Dự thảo Thông tư Quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật có nhiều ưu điểm

Phan Anh
09:14 - 12/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thay thế tên gọi lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi thành Khoa học xã hội là một trong những ưu điểm của dự thảo Quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật.

Dự thảo Thông tư Quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật có nhiều ưu điểm- Ảnh 1.

Học sinh tỉnh Đắk Lắk tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật. Ảnh: Hoàng Việt

Dự thảo Quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều ưu điểm.

Đề tài thi khoa học, kĩ thuật phải mang tính thực tiễn

Phần Mục đích, yêu cầu dự thảo Thông tư nêu rõ: "Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục STEM trong phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học".

Như thế, đề tài thi khoa học, kĩ thuật của học sinh phổ thông phải có tính thực tiễn, nghĩa là nâng cao khả năng ứng dụng, vận dụng kết quả của dự án vào việc học của trò và việc dạy của thầy nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Điều này được cụ thể hóa qua các yêu cầu của dự thảo Thông tư: 1) dự án phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông; 2) sự tự nguyện tham gia của học sinh; 3) đánh giá đúng năng lực học sinh.

Theo quy định này, hiệu trưởng, cơ quan quản lí giáo dục không được giao chỉ tiêu số lượng dự án cho giáo viên, trường học mà dựa vào sự tự nguyện tham gia của học sinh.

Thực tiễn việc tổ chức cuộc thi khoa học kĩ thuật hàng năm ở địa phương cho thấy, vẫn còn một số trường học áp chỉ tiêu cho giáo viên khiến thầy cô giáo có hiện tượng làm thay học sinh nhiều công đoạn trong dự án, thậm chí đi mua hay sao chép nội dung đề tài.

Dự thảo Thông tư phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo dự thảo Thông tư, các lĩnh vực của Hội thi gồm các lĩnh vực: Toán; Vật lí và Thiên văn; Hóa học; Sinh học; Tin học; Kĩ thuật và Công nghệ; Khoa học Trái đất và Môi trường; Khoa học xã hội.

Từ 22 lĩnh vực của Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT, dự thảo Thông tư rút xuống còn 8 lĩnh vực là phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể, sự phù hợp của 8 lĩnh vực đối với các môn học cấp trung học phổ thông: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Đáng chú ý, 1 trong 8 lĩnh vực của dự thảo Thông tư có lĩnh vực Khoa học xã hội - thay thế tên gọi Khoa học xã hội và hành vi theo Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT. Dự thảo Thông tư thay đổi tên gọi từ "Khoa học xã hội và hành vi" thành "Khoa học xã hội" là nhằm mở rộng đề tài (xã hội) và giảm tính chuyên sâu của dự án (hành vi).

Khoa học xã hội là một nhánh của khoa học được dùng để nghiên cứu và hiểu về hành vi của con người trong xã hội. Nó có vai trò quan trọng trong việc phân tích, diễn giải và dự đoán các hành vi xã hội của cá nhân và các tương tác xã hội giữa các thành viên trong một cộng đồng.

Ví dụ, nghiên cứu xã hội giúp ta hiểu về môi trường và xã hội mà chúng ta sống trong đó. Nó cung cấp cho chúng ta kiến thức về cách xã hội được tổ chức, các quy tắc và giá trị trong xã hội. Việc hiểu và nhận thức được điều này giúp ta tạo môi trường sống tốt hơn và tương tác tốt hơn với những người xung quanh.

Còn Khoa học hành vi (Behavioural sciences) là một ngành khoa học khám phá các quá trình nhận thức bên trong các sinh vật và các hành vi tương tác giữa các sinh vật trong thế giới tự nhiên. Nó liên quan đến việc phân tích và điều tra có hệ thống về hành vi của con người và động vật thông qua quan sát tự nhiên, thí nghiệm khoa học có kiểm soát và mô hình toán học. Ví dụ về khoa học hành vi bao gồm tâm lý học, tâm lý học hành vi, nhân loại học, kinh tế học và khoa học nhận thức.

Cùng với đó, dự thảo Thông tư bỏ một số lĩnh vực như "Khoa học động vật", "Sinh học tế bào và phân tử", "Y học chuyển dịch"... là hợp lí. Bởi vì, phòng thí nghiệm ở các nhà trường phổ thông chưa đáp ứng điều kiện để có thể giúp học sinh nghiên cứu về động vật hay làm các thử nghiệm lâm sàng.

Ví dụ, lĩnh vực "Khoa học động vật" chưa phù hợp với trình độ nhận thức học sinh phổ thông, vì đây là môn khoa học "nghiên cứu sinh học của các loài vật dưới sự kiểm soát của loài người".

Hay lĩnh vực "Y học chuyển dịch", tức là học các phương pháp nghiên cứu tiên tiến, bao gồm đánh giá và phân tích tổng hợp, đăng ký bệnh nhân và thử nghiệm lâm sàng, thống kê sinh học và nghiên cứu lâm sàng.

Làm đúng quy trình dự án nghiên cứu khoa học, kĩ thuật

Dự thảo Thông tư quy định "Dự án tham gia dự thi phải được cơ sở giáo dục trung học nơi học sinh đang học phê duyệt, đánh giá và được đơn vị dự thi tổ chức lựa chọn theo quy định tại Điều 12 Quy chế này" - góp phần hiện thực hóa tính thực tiễn của dự án.

Có thể thấy rằng, quy định này giúp học sinh và giáo viên hướng dẫn làm đúng quy trình khi thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.

Một dự án đủ điều kiện được triển khai khi: 1) học sinh có ý tưởng về dự án và tự nguyện tham gia hội thi; 2) được giáo viên chấp thuận hướng dẫn và chịu trách nhiệm về tính pháp lí của dự án; 3) được hiệu trưởng phê duyệt.

Hơn nữa, mỗi khi hiệu trưởng phê duyệt dự án nghĩa là tính khả thi của đề tài đã được hội đồng khoa học của nhà trường thông qua. Đây cũng là cơ sở để lãnh đạo đánh giá được mức độ phù hợp của dự án đối với trình độ học sinh (kể cả giáo viên hướng dẫn).

Cùng với đó, việc giám sát quá trình học sinh thực hiện dự án trong phạm vi nhà trường được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Một số kiến nghị về tỉ lệ xếp giải Hội thi khoa học, kỹ thuật

Dự thảo Thông tư quy định: "Tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi theo từng lĩnh vực dự thi không quá 70%. Trong đó: huy chương Vàng không quá 10%; giải huy chương Bạc không quá 20%; huy chương Đồng không quá 40%".

Điều băn khoăn, tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi theo từng lĩnh vực dự thi không quá 70% là khá cao so với các kì thi học sinh giỏi văn hóa hiện nay.

Kì thi học sinh giỏi văn hóa học sinh phổ thông thường quy định tổng số giải không vượt quá 60% số thí sinh dự thi.

Nhằm nâng cao chất lượng của các dự án Hội thi khoa học, kỹ thuật nên hạ tổng số giải không vượt quá 60% tổng số thí sinh dự thi.

Trong đó, huy chương Vàng không vượt quá 5%, huy chương Bạc không vượt quá 15% và huy chương Đồng không vượt quá 40%. Và cần có thêm quy định, dự án đạt tối thiểu 50/100 điểm thì mới đủ điều kiện xếp giải.