Xây dựng kế hoạch thi giáo viên chủ nhiệm giỏi như thế nào?

Phan Thế Hoài
06:10 - 29/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2022-2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giáo viên thiết kế hoạt động giáo dục dạng tiết sinh hoạt lớp hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Cuộc thi nhằm nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp, vì vậy các giáo viên cần quan tâm chuẩn bị kỹ cho kế hoạch này. 

Xây dựng kế hoạch thi giáo viên chủ nhiệm giỏi như thế nào? - Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung giới thiệu mô hình lý thuyết mật mã Holland. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường Trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu kế hoạch hoạt động giáo dục mô hình lý thuyết mật mã Holland giúp học sinh chọn nghề phù hợp. Đây là một mô hình tốt giúp các giáo viên tham khảo. 

Thuyết Lựa chọn nghề nghiệp (hay còn được gọi là Mô hình RIASEC hoặc Mật mã Holland) được phát triển bởi Tiến sĩ John Holland, là một thuyết nổi tiếng trong tâm lý học nhằm phân loại các cá nhân dựa trên đặc điểm tính cách, sở thích và kết nối họ với xu hướng nghề nghiệp phù hợp. 

Lý thuyết Lựa chọn nghề nghiệp của Holland đưa ra 6 xu hướng nghề nghiệp (hay môi trường nghề nghiệp) bao quát và điển hình nhất trong thế giới việc làm, kèm theo đó là 6 kiểu phân loại tính cách và sở thích đặc trưng cho từng xu hướng cụ thể. Những xu hướng này bao gồm: Thực tế – R (realistic); Khám phá – I (Investigative); Sáng tạo – A (artistic); Xã hội – S (social); Thử thách – E (enterprising); Tổ chức – C (Conventional).

Sau đây là kế hoạch giới thiệu mô hình lý thuyết mật mã Holland có thể sử dụng trong hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi do Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung cung cấp. 

Xây dựng kế hoạch thi giáo viên chủ nhiệm giỏi như thế nào? - Ảnh 2.

Thảo luận với học sinh về mô hình. Ảnh: NVCC

Giới thiệu mô hình lý thuyết mật mã Holland

Yêu cầu cần đạt về phẩm chất: Giúp học sinh có thái độ nghiêm túc trong việc xác định nhóm tính cách để định hướng và chọn nghề phù hợp: Về năng lực, giúp học sinh tự chủ và tự học. Thực hiện được các hoạt động theo yêu cầu của giáo viên đề ra, tìm kiếm tài liệu bằng các phương tiện khác nhau để tìm hiểu kiến thức bài học.

Ngoài ra, nâng cao năng lực giao tiếp và hợp tác: Sử dụng ngôn ngữ để trả lời câu hỏi, trình bày vấn đề trong bài học hoặc trình bày ý kiến cá nhân trong hoạt động nhóm. Giải quyết vấn đề và sáng tạo: thực hiện được các yêu cầu của mỗi hoạt động, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tưởng tượng.

Xây dựng kế hoạch thi giáo viên chủ nhiệm giỏi như thế nào? - Ảnh 3.

Học sinh lắng nghe giáo viên giới thiệu về mô hình lý thuyết Mật mã Holland. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, học sinh được hướng dẫn năng lực đặc thù: để nhận biết ít nhất 3 đặc điểm của từng nhóm Holland; Xác định được 1 - 2 nhóm Holland phù hợp với bản thân; Xác định được 1 nhóm Holland không phù hợp với bản thân.

Phương tiện, kỹ thuật: Giấy A3, bút màu (nhiều màu), băng keo giấy/ nam châm, ly giấy (ly trơn và ly có họa tiết, mỗi loại 50 ly), phiếu chấm điểm, văn bản mẫu và có Powerpoint trình chiếu.

Xây dựng kế hoạch thi giáo viên chủ nhiệm giỏi như thế nào? - Ảnh 4.

Học sinh Trần Ngọc Phương Vy đặt câu hỏi thắc mắc với giáo viên về những vấn đề chưa hiểu. Ảnh: NVCC

Khung nội dung

Thời lượng

Hoạt động

Nội dung chính

5 phút

Giới thiệu nội dung

- Giới thiệu mục tiêu của hoạt động trải nghiệm.

- Phân chia và ổn định nhóm.

10 phút

Chuyển giao nhiệm vụ: Hoạt động trải nghiệm trò chơi liên hoàn

- Để slide yêu cầu cho các nhóm đọc và đặt câu hỏi.

- Phân chia vị trí cho từng trò chơi.
- Phát học cụ cho mỗi nhóm.
- Hoạt động trải nghiệm: Bao gồm thảo luận, phân công công việc và thực hiện yêu cầu.
- Chấm điểm cho các nhóm.

20 phút

Tổng kết hoạt động và hình thành kiến thức

- Tổng kết hoạt động trải nghiệm.

- Giới thiệu Lý thuyết Mật mã Holland.
- Liệt kê những hành vi nổi bật của mỗi nhóm Holland mà giáo viên quan sát thấy ở học sinh.

10 phút

Kiểm tra, đúc kết và liên hệ mở rộng

- Đặt câu hỏi để kiểm tra kiến thức của học sinh.

- Học sinh ghi xuống 1 - 2 nhóm Holland phù hợp và không phù hợp với bản thân.
- Giới thiệu kênh tài nguyên để học sinh tự học.

Các hoạt động giáo dục

Hoạt động 1: Giới thiệu nội dung hoạt động trải nghiệm (5 phút)

- Giới thiệu nhanh đến học sinh về mục tiêu của hoạt động trải nghiệm.

- Chia học sinh thành 6 nhóm: Cho học sinh di chuyển và tạo nhóm theo mong muốn cá nhân, yêu cầu một nhóm phải có ít nhất 2 bạn nam. Đếm ngược 10 giây để các nhóm thực hiện nhanh.

- Mỗi nhóm chọn ra 1 nhóm trưởng và 1 thư ký:

Trách nhiệm nhóm trưởng: Điều phối và phân công nhiệm vụ.

Trách nhiệm thư ký: Người tự tin chụp ảnh đẹp, để chụp ảnh minh chứng các thành quả của nhóm. Đếm ngược 10 giây, nhóm nào chọn xong giơ tay lên.

- Phân bố vị trí bàn làm việc cho từng nhóm.

Hoạt động 2: Chuyển giao nhiệm vụ (10 phút)

- Phân bố vị trí các bàn cho từng trò chơi.

- Trình chiếu slide trò chơi liên hoàn cho các nhóm đọc và đặt câu hỏi. 

- Các nhóm có 3 phút để đọc yêu cầu và đặt câu hỏi với giáo viên.

- Yêu cầu thư ký các nhóm chụp lại slide trò chơi liên hoàn, nhóm trưởng gặp giáo viên lấy học cụ.

Trò chơi 1: Vẽ sơ đồ vị trí thành viên nhóm trên giấy A3, có ghi tên nhóm, trang trí ít nhất 4 màu, không tính màu mực xanh/ đen của bút viết chữ. Sau đó dán sơ đồ lên bảng theo vị trí mà giáo viên đã chỉ định và chụp hình minh chứng (20 điểm).

Trò chơi 2: Xếp 1 chồng tháp ly cao nhất có thể và chụp hình lại làm minh chứng.

Lưu ý: Ở lớp bình thường sẽ cần 50 ly giấy. Ly được để ở giữa lớp. Các nhóm có thể thay phiên dùng, giáo viên có thể quan sát cách học sinh giữa các nhóm thương lượng quyền sử dụng ly.

Trò chơi 3: Chụp 5 tấm hình có đủ mặt thành viên, biểu cảm và hành động của các thành viên trong hình phải giống nhau (25 điểm).

Trò chơi 4: Tạo 3 câu có nghĩa từ các chữ cái đầu của tên các thành viên trong nhóm, không dùng các tiếng như danh từ riêng, không cần xếp theo thứ tự chữ cái (15 điểm).

Ví dụ: Nhóm có 5 bạn tên: Hoàng; Nam; Chi; Trinh; Vũ. Nhóm cần đặt 3 câu có 5 chữ (tiếng), bắt đầu bằng các chữ cái bắt đầu bằng tên các thành viên trong nhóm. Câu hợp lệ: Hôm nay có tiền về. Hãy về cầm tay nhau; câu không hợp lệ: Hoàng Nam chưa thích vẽ, v.v.

Trò chơi 5: Xin chữ ký và lời chúc của 5 bạn khác nhóm (người chúc phải ghi rõ tên - nhóm) trên giấy nhỏ hoặc sticky note, dán lên 1 tờ giấy A4 (20 điểm). 

Lưu ý: Chỉ viết lời chúc bằng tiếng Việt.

Xây dựng kế hoạch thi giáo viên chủ nhiệm giỏi như thế nào? - Ảnh 6.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung điều hành học sinh thảo luận. Ảnh: NVCC

Trò chơi 6: Cả nhóm phải cùng ngồi lại đọc văn bản mẫu, ghi chú ra những điều gây khó chịu khi đọc văn bản đó.

Lưu ý: Trừ hoạt động vẽ sơ đồ là bắt buộc, còn các hoạt động khác có thể chọn lựa để làm, miễn sao có điểm cao nhất.

Hoạt động 3: Thực hiện nhiệm vụ (45 phút)

- Sau thời gian hỏi đáp, học sinh không còn thắc mắc thì giáo viên cho học sinh tự lựa chọn trò chơi để thực hiện.

- Thời gian hoạt động là 40 phút, bao gồm thảo luận, phân công công việc và thực hiện yêu cầu của trò chơi liên hoàn.

- Kết thúc thời gian, giáo viên yêu cầu các nhóm về lại vị trí của nhóm mình.

- Nhóm trưởng sẽ đóng vai trò làm giám khảo và mang "Phiếu chấm điểm" qua nhóm kế bên để chấm điểm theo hướng dẫn đánh giá của giáo viên. (5 phút)

Hoạt động 4: Tổng kết hoạt động trải nghiệm và hình thành kiến thức (20 phút)

- Sau khi học sinh ổn định tại vị trí nhóm, giáo viên giới thiệu với học sinh về mô hình lý thuyết Mật mã Holland.

- Giáo viên nêu đặc điểm phổ biến của từng nhóm Holland, liệt kê cho học sinh thấy những hành vi nổi bật của mỗi nhóm Holland ở học sinh mà giáo viên đã quan sát thấy xuyên suốt trong hoạt động trải nghiệm ở trên. Từ đó, học sinh có dịp tự nhìn lại và nhận ra mình có thiên hướng của nhóm nào nhất.

Xây dựng kế hoạch thi giáo viên chủ nhiệm giỏi như thế nào? - Ảnh 7.

Học sinh nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ảnh: NVCC

Hoạt động 5: Liên hệ mở rộng (10 phút)

Kiểm tra kiến thức: Đặt câu hỏi nhanh để kiểm tra kiến thức của học sinh.

- Mời 1 học sinh liệt kê tên 6 nhóm Holland cho cả lớp cùng nghe.

- Khi vẽ mô hình lý thuyết Mật mã Holland cần lưu ý điều gì?

- Giáo viên nêu một số đặc điểm của 1 vài nhóm Holland và mời học sinh đoán tên của nhóm Holland đó.

Đúc kết: Học sinh ghi nhận 1 – 2 nhóm Holland phù hợp với bản thân và 1 đến 2 nhóm Holland không phù hợp với bản thân.

- Giáo viên cung cấp kênh tài nguyên để học sinh tự đọc thêm về các đặc điểm và định hướng nghề nghiệp theo các nhóm Holland: https://huongnghiepsongan.com/hieu-minh/

- Giáo viên tổng kết điểm của các nhóm. Trao một vài món quà nho nhỏ cho những nhóm xếp thứ hạng cao.