Đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới Di sản văn hóa thế giới

Minh Vũ
06:16 - 04/07/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hà Nội đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và hiện thực hóa các sáng kiến khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, với mục tiêu đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 1.

Làng cổ Đường Lâm vẫn còn được nhắc đến với cái tên khác như: "Làng Việt cổ đá ong" hay "ấp hai Vua", "bảo tàng sống" của văn hóa Việt… Ảnh: ITN

Hà Nội thực hiện bảo tồn, tôn tạo di sản, gìn giữ giá trị truyền thống, đảm bảo sự phát triển bền vững của Làng cổ Đường Lâm

Theo đó, Thành phố Hà Nội đang khẩn trương xây dựng Đề án "Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024 – 2030, định hướng đến năm 2035".

Đề án hướng tới công tác bảo tồn, tôn tạo di sản, gìn giữ giá trị truyền thống, đảm bảo sự phát triển bền vững; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao. Thị xã Sơn Tây sẽ đẩy mạnh và duy trì các hoạt động như giới thiệu nét đẹp truyền thống của Tết làng Việt; nâng cấp quy mô lễ giỗ vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền; tái hiện truyền thuyết thông qua việc xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn công nghệ 3D mapping…

Làng cổ ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 50 km, gồm 5 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm.

Đường Lâm (gòn gọi là châu Đường Lâm hay Kẻ Mía) là làng cổ ở Xứ Đoài xưa (Sơn Tây, Hà Nội ngày nay), vùng đất có chiều sâu lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, vùng địa linh nhân kiệt - “một ấp sinh hai vua” là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Vương Quyền. Vùng đất này còn là nơi sinh ra bà Ngô Thị Ngọc Dung (cung phi của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng) - còn gọi là bà chúa Mía. Làng Mông Phụ có sứ thần Thám Hoa Giang Văn Minh, người đã hy sinh để bảo vệ danh dự của dân tộc…. 

Đường Lâm là nơi lưu giữ, bảo tồn một kho tàng văn hóa lịch sử quý báu của một làng quê thuần Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện làng cổ này vẫn còn lưu giữ hệ thống cổng làng cổ, đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, văn chỉ, võ chỉ, giếng, điếm, rặng duối cổ, cây đa, bến nước, những lễ hội truyền thống, nét ẩm thực đặc sắc và hàng trăm ngôi nhà cổ, gần 1.000 ngôi nhà truyền thống Việt.

Tiêu biểu là chiếc cổng cổ bên cạnh cây đa 300 tuổi của làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, chùa Mía, đình thờ Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền….

Đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 2.

Làng cổ Đường Lâm được xem như là một kho tàng lưu giữ, chứa đựng văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu của vùng đất cổ- trung tâm của nền văn hóa xứ Đoài. Ảnh: ITN

Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Năm 2019, Làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là điểm du lịch cấp Thành phố.

Hiện Làng cổ Đường Lâm đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đường Lâm đang phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 150.000 – 200.000 lượt khách du lịch/năm, đến năm 2035 đạt 250.000 – 300.000 lượt khách/năm.

Địa phương đang xây dựng nơi đây thành không gian sáng tạo độc đáo, mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho khách. Tiêu biểu như: Không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative – không gian sáng tạo đầu tiên; tiếp đến là không gian Đoài Community của Làng cổ Đường Lâm chính thức ra mắt đã góp phần phục vụ trẻ em làng cổ và du khách tham quan.

Theo Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm, các hoạt động góp phần đem đến cho nhân dân và du khách những khám phá về đặc trưng của Làng cổ Đường Lâm, thông qua đó nâng cao ý thức giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống.

Mới đây, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến xã Đường Lâm thăm hỏi, tặng quà gia đình tiêu biểu, gương mẫu ở thôn Mông Phụ, tại đây, Chủ tịch mong nhân dân xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây tiếp tục giữ gìn nền tảng là văn hóa truyền thống làng xã, trong đó gốc vững là gia đình hạnh phúc, người dân đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau. Chủ tịch nước tin tưởng với những giá trị đã được khẳng định, Đường Lâm sẽ tiếp tục phát huy là trung tâm của văn hóa Xứ Đoài xưa, quê hương văn hiến, cách mạng, có truyền thống hiếu học rất đỗi tự hào không chỉ của các thế hệ gia đình và Nhân dân Đường Lâm mà còn của Thủ đô Hà Nội và cả nước.


Bình luận của bạn

Bình luận