Quảng Ninh: Tăng cường phổ cập tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách giáo dục vùng miền
Nhằm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, từ năm 2016, Quảng Ninh đã triển khai Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025", thu được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều điểm trường tại Quảng Ninh được xây dựng môi trường tiếng Việt phong phú, thân thiện, khuyến khích trẻ giao tiếp bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. Ảnh minh họa
Giáo viên - phụ huynh - học sinh đồng hành trong công cuộc "phổ cập" tiếng Việt
Đến nay, đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" đã và đang mang lại những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao năng lực ngôn ngữ, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn tại Quảng Ninh.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 5 nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ trẻ em mầm non và cán bộ, giáo viên công tác tại vùng miền núi, dân tộc, hải đảo. Các chính sách tập trung vào hỗ trợ ăn trưa, tổ chức dạy hè, nấu ăn bán trú, chi phí đi lại và sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên, đồng thời mở rộng đối tượng trẻ được hỗ trợ học phí, chi phí học tập. Đây là những bước đi thiết thực, góp phần bảo đảm công bằng giáo dục, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn II (2021-2025) của Đề án, với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, Đề án đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trên nền tảng tiếng mẹ đẻ, trẻ em dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển tiếng Việt một cách tự nhiên, hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực giao tiếp, phát triển tư duy và học tập.
Từ năm học 2021-2022 đến nay, gần 7 tỷ đồng được đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, đồ dùng, học liệu cho các trường mầm non vùng dân tộc thiểu số tại các địa phương như Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên. Các điểm trường đều được xây dựng môi trường tiếng Việt phong phú, thân thiện, khuyến khích trẻ giao tiếp bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt qua các góc chơi, hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, các nhà trường đã phát động nhiều phong trào thi đua xây dựng môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm, điểm trường "xanh - sạch - đẹp", kết hợp sử dụng học liệu địa phương và nguyên vật liệu thân thiện để tăng tính gần gũi, hiệu quả trong việc tiếp thu ngôn ngữ của trẻ.
Công tác truyền thông cũng được triển khai đa dạng, từ loa phát thanh thôn bản, các buổi họp phụ huynh, bảng biểu tuyên truyền tại trường, đến việc huy động các tổ chức đoàn thể cùng tham gia. Hơn 500 lượt tuyên truyền qua loa đài, 400 đợt họp phụ huynh và hàng nghìn người dân được tiếp cận nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, phối hợp tốt hơn với nhà trường trong giáo dục con em.
Đáng chú ý, một số phụ huynh còn hỗ trợ giáo viên học tiếng mẹ đẻ để cải thiện chất lượng giảng dạy, thể hiện sự đồng hành tích cực trong công cuộc "phổ cập" tiếng Việt cho trẻ.
Ngoài ra, xác định giáo viên là yếu tố quyết định thành công của Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hơn 300 lớp tập huấn cho 100% giáo viên dạy trẻ dân tộc thiểu số, tập trung vào phương pháp tổ chức hoạt động, quản lý lớp ghép, khai thác hiệu quả tiếng mẹ đẻ làm nền tảng phát triển tiếng Việt.
Đồng thời, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh còn mở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y... cho giáo viên vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng giao tiếp, giảng dạy sát với thực tiễn.
Tính đến nay, 100% trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục tại Quảng Ninh đều được tăng cường tiếng Việt theo độ tuổi. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 95,4% (vượt mục tiêu), tuy nhiên tỷ lệ trẻ nhà trẻ mới đạt 45,6%, chưa đạt kế hoạch Đề án.
Một số khó khăn vẫn tồn tại như điều kiện đi lại vùng núi khó khăn, nhận thức của một bộ phận phụ huynh còn hạn chế, giáo viên chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ, tài liệu tăng cường tiếng Việt theo vùng miền còn thiếu... Tuy vậy, những chuyển biến tích cực từ Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số, từng bước tạo tiền đề vững chắc để trẻ em dân tộc thiểu số hội nhập, phát triển toàn diện.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google