Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ngày 23/11 là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Chiều 23/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (86,22%), Quốc hội thống nhất thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được thông qua, di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người Việt Nam định cư ở Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người nước ngoài định cư, hoạt động ở Việt Nam; người Việt Nam định cư, hoạt động ở nước ngoài liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới cơ bản như: Quy định cụ thể nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; Quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;...
Theo Luật này, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các dân tộc thiểu số rất ít người và những di sản văn hóa có giá trị toàn cộng đồng, xã hội;
Bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích và tính nguyên gốc của di sản tư liệu;
Lồng ghép việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương...
Luật cũng nêu rõ, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc;
Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh hoặc công nhận; bảo vệ và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một giá trị văn hóa tộc người; bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử - văn hóa thuộc sở hữu toàn dân xuống cấp nghiêm trọng…
Cũng theo Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua, ngày 23 tháng 11 hằng năm được quy định là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể và các danh sách của UNESCO phải có biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị sau ghi danh và thực hiện việc báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định của UNESCO...
Các hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua
Luật cũng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Chiếm đoạt di sản văn hóa; làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành di tích, nội dung và giá trị của di tích, di sản tư liệu; phổ biến, thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể hoặc đưa những yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể; xâm hại, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa và cảnh quan văn hóa của di tích; khai thác, sử dụng di sản văn hóa làm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc; công nhận, trao tặng các danh hiệu liên quan đến di sản văn hóa trái quy định của pháp luật; mua bán, sưu tầm, kinh doanh, trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp; lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh…
Luật giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
Đồng thời yêu cầu Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ, cơ quan ngang Bộ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có bố cục gồm 9 Chương, 95 Điều (tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành gồm 7 chương, 73 điều), quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị đối với di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google