Rối loạn phân ly - chứng bệnh tâm thần có căn nguyên tâm lý

Bác sĩ Bình Nguyên
06:00 - 25/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 27/11, đoàn công tác Sở Y tế Cao Bằng đến kiểm tra sức khỏe học sinh điểm trường Nà Rại, thuộc trường tiểu học Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Nguyên do là 21h ngày 24/11, Sở Y tế nhận được báo cáo, một số học sinh ở điểm trường bỗng nhiên có nhiều biểu hiện bất thường.

Nhiều em ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời hoặc kích động, đánh bạn... Khi các biểu hiện này biến mất, các em ngủ lịm khoảng 10 - 20 phút rồi tỉnh, giao tiếp bình thường. 

Qua báo cáo của điểm trường và các thầy cô, hiện tượng này đã xảy ra từ khoảng tháng 4. Ban đầu chỉ có ở 2 học sinh và khoảng 3 - 5 ngày tái diễn một lần, mỗi cơn dài chừng 3 - 5 phút, sau tăng dần lên 10 - 30 phút. Cơn thường phát sinh vào buổi sáng, lúc đông các bạn. Các cơn bất thường này như có hiệu ứng "dây truyền" nên càng về sau số em biểu hiện bất thường tăng lên và số cơn xuất hiện dày hơn. Đã có 2 em nam, 16 em nữ biểu hiện như vậy. Có 5 em phát 4 - 5 cơn kích động trong ngày, mỗi cơn dài khoảng 20 - 30 phút; các em còn lại khoảng 3 - 5 ngày mới tái phát một lần nhưng không phải cơn kích động. 

Ngoài cơn các em hoàn toàn bình thường, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, tim nhịp đều, rõ, thông khí phổi tốt... Các phụ huynh nói ở nhà không thấy em nào có biểu hiện này. Khi được thăm khám, các em có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, không thể trả lời về biểu hiện đã diễn ra. Sau khi bác sĩ chuyên khoa Tâm thần áp dụng một vài liệu pháp tâm lý cơ bản tại chỗ, hầu hết trẻ trở lại bình thường, về lớp học. 

Đoàn công tác kết luận các em học sinh điểm trường Nà Rại mắc chứng Rối loạn phân ly tập thể.

Thế nào là rối loạn phân ly?

Hypocrates (khoảng 460 - 370TCN), ông Tổ y học đã mô tả đầy đủ các triệu chứng bệnh. Platon (khoảng 428/423 - 348/347), triết gia Hy Lạp thấy bệnh xuất hiện chỉ ở phụ nữ nên cho rằng vì tử cung "di chuyển" qua não gây ra bệnh, nên đặt tên là "Hysteria" - tiếng Hy Lạp là tử cung. Thế kỷ XVII, bác sĩ người Pháp, Charles Le Pois (1563 - 1633) khẳng định bệnh xuất phát từ não và đưa ra bằng chứng nam giới mắc bệnh này, tuy ít hơn nữ. 

Đến Phân loại bệnh tâm thần quốc tế lần thứ 10, 1992, Thế giới thống nhất gọi tên bệnh là Rối loạn phân ly, nghĩa là các mặt hoạt động tâm thần bị phân ly, không thống nhất như bình thường. 

Triệu chứng bệnh rất phong phú với đặc trưng là khởi phát và kết thúc đều đột ngột, diễn ra trong thời gian ngắn (hiếm khi dài) và khi ra khỏi cơn các bộ phận, giác quan "bị bệnh" lại hoàn toàn bình thường, vì thế gọi là bệnh "giả vờ". Bao gồm quên phân ly (quên một phần hay hoàn toàn sự kiện gây stress vừa xảy ra); trốn nhà phân ly; sững sờ phân ly (bất động); các rối loạn vận động phân ly: mất vận động, phối hợp động tác các mức độ (không, đứng, đi được, loạn động, liệt - và đây chính là nguyên nhân ngất xỉu) ở một hay nhiều chi; co giật phân ly (hay co giật giả động kinh: giãy giụa là chính, không có các giai đoạn co giật như cơn động kinh; không tiểu tiện trong cơn; không cắn lưỡi; ngã chỗ sạch, không nguy hiểm. Trong khi người động kinh tiểu tiện trong cơn, cắn lưỡi, ngã bất kỳ nơi nào, sau cơn người động kinh không nhớ những gì xảy ra ngay trước và trong cơn, người rối loạn phân ly biết và nhớ những gì xảy ra trước và trong cơn); tê và mất giác quan phân ly: mù, điếc, câm hay nói khó, nói lắp, mất vị giác, khứu giác, mất cảm giác da hay tê bì, cơn co thắt ruột (đau bụng), cơn nôn, cơn nấc, cơn khó thở, cơn mệt lả, thường kèm theo tê bì hoặc mất cảm giác da; lại có cả cơn ngủ mà trong cơn, người bệnh thỉnh thoảng lại thở dài, thổn thức hoặc khóc, cười... 

Những rối loạn hành vi thường thấy là tự nhiên vùng chạy, leo trèo, gào thét, nói linh tinh, khóc, cười, nhảy nhót, có khi tấn công xung quanh; có khi là các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập, rối loạn giấc ngủ, chán ăn… 

Triệu chứng bệnh càng "tăng nặng" khi được người khác quan tâm, dỗ dành vì đó là "cách" bệnh nhân gây chú ý để được quan tâm hơn. Đôi khi có thể có ý tưởng tự sát nên cần phải đề phòng… Về bản chất rối loạn phân ly không hề có tổn thương mô não hoặc những mô ngoài não mà là sự phản ứng của các nét nhân cách bệnh lý. Rối loạn phân ly thường thấy ở người trưởng thành, nhưng có thể phát ở thanh, thiếu niên và trẻ em với tỷ lệ 0,3 - 0,5% dân số, nữ mắc gấp nhiều lần nam.

Xưa Hypocrates chia ra 4 loại khí chất ở người gồm nóng nảy, bình thản, ưu tư, u sầu. Ngày nay Tâm thần học chia 4 khí chất này thành 36 loại nhỏ và gọi là loại hình thần kinh (hiểu đơn giản là tính cách), ví dụ có tính cách mạnh, thăng bằng, linh hoạt, khác với mạnh, không thăng bằng, không linh hoạt…; có tính cách thiên về cảm xúc, ngược với loại thiên về lý chí… 

Tâm thần học thống nhất quan điểm: Rối loạn phân ly (tên cũ: bệnh tâm căn - bệnh tâm thần có căn nguyên tâm lý - Hysteria) phát sinh ở những người có loại hình thần kinh yếu, không thăng bằng, không linh hoạt. Ngoại trừ một số rất ít trường hợp mắc Hysteria có nguyên nhân sinh học là thiếu sót ở não thì hầu hết não của những người này đều bình thường và nhân cách yếu được hình thành từ thời thơ ấu do yếu tố giáo dục, môi trường sống. Những đứa trẻ này thường được chiều chuộng quá mức, chúng muốn gì được nấy nên hình thành tính vị kỷ cao. Cảm giác của chúng rất nhạy, đặc biệt là các giác quan, nhưng tư duy thường nông cạn, thiên về cụ thể, hình tượng. Hay nói về bản thân mình, trong khi trí tưởng tượng lại phong phú nên thường bịa đặt để câu chuyện của mình thêm ly kỳ.  Lớn dần lên, nhân cách này càng trở nên đậm nét. Vì thế nếu đòi hỏi không được đáp ứng sẽ phát sinh những phản ứng tức giận quá mức, thất vọng nặng nề hay lo sợ cao độ... Hoặc gặp phải sang chấn tâm lý do buộc phải thay đổi môi trường sống, cảm thấy gò bó trong khuôn khổ chật hẹp, khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng… sẽ làm bùng phát các triệu chứng Hysteria. 

Tuy nhiên, điều kiện môi trường có thể làm phát sinh những cơn Hysteria (dù hiếm hoi) ở những người có loại hình thần kinh mạnh, thăng bằng, chẳng hạn sự gian khổ, thiếu thốn kéo dài, căng thẳng tâm thần triền miên hay những chấn thương cơ thể, như đã xảy ra với các nữ thanh niên xung phong ở Quảng Bình năm 1968. 

Hysteria tập thể (mass hysteria) là kết quả cảm ứng những nét tiêu cực của các nhân cách trong cùng một môi trường do tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Vì thế, trong một thời gian ngắn có thể lôi cuốn nhiều người trong cùng một "nhóm" vào một trạng thái bệnh lý giống nhau.

Những "đại dịch" rối loạn phân ly tập thể đáng sợ

Lịch sử ghi nhận những "dịch" phân ly tập thể được cho là những đại dịch "điên rồ" nhất nhân loại đã trải qua, dù rối loạn phân ly không thuộc các bệnh loạn thần (điên theo cách gọi dân gian (không nên dùng từ này vì mang nặng miệt thị), có hoang tưởng, ảo giác hoặc thêm rối loạn hoạt động có ý chí trên nền hoang tưởng, ảo giác, rối loạn ý thức). 

Rối loạn phân ly - chứng bệnh tâm thần có căn nguyên tâm lý - Ảnh 1.

Rối loạn phân ly tập thể, ngất xỉu hàng loạt. Ảnh lư tiệu.

Thế kỷ XV, một nữ tu trong tu viện ở bang Sachsen, Đức, cắn các nữ tu khác. Không lâu sau, tất cả nữ tu trong tu viện này đều cắn nhau và cuồng cắn lan khắp các tu viện ở Sachsen, đến các tu viện ở Hà Lan, rồi Italia. Ngày 24/6/1374, dịch nhảy cuồng loạn xuất hiện ở thành phố Aachen, Đức. Tháng 7/1518, người phụ nữ tên Frau Troffea đến một ngõ nhỏ ở thành phố Strasbourg, Pháp và nhảy điên cuồng trước đám đông. Trong một tuần có 34 người cùng nhảy và Troffea chết gục sau 6 ngày nhảy liên tục không ăn, uống giữa mùa hè. Một tháng sau số người nhảy đến 400, nhảy như điên dại trên các tuyến phố, có khi liên tục đến cả tuần, hầu hết chết vì kiệt sức. Nhảy lan đến Alsace, Pháp, rồi đến Italia, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ…, kéo dài từ Thế kỷ XIV đến Thế kỷ XVII, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người (sau gọi là điệu nhảy tai họa (dancing plague), hay điệu nhảy của Thánh John). 

Tháng 2 - 5/1693, ở Sale, Massachusetts, Mỹ, xuất hiện những cô gái trẻ mất kiểm soát cảm xúc, thường xuyên la hét, nhăn nhó… Họ bị công chúng buộc tội là phù thùy đang diễn tà thuật và bị đưa ra Tòa. Cả Massachusetts và Conecticut đã hành hình 37 "phù thủy". Ước tính đến năm 1700, châu Âu có khoảng 35.000 - 100.000 "phù thủy" bị hành hình theo phán quyết của Tòa án và khoảng 200.000 "phù thủy" bị hành hạ! 

Thế kỷ XIX, trong một tu viện ở Pháp, một nữ tu đột nhiên kêu như mèo và rồi tất cả các nữ tu đều kêu tiếng mèo vào những giờ nhất định và thời lượng tương tự nhau mỗi ngày. Họ bị binh lính đánh đập và phải hứa chấm dứt vì công chúng coi mèo đồng hành với quỷ Satan. Kêu như mèo lan đến cả tu viện ở Đức. Đến dịch cười năm 1962 ở Tanzania, kéo dài 18 tháng với hơn 1.000 ca bệnh và còn không ít những mass hysteria "nổi tiếng" khác…

Từ năm 2003 đến nay đã xảy ra Rối loạn phân ly tập thể trong trường học các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Bắc Cạn, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Nghệ An; nơi ít nhất với 9 em ở trường Tiểu học Xuân Lạc, Chợ Đồn, Bắc Cạn, nhiều nhất là 232 em ở trường Trung học phổ thông Yên Thành 3, Nghệ An. Có nơi các ca Rối loạn phân ly tập thể xuất hiện ngắt quãng, rải ra trong cả tháng như một trường ở Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc từ trường này lan sang trường khác như ở Đà Nẵng.

Bệnh không có thuốc, chữa bằng liệu pháp tâm lý. Sẽ không có bệnh nếu chiều chuộng trẻ đúng mức, có kỷ luật.