống cây bản địa    - Ảnh 1.

Cây cối được trồng trong trang trại của Oral McGuire. Ảnh: ABC Great Southern: Angus Mackintosh

Hạt giống cây bản địa: Cung không đủ cầu

Tại Australia, nhu cầu tín chỉ carbon của các công ty khai thác cùng với việc triển khai các dự án phục hồi đất của nông dân đã làm bùng nổ thị trường giống cây bản địa.

Cây bản địa là những loài cây phát triển và phân bố tự nhiên tại địa phương, bao gồm những loài cây nhập nội nhưng đã sống, thích nghi, và hòa nhập vào hệ sinh thái địa phương một thời gian dài. Cây bản địa có đặc điểm sinh trưởng mạnh mẽ và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên có khả năng chống chọi tốt với các loại thời tiết ở địa phương đó cũng như dễ dàng sinh trưởng phát triển.

Để tích tín chỉ carbon, nhiều chủ đất đã bắt đầu trồng cây bù đắp lượng khí thải và thu lợi từ việc trồng cây trong trang trại của mình.

Tín chỉ carbon (carbon credit) là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương các khí nhà kính khác. Tín chỉ carbon được thiết lập để làm giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới. Các quốc gia hoặc doanh nghiệp có thể mua bán tín chỉ carbon để thu tiền hoặc tránh bị phạt.

Bài viết "Nông dân thổ dân ở Tây Úc gieo hạt để lấy tín chỉ carbon và phục hồi đất" đăng trên ABC News cho biết: ở Beverley, phía đông nam của Perth (Australia), để đáp ứng nhu cầu hạt giống cây bản địa, người dân sử dụng kết hợp các phương pháp quản lý đất tái sinh và truyền thống.

Ông Oral McGuire - Giám đốc của Noongar Land Enterprise (NLE) Group, cho biết, trong 14 năm qua ông đã trồng cây trong vườn ươm Beverley của mình và thuê những người dân địa phương thu hoạch hạt giống. Ông nói: "hiện nay khả năng cung cấp giống cây bản địa chỉ đáp ứng 50% nhu cầu". Cung không đủ cầu khiến việc bù đắp carbon và thực hiện các dự án phục hồi đất khó đạt được mục tiêu đề ra. Với nhu cầu lớn như hiện nay, "những người thổ dân trồng cây lấy hạt giống ngay trên vùng đất quê hương mình nên không chỉ tham gia mà còn dẫn dắt ngành công nghiệp phục hồi đất này".

Nhận thấy nhu cầu rất lớn về hạt giống cây bản địa, NLE hiện đang lên kế hoạch tăng gấp ba lần sản lượng của vườn ươm.

Giám đốc sản xuất David Collins cho biết: "Năm nay chúng tôi đã trồng một triệu hạt giống cây bản địa và chúng tôi đang tìm cách nâng con số đó lên ít nhất hai triệu rưỡi, ba triệu". Sau khi phát triển thành cây con, những cây này được bán và trồng ở những nơi khác trong vùng Wheatbelt của Tây Australia.

Cùng với việc mở rộng vườn ươm hiện có, Giám đốc điều hành Alan Beattie cho biết sẽ thành lập thêm nhiều vườn ươm cây trên khắp vùng Noongar, trải dài hơn 1.000 km từ Geraldton đến vùng Esperance, hình thành nên chuỗi cung ứng: thu thập hạt giống, nhân giống, trồng và chăm sóc cây. Vận hành chuỗi cung ứng này sẽ mang lại cơ hội việc làm đáng kể cho người thổ dân trên khắp vùng Noongar.

Đa dạng các giống cây bản địa cho các vùng đất khác nhau

Việc cung cấp giống cây bản địa đang được triển khai trên quy mô lớn với đa dạng các giống cây bản địa. Các vườn ươm mới được hình thành thay vì chỉ mở rộng các vườn ươm hiện có sẽ giúp ươm trồng được nhiều loài cây bản địa để cung cấp cho các vùng khí hậu khác nhau với các hệ thống sinh thái khác nhau.

Năm 2020, nhà nghiên cứu Nola Hancock của Đại học Macquarie, đồng tác giả của một báo cáo về nguồn cung cấp hạt giống cây bản địa tại Australia, cho biết hạt giống của các loại cây dại không đủ cho các dự án phục hồi đất. Vì thế, việc gieo trồng nhiều loại hạt giống hơn từ các vùng khác nhau sẽ giúp giảm gánh nặng khai thác tự nhiên và thúc đẩy sự đa dạng di truyền của cây.

Bà Hancock nói: nếu hạt giống cây không đa dạng về mặt di truyền, nó sẽ dễ bị thoái hoá. Các loại cây bản địa này cần phải sẵn sàng chịu đựng được những thay đổi do biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.

Trong các giải pháp để con người thích ứng với biến đổi khí hậu, không làm tổn hại đến tự nhiên thì việc vận dụng tri thức bản địa kết hợp với tri thức khoa học hiện đại đang ngày càng được quan tâm. Trồng cây bản địa không chỉ để tích tín chỉ carbon, mà sâu xa hơn nó góp phần quan trọng vào việc khôi phục rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đất trong dài hạn.