Quảng Ninh: Thay đổi tích cực từ chuyên đề "Giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm"
Sau gần 5 năm triển khai, chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2 (2021-2025) đã mang lại những thay đổi tích cực cho giáo dục mầm non Quảng Ninh.

“Ngày hội sáng tạo của cô và bé” tại Trường Mầm non Cao Xanh (Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: ITN
Chuyên đề không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn giúp trẻ em được tiếp cận với môi trường học tập tiên tiến, hiện đại.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, ngay từ khi bắt đầu thực hiện chuyên đề giai đoạn 2 (2021-2025), sở đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại 13 huyện, thị xã, thành phố cũng xây dựng kế hoạch và ban hành hơn 158 văn bản hướng dẫn, đảm bảo 100% cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thực hiện chuyên đề một cách đồng bộ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức gần 3.000 buổi tập huấn chuyên đề với sự tham gia của 98% cán bộ, giáo viên mầm non. Đồng thời cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận các phương pháp giảng dạy tiên tiến như Montessori, STEM, Reggio Emilia.
Về cơ sở vật chất, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp trường lớp. Đến nay, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn có môi trường xanh, sạch, đẹp và đạt chuẩn bếp ăn một chiều. 100% trường có phòng y tế và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, một số trường đã xây dựng khu vui chơi trải nghiệm cho trẻ, kết hợp với các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Chuyên đề không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn giúp trẻ em được tiếp cận với môi trường học tập tiên tiến, hiện đại. Ảnh: Internet
Do chuyên đề "Giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm" tập trung vào 5 tiêu chí quan trọng gồm: Môi trường giáo dục, kế hoạch chăm sóc trẻ, tổ chức hoạt động giảng dạy, đánh giá sự phát triển của trẻ và sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng nên 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh được hưởng môi trường học tập thân thiện, an toàn và sáng tạo.
Để chuyên đề mang lại hiệu quả cao, các giáo viên đã linh hoạt hơn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm, phát huy tính tự lập, sáng tạo của trẻ. Các mô hình "Trường mầm non hạnh phúc", "Trường xanh - an toàn - thân thiện" được triển khai rộng rãi, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện. Ngoài ra, các phương pháp giáo dục hiện đại như ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, sử dụng học liệu điện tử, triển khai các hoạt động giáo dục ngoài trời cũng được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao trong quá trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ cũng là điểm mấu chốt mang kết quả tích cực của chuyên đề này. Cụ thể, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, ngày hội gia đình để tăng cường sự tương tác giữa phụ huynh và nhà trường. Điều này giúp phụ huynh hiểu hơn về phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, từ đó có sự hỗ trợ tốt hơn trong việc chăm sóc và giáo dục con em mình.
Theo một lãnh đạo ngành giáo dục, sự tham gia của cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai chuyên đề. Các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương đã hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất cũng như tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với thực tế, phát triển toàn diện.
Trong suốt thời gian triển khai chuyên đề, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên với 250 lượt kiểm tra, trong đó có nhiều lượt kiểm tra chuyên đề. Các kết quả đánh giá cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của các cơ sở giáo dục mầm non trong việc áp dụng phương pháp lấy trẻ làm trung tâm vào chương trình giảng dạy. Đặc biệt, một số trường mầm non tiêu biểu đã được lựa chọn làm mô hình điểm, góp phần nhân rộng và lan tỏa hiệu quả chuyên đề trên toàn tỉnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google