Dạy con ứng xử với bạo lực học đường thế nào cho đúng?
Sau câu chuyện nữ sinh trường chuyên bị bạo lực học đường dẫn đến việc quyên sinh đã gây phẫn nộ trong dư luận suốt thời gian vừa qua. Nhiều phụ huynh có con đang độ tuổi đi học lo lắng con mình cũng trở thành nạn nhân của những vụ bạo lực như thế.
Phụ huynh tung "bí kíp" bảo vệ con trước bạo lực học đường
Sau mỗi câu chuyện học sinh bị bạo lực học đường, biết bao "bí kíp" được phụ huynh chia sẻ trên các phương tiện truyền thông. Người nói mình sẽ dặn dò con "tránh voi chẳng xấu mặt nào"; "một điều nhịn là chín điều lành" nên tốt nhất khi bị bạn ức hiếp, con cứ nhẫn nhịn rồi sẽ qua.
Người khuyên con cứ chia sẻ chuyện bị bạo hành với thầy cô và cha mẹ. Người lớn sẽ có cách giải quyết hiệu quả.
Người lại dạy con, nếu bị bạn bắt nạt sẽ sẵn sàng đánh trả lại dù không thắng được cũng không nên nhẫn nhịn.
Người lại cho rằng, khuyến khích con đánh lại những kẻ ức hiếp mình là không an toàn cho tính mạng của con.
Người hùng hồn tuyên bố, gặp con mình bị bắt nạt như thế, sẽ vào trường đập cho những học sinh kia một trận ra trò, rồi đến đâu thì đến.
Chuyện học sinh xích mích, đánh nhau trên trường ở mọi cấp học hiện nay không phải là chuyện hiếm. Gần như ngày nào, ở lớp học nào, trường học nào cũng có những chuyện bị bạn bè ức hiếp xảy ra.
Có những hành xử của phụ huynh đã hạn chế được những vụ bạo lực ngay sau đó. Cũng có những hành xử lại như đổ thêm dầu vào lửa, và chưa dẹp được vụ này, vụ bạo lực khác đã xảy ra.
Để giải quyết những mâu thuẫn ấy thế nào vừa giúp các em giải tỏa được những hiềm khích, vừa kết nối lại tình bạn với nhau không phải là chuyện dễ. Điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào cái tài ứng xử của từng phụ huynh.
Cách hành xử tạo thêm mâu thuẫn
Mới học lớp 3 nhưng Hoàng Huy ở một trường tiểu học luôn được thầy cô liệt vào danh sách "học sinh cá biệt" cần theo dõi của lớp. Huy liên tục đánh bạn dù giáo viên nhắc nhở.
Một lần, giáo viên phát hiện một phụ huynh mặt đằng đằng sát khí đang túm cổ áo Huy tát tới tấp trên sân trường.
Bước vội vào can ngăn, vị phụ huynh còn lớn tiếng: "Đánh cho nó chừa cái tật bắt nạt người khác".
Vừa nói, ông vừa chỉ tay vào Huy đang sợ hãi nép sau lưng cô giáo: "Tao truyền hồn cho mày biết, còn đụng đến con ông một lần nữa thì đừng trách ông đây ác". Giáo viên phải năn nỉ hết lời, vị phụ huynh mới đồng ý tha cho cậu bé ra về.
Giờ vào học buổi chiều, phụ huynh em Huy lại vào lớp đòi gặp em Dũng (cậu học trò bị Huy đánh hôm qua) để "hỏi cho ra nhẽ, phải làm sao con tôi mới đánh chứ? Vậy mà về còn mách ba lên đánh nó"...
Cũng may trên lớp có giáo viên chứ hành xử như hai phụ huynh vừa rồi mâu thuẫn sẽ không bao giờ chấm dứt.
Một lần khác, thấy đám học trò vây quanh một phụ huynh đang chỉ vào mặt một bé gái lớp 1 với những lời hăm dọa nghe đến rợn người:
"Tại sao mày đánh con ông? Lần này tao tha, lần sau mày còn đánh nó, tao sẽ móc mắt, cắt tai cho coi!". Bé gái lớp 1 mặt cắt không còn giọt máu, tái lét tái lơ đứng run cầm cập còn người đàn ông kia vẫn đằng đằng sát khí.
Tôi bước vào nói: "Anh cứ về đi, để tôi nói với cô chủ nhiệm nhắc nhở cháu thêm". Quả nhiên hôm sau, ba cô bé hùng hổ đến trường hỏi về việc con mình bị phụ huynh kia dọa đến chết khiếp. Cũng may, giáo viên đã hết lời thuyết phục để họ bỏ qua.
Những trường hợp như thế không phải là ít vẫn thường xuyên xảy ra trong các trường học hằng ngày. Chuyện một số em bị bạn đánh, bị bạn chọc ghẹo trên lớp, về kể cho gia đình nghe.
Nhiều cha mẹ lại sai đứa con lớn hơn tới trường "đánh dằn mặt cho nó chừa" vẫn thường xuyên xảy ra. Hoặc trực tiếp phụ huynh xông lên trường tự "xử lý" mà không thông qua giáo viên của lớp.
Những bé bị người lớn đánh, mắng chửi lại về nhà mách ba mẹ. Xót con, cha mẹ lại lên trường mắng chửi hoặc đánh bạn kia. Cứ thế mà mâu thuẫn chẳng bao giờ chấm dứt được.
Những cách hành xử đẹp của phụ huynh sẽ ngăn chặn bạo lực học đường
Nghe tin cô con gái học lớp 9 bị bạn đánh trên lớp. Dù xót ruột, chị Hoa đã tìm hiểu ngọn ngành qua một số bạn bè của con để hiểu hơn về sự việc.
Chẳng là con chị không cho bạn mượn cuốn vở bài soạn ở nhà nên bị mấy bạn được mệnh danh "chơi nhiều hơn học" đánh cho bõ ghét.
Chị Hoa đã tìm gặp Lan (cô bé được bạn bè gọi với biệt danh đại ca) trước khi cho ba mẹ em biết. Bằng cách nói chuyện chân tình, lúc vô cùng mềm dẻo, khi lại tỏ ra cứng rắn. Lan đã xin lỗi chị và hứa sẽ không để xảy ra chuyện tương tự.
Những ngày sau, chị thật sự vui mừng khi con gái về nói: "Mấy bạn không chửi con nữa mà nói chuyện lại bình thường. Bạn nói hãy quên chuyện cũ đi".
Lần khác, cậu con trai đang học lớp 7 về mách: "Nhóm bạn Khoa luôn giật thước, bút của con và bẻ hết. Hôm nay, các bạn ấy còn đổ mực vào áo con nữa. Ngày nào các bạn cũng quậy phá không cho con học.
Nói rồi cậu bé bức xúc: "Mẹ cứ nói là nhịn, lần sau tụi nó còn thế, con sẽ liều một phen". Hoảng hồn nghe con nói, chị Mai bảo : "Mình cũng phải bình tĩnh để cùng con hóa giải mâu thuẫn. Sợ cứ để tình trạng ấy diễn ra khéo thành chuyện lớn".
Và chị cũng đã tìm nhóm bạn Khoa ngồi nói chuyện một cách thẳng thắn, đàng hoàng. Chị nói: "Lâu nay mình nghe kể, đám này ngổ ngáo, quậy phá. Nhưng tiếp xúc với chúng thấy vẫn còn trẻ con lắm, mỗi tội tính háo thắng luôn chực chờ".
Sau buổi nói chuyện ấy, con trai chị không còn bị bạn trêu chọc như trước nữa. Có lẽ nhờ cách ứng xử khéo léo của chị Mai mà cả hai đứa con của chị đều thoát khỏi cảnh bạo lực học đường.
Thế mới biết, ứng xử khéo léo, thông minh luôn mang đến những điều có lợi. Đây cũng là bí quyết được chị Mai chia sẻ nhằm hạn chế bạo lực học đường xảy ra nơi trường học.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google