Tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong giáo dục, quy định nào đối người dân tộc thiểu số?

Quang Minh
11:28 - 14/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hệ thống giáo dục của Việt Nam quan tâm tới việc bảo vệ và phát triển ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc thiểu số, tuy nhiên, ngôn ngữ được sử dụng chính thức trong giáo dục được quy định thế nào, hãy cùng tìm hiểu.

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong giáo dục được quy định như thế nào?

Tính tới thời điểm hiện tại, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 (Luật Giáo dục 2019 - trong đó có đề cập tới nội dung "Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục") do Quốc hội đã ban hành có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 đang là luật giáo dục mới nhất áp dụng cho cả thời điểm năm 2024. 

Theo đó, ngày 14/6/2019, Quộc hội ban hành Luật giáo dục 2019 để thay thế cho các Luật Giáo dục 2005 và Luật giáo dục sửa đổi năm 2009 có hiệu lực tới thời điểm hiện tại. 

Về nội dung "Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục" được quy định tại Điều 11 - Luật Giáo dục 2019 như sau:

"Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục".

Đồng thời, tại Điều 7 - Luật Giáo dục 2019 cũng quy định: "Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, có hệ thống và được cập nhật thường xuyên; coi trọng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học".

Như vậy, với những đòi hỏi phải đảm bảo tính cơ bản, phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, việc xây dựng chương trình giáo dục cần được quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học. 

Quy định dạy và học ngôn ngữ đối với người dân tộc thiểu số

Đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, quy định của pháp luật Việt Nam đều có nhiều chính sách ưu tiên trong tuyển sinh và học bổng có thể được áp dụng để khuyến khích các học sinh và sinh viên từ các dân tộc thiểu số tham gia vào giáo dục và phát triển sự nghiệp. 

Điều 11 - Luật Giáo dục 2019 cũng quy định rõ: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu, người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo quy định của Luật Người khuyết tật".

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục cũng quy định: "Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm để người học được học liên tục, hiệu quả".

Như vậy, đối với người dân tộc thiểu số, khi tham gia các chương trình giáo dục phổ thông sẽ được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ. 

Cụ thể, tại Thông tư 32/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số ở địa phương có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục sẽ được tổ chức dạy và học bằng bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục. 

Theo đó, bộ chữ phải là bộ chữ cổ truyền đã được lưu hành và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, được cơ quan chuyên môn xác định và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn hoặc bộ chữ được Chính phủ ban hành. Đối với các tiếng dân tộc thiểu số có nhiều bộ chữ, việc lựa chọn bộ chữ để dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. 

Đồng thời, khoản 3, Điều 2 của Thông tư cũng quy định rõ: "Chương trình tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt".