Phát triển khuyến học xanh trong hệ thống giáo dục chuyển đổi xanh
Mô hình "Giáo dục xanh" định hướng tương lai vào việc bảo vệ môi trường sống, xã hội văn minh, kinh tế tăng trưởng trước nguy cơ suy thoái của hệ sinh thái.

Điểm trường mầm non Bó Mon, xã Tú Nang, Yên Châu, Sơn La, Việt Nam, hình mẫu về cở sở vật chất dành cho giáo dục xanh.

Nói đến "Giáo dục xanh" (Green Education), nhiều người nghĩ đơn giản rằng, cần làm cho nhà trường được phủ xanh bằng một hệ thống cây cỏ tươi mát, sân trường rợp bóng cây, vườn trường đủ các loại hoa lá, xung quanh trường là những hàng cây cao... Tất cả tạo nên một trường học hòa mình với cảnh quan thiên nhiên.
Quan niệm đó đúng, nhưng chưa đủ, bởi nó mới bao hàm nghĩa "đen" của thuật ngữ "xanh hóa" mà thôi.
Để triển khai khái niệm "Giáo dục xanh", trước hết, mọi người đều phải thống nhất với nhau rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang có những biến đổi không ngừng, sự phát triển bền vững của xã hội, nhất là bền vững trong sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và nhiều dịch bệnh gia tăng.
Cần phải có được một nền kinh tế tăng trưởng liên tục theo thời gian, một xã hội lành mạnh về tính nhân văn và một môi trường an toàn đối với con người.
Đây là đại xu thế (Megatrend) mang tính toàn cầu. Một khi nó đã là xu thế mới trong phát triển thì tất nhiên nó chứa đựng tính tất yếu (Inevitability) - một khuynh hướng chung của sự phát triển, luôn là hình thức thể hiện của cái tất yếu. Do vậy, sự nhận thức về chuyển đổi xanh (Green Transformation) đòi hỏi thái độ thật nghiêm túc như với một quy luật tồn tại.

Công việc này không chỉ dừng lại ở việc thay đổi về cơ sở vật chất, mà chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp giáo dục - giảng dạy cũng phải được "xanh hóa" để phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ, các giá trị cho người học (cả thế hệ trẻ lẫn người lớn) để họ có được những năng lực đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Mô hình "Giáo dục xanh" định hướng tương lai vào việc bảo vệ môi trường sống, xã hội văn minh, kinh tế tăng trưởng trước nguy cơ suy thoái của hệ sinh thái.
"Giáo dục xanh" bao gồm toàn bộ việc chuyển đổi cách thức Dạy và Học, chuyển cách học truyền thống sang cách học hiện đại, giúp người học tự định hướng học tập và có năng lực sáng tạo trong việc tương tác với thế giới bên ngoài bằng lối tư duy tăng trưởng (Growth Mindset).
Mục tiêu của giáo dục xanh ở Việt Nam cần tập trung vào mấy trọng điểm sau:
Một là, xây dựng mẫu công dân có lối sống xanh, tiêu dùng xanh trên nền tảng phát triển tư duy xanh. Đó là một công dân học tập ngoài những năng lực cốt lõi và những phẩm chất mong muốn đã được quy định thành tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành thì phải có thêm những năng lực và phẩm chất xanh đó.
Hai là, phải chuyển đổi xanh toàn diện nền giáo dục quốc dân, từ trường lớp đến chương trình, nội dung, phương pháp, quản lý sức khỏe học đường, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thân thiện với môi trường...
Ba là, tham gia các chương trình chuyển đổi xanh giáo dục của thế giới, trở thành thành viên của các cuộc vận động giáo dục xanh toàn cầu, liên kết và hợp tác với các quốc gia để có được sự thống nhất về chuyển đổi xanh giáo dục nhằm chung sức bảo vệ cuộc sống xanh của trái đất.

Nhìn chung, xu hướng phát triển giáo dục xanh trên thế giới tập trung chủ yếu vào việc xây dựng nhà trường xanh (Green School), từ bậc học nhà trẻ - mẫu giáo, tiểu học đến đại học. Mục tiêu xây dựng nhà trường xanh thường định hướng vào những yêu cầu sau:
Tạo ra ở thế hệ trẻ những năng lực và phẩm chất nhân cách để họ trở thành những lao động đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế xanh (Green Economy), xã hội xanh (Green Society) và môi trường sinh thái xanh (Green Ecological Environment).
Xây dựng hệ thống trường học xanh, sống gần gũi và thân thiện với thiên nhiên, triển khai các chương trình giáo dục xanh với những lớp học thông minh, thay thế hệ thống trường học truyền thống. Phát triển hệ thống giáo dục theo triết lý "Con người sống gần với thiên nhiên, ứng xử đúng mực với trái đất".
Một số trường học xanh trên thế giới mà ta cần tham khảo
Trường Mẫu giáo Green School Bali (Indonesia)
Trường được xây dựng vào năm 2006, gần sông Ayung (Bali, Indonesia) khuôn viên trường kết nối một bên với khu rừng rậm, và bên kia là cánh đồng lúa. Muốn tới trường, người ta phải đi qua chiếc cầu tre rất vững chắc, bắc qua sông Ayung dẫn đến cổng trường.

Trường Mẫu giáo Green School Bali (Indonesia).
Trường có 70 tòa nhà, chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng sạch, trái ngược với nhiên liệu hóa thạch) và năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho toàn bộ hoạt động của trường. Nguyên vật liệu để xây dựng trường chủ yếu là tre, gỗ, cỏ; tường đắp bằng bùn theo công nghệ xây lắp mới.
Xe đưa đón học sinh là hệ thống xe Bio-bus, sử dụng thiên nhiên sinh học, làm từ dầu ăn đã qua sử dụng. Học sinh cuối cấp đều sử dụng máy tính xách tay để học tập.
Trường Mẫu giáo Fuji (ngoại ô Tokyo, Nhật Bản)
Kiến trúc sư Takaharu Tezuka thiết kế ngôi trường này để trẻ con được sống đúng cuộc sống của chúng.
Trường được xây dựng vào năm 2007. Nó có kết cấu vòng tròn. Một kiểu vòng tròn bất tận lên tới đỉnh. Phụ huynh nào mà chẳng biết, bọn trẻ rất thích trò chơi chạy theo vòng tròn, và đó là cảm hứng thiết kế ngôi trường.
Ngôi trường này hoàn toàn mở, không có giới hạn nào giữa bên trong trường và bên ngoài trường. Điều đó có nghĩa là, kiến trúc này về cơ bản là một mái nhà. Và cũng không có giới hạn nào giữa các lớp học. Vì thế cũng không có giới hạn nào về âm thanh. Khi ta đặt một đứa trẻ trong một cái hộp yên ắng, nó sẽ tỏ ra sợ hãi. Nhưng trong trường này, không có lý do gì làm nó sợ hãi, bởi vì không hề có ranh giới.
Ông hiệu trưởng nói rõ quan điểm giáo dục xanh của mình:
- Nếu một chú bé đang ở góc kia, không muốn vào trong phòng thì cứ để nó ra ngoài. Tự nhiên nó sẽ quay lại thôi, vì ngôi trường là một vòng tròn. Trong trường hợp này, thằng bé thường muốn ẩn mình ở đâu đó, nhưng ở đây nó chỉ có cách bỏ đi rồi quay lại. Đó là một quá trình tự nhiên.
- Nhà trường rất coi trọng tiếng ồn. Ta biết, trẻ con thường ngủ say trong môi trường tiếng ồn, chứ không phải trong không gian yên tĩnh. Trong môi trường tiếng ồn, bọn trẻ cho thấy sự tập trung tuyệt vời của chúng trong lớp học. Chúng ta là loài sinh vật lớn lên trong tiếng ồn. Ta có thể nói chuyện với bạn trong một quán bar ầm ĩ, nhưng lại không thể nói với nhau ở chỗ yên tĩnh.
- Chúng ta đang cố gắng khiến mọi thứ trong tầm kiểm soát của mình. Ta có thể trượt tuyết ở nhiệt độ -20o và có thể đi bơi vào mùa hè. Nhiệt độ của cát khi trời nắng là 50o. Ta biết cơ thể của ta không thấm nước và cũng không thể tan chảy trong mưa. Vì thế, trẻ con cần được ở ngoài trời để biết những điều đó. Đây là cách mà chúng ta cần ứng xử với chúng.
Như trên đã nói, khu trường là một vòng tròn 2 tầng. Tầng 1 là nơi để học, tầng 2 là mái nhưng lại là một sân chơi rộng rãi. Trẻ con có thể tự leo lên mái để chạy nhảy thoải mái. Những đứa trẻ ở đây mỗi ngày được tự do chạy nhảy khoảng 4000 - 6000m.
Người ta tạo mọi điều kiện cho trẻ thoải mái trải nghiệm. Bồn rửa tay không bị chắn bởi bờ tường. Trẻ đứng xung quanh bồn rửa tay, nó không có vòi cố định mà chỉ có ống mềm dẫn nước. Bọn trẻ vừa rửa tay vừa nói chuyện ồn ào, vui vẻ, tạo nên những Idobata Kaiji (Hội nghị xung quanh vòi nước). Vì vậy, đi rửa tay là một niềm vui.
Nhiều đứa trẻ thích trèo cây để lên lớp, chứ không thích đi cầu thang. Nhà trường không cấm, và họ thiết kế để việc trèo cây an toàn. Trong trường có các cụm cây rất cao. Người ta có cầu thang xoáy tròn ốc có tấm chắn để trẻ có thể đi từ mặt đất lên đến ngọn cây. Lên đây, chúng nhìn ra khu dân cư bên ngoài.
Quan điểm ở đây là: "Không bảo vệ, không kiểm soát quá nhiều. Trẻ con cần vận động, nhảy nhót và... bị thương".

Điểm trường mầm non Bó Mon, xã Tú Nang, Yên Châu, Sơn La, Việt Nam.
Trường Tiểu học Tulum (Mexico)
Trường được xây dựng tại khu tàn tích của người Maya cổ đại, thuộc thành phố Tulum. Khu rừng già Selvazamá bao quanh trường, tạo nên một môi trường xanh hiếm có, vô cùng tuyệt vời bởi thiên nhiên kỳ thù, động thực vật rất đa dạng.
Thầy trò trường Tulum sống trong một môi trường xanh bền vững: vừa được hưởng những tán rừng rộng, vừa có bãi biển vùng Caribe nổi tiếng, vừa đắm mình trong khu di tích văn hóa lâu đời. Khu trường Tulum được dựng lên bằng tre và gỗ địa phương, có sự kết hợp hoàn hảo giữa không gian trường với cảnh quan địa phương. Nguồn điện sử dụng hoàn toàn từ những tấm pin mặt trời và nguồn nước tự nhiên.
Nhà trường thực hiện phương pháp "Dạy học giao tiếp với học sinh". Các trẻ em học hành không phải làm bài tập và bài kiểm tra. Hầu hết giáo viên trong trường là những nhà Tâm lý học. Họ nghiên cứu để xác định chính xác nguyên nhân của những học sinh gặp khó khăn qua từng môn học cụ thể để từ đó giúp chúng có một cách học tập tốt, phát huy được năng lực tư duy sáng tạo.
Tulum là trường học "không có bức tường và ranh giới, để học sinh thấy được không có gì là không thể".
Học sinh Tulum học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Maya cùng tiếng Anh. Các môn học khác là Toán, Khoa học, nhân văn, môi trường, sức khỏe và nghệ thuật. Mục tiêu mà nhà trường hướng tới là tạo nên một cộng đồng học sinh toàn cầu vì một thế giới phát triển bền vững.
Trường Trung học Jean Moulin (Pháp)
Trường Trung học Jean Moulin được Công ty Ducan Lewis Scape Architecture thiết kế, tạo nên một khuôn viên hiện đại, tọa lạc trên một sườn đồi cỏ xanh. Họ tạo nên một trường học kết nối chặt chẽ với môi trường với cấu trúc phân tầng độc đáo.
Nhà trường được chia thành những phần theo hàng ngang, tạo nên một khu lớp học có cấu trúc theo kiểu ruộng bậc thang, được bao phủ bởi một thảm thực vật dày đặc các cây cao và cây bụi. Các tòa nhà được sắp xếp lên cao dần cho tới đỉnh đồi. Mọi lớp học đều có cửa sổ nhìn xuống thung lũng tuyệt đẹp và dòng sông nên thơ phía dưới.
Phần thấp nhất của trường là cơ sở thể dục, các đường chạy, các sân thể thao và các phòng tập thông minh. Trong trường còn có khu vực dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí và nhiều hoạt động khác.
Một số trường học xanh ở Việt Nam
Hệ thống giáo dục Genesis (Hà Nội)
Hệ thống giáo dục Genesis có 2 cơ sở. Genesis School cơ sở Tây Hồ, gồm trường Mầm non và Tiểu học Genesis. Genesis School cơ sở Nam Từ Liêm, gồm trường Tiểu học, Trường Trung học cơ sở và Trường Trung học phổ thông.
Hệ thống trường Genesis hoạt động với những ý tưởng sau đây:
Triết lý giáo dục: Đề cao những giá trị nguyên bản của thiên nhiên, nhằm tạo ra những lớp người có trách nhiệm với bản thân, sống nhân văn, học hỏi thế giới, tôn trọng hành tinh xanh.
Tầm nhìn: Là hệ thống giáo dục được tin cậy hàng đầu ở Việt Nam với giá trị sống xanh, con người trí tuệ, hạnh phúc, đam mê học tập và cống hiến.
Sứ mệnh: Đào tạo những công dân toàn cầu, phát triển nhận thức xã hội, trách nhiệm công dân, có lối sống xanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Các giá trị cốt lõi mà Genesis School hướng đến là Yêu thương, Tôn trọng, Sáng tạo, Hợp tác, Trách nhiệm trên nền tảng xây dựng trường học xanh, tâm hồn xanh, trí tuệ xanh, cộng đồng xanh và lối sống xanh.
Trường Tiểu học xanh Phạm Hồng Thái (Đà Nẵng)
Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái được công nhận là đơn vị xuất sắc về xanh hóa, được mệnh danh là Trường giảm thiểu rác thải của Quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).
Trong 4 tiêu chí nhà trường thực hiện tốt là chính sách quản lý trường học xanh, cơ sở vật chất - kỹ thuật xanh, giáo dục truyền thống xanh và thực hành xanh, thì thực hành xanh là lĩnh vực nổi nhất. Cụ thể là:
- Hơn 80% học sinh dùng bình uống nước cá nhân sử dụng nhiều lần để thay bình nhựa;
- Thầy trò sử dụng rác thải hữu cơ, thức ăn thừa trong bếp tập thể làm phân bón cho vườn trường.
- Nhà trường có phong trào sử dụng rác thải làm đồ dùng dạy học.
- Phân loại rác thải tại nguồn, tái chế rác thải thành nhiều loại sản phẩm.
Trường tiểu học Phạm Hồng Thái cập nhật thường xuyên những tài liệu giáo dục về chủ đề rác thải trên các kênh Zalo, Facebook, Fanpage để bồi dưỡng giáo viên, từ đó lan tỏa đến học sinh và phụ huynh các em, xây dựng Chương trình kế hoạch nhỏ như thu gom rác thải, tái chế và bán sản phẩm tái chế gây quỹ giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Hiện nay, trong ngành giáo dục ở nước ta có "Chương trình trường học xanh", hưởng ứng trào lưu xây dựng trường học xanh toàn cầu. Đối tượng tham gia chương trình gồm học sinh từ lớp 3 trở lên. Hiện đã có trên 110 trường tham gia với khoảng 43.000 học sinh. Hàng ngày đã có hàng chục nghìn hành động xanh rất thiết thực.
Nhiều lớp tập huấn giáo viên đã được tiến hành với yêu cầu:
- Giáo viên nắm được nội dung những hoạt động xây dựng trường học xanh để triển khai kịp thời;
- Yêu cầu học sinh theo dõi chất lượng không khí, bụi mịn, khói độc để có hành động đáp ứng, đeo khẩu trang đi học.
- Vận động học sinh đi bộ hoặc đi xe đạp, sử dụng túi vải, nói không với túi ni lông, thu gom rác thải, phân loại rác thải tại nhà, tại trường, làm vệ sinh đường phố.
- Chia sẻ hành động xanh trên Facebook hoặc tạo các clip...
Ở miền Nam có trường Đại học Trà Vinh là trường được xếp hạng 139/1183 về trường đại học xanh của thế giới.

Khái niệm "Khuyến học xanh"
Cho đến nay, chưa thấy có một quyển từ điển nào, chưa có một văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước đưa ra định nghĩa về Khuyến học xanh (Green Learning Promotion). Vì thế, thuật ngữ "Khuyến học xanh" cần có một quan niệm về nó để mọi người thống nhất trong hành động triển khai khuyến học xanh trong cuộc sống.
Dưới đây tôi xin đề xuất quan niệm "Khuyến học xanh" như sau:
- Khuyến học xanh là một thuật ngữ dùng để chỉ một hệ thống giáo dục người lớn vì mục tiêu phát triển bền vững, triển khai những kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị cho người học, giúp họ có khả năng bảo vệ ngôi nhà xanh, cuộc sống xanh, xã hội xanh bền vững.
- Khuyến học xanh là một bộ phận của hệ sinh thái giáo dục xanh hóa. Thông qua quá trình học tập suốt đời trên nền tảng xây dựng các thiết chế giáo dục xanh và thông minh, các chương trình học tập, huấn luyện hiện đại, những phương pháp giáo dục tiên tiến, quy trình quản lý giáo dục thật sự khoa học để chuyển giáo dục người lớn truyền thống sang giáo dục người lớn số hóa và xanh hóa.
- Khuyến học xanh hướng đến những mô hình học tập theo Quyết định 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg chuyển đổi theo yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Quyết định 749/QĐ-TTg), giúp cho mọi công dân học tập có lối sống xanh, tư duy xanh và tiêu dùng xanh, xây dựng nhân lực tại chỗ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trở thành yếu tố mang tính đột phá theo Nghị quyết 57-NQ/TW về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", hình thành và phát triển lực lượng lao động theo yêu cầu của Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.
Xác định chức năng của Khuyến học xanh
Căn cứ vào Điều lệ Hội Khuyến học Việt Nam hiện hành, chức năng của Hội gồm:
- Khuyến khích và hỗ trợ công việc Dạy và Học trong hệ thống giáo dục ban đầu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.
- Thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lớn trong hệ thống giáo dục tiếp tục, nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động của nhân lực tại chỗ nhằm đạt được yêu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, an toàn môi trường.
Xác định đối tượng phục vụ của Khuyến học xanh
- Những đối tượng của Khuyến học xanh trong hệ thống giáo dục ban đầu.
Theo sự phân loại của các nhà nhân khẩu học thì hiện nay, theo học các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục ban đầu có 4 thế hệ sau:
Thế hệ Beta: Thế hệ trẻ nhất. Đứa trẻ nhiều tuổi nhất hiện mới tròn 3 tháng tuổi.
Thế hệ Alpha: Đang ở độ tuổi 1-12.
Thế hệ Z: Đang ở độ tuổi 13-18.
Ba thế hệ này chủ yếu đang có mặt trong hệ thống giáo dục ban đầu, nhưng đã có một số thanh niên thế hệ Z đi vào lao động sản xuất.
Dưới đây là bảng xếp sắp các thế hệ Beta, Alpha và Z vào các loại hình giáo dục ban đầu theo hình thức học chính quy.

Bảng 1. Các thế hệ trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục năm 2024-2025. Đồ hoạ: TTH
Trong khi khuyến khích và hỗ trợ các thế hệ Beta, Alpha, Z học tập ở hệ thống giáo dục ban đầu với mục tiêu xanh hóa 3 thế hệ này, thì khuyến học xanh lại phải thúc đẩy 4 thế hệ sau đây học tập suốt đời trong hệ thống giáo dục tiếp tục dưới các hình thức học tập không chính quy và phi chính quy là chủ yếu:

Bảng 2. Các thế hệ người lớn học tập trong hệ thống giáo dục tiếp tục năm học 2024 - 2025. Đồ hoạ: TTH
Xác định nội dung khuyến học xanh với các đối tượng
Với thế hệ Beta và Alpha
Hội Khuyến học phối hợp với ngành giáo dục địa phương tham mưu với cấp ủy và chính quyền cấp xã có các chính sách và nguồn lực để thực hiện một số công việc như sau:
- Xây dựng nhà trẻ và trường lớp mẫu giáo xanh, sạch, đẹp, gần gũi với thiên nhiên.
- Các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học chăm lo chu đáo sức khỏe thể chất, khắc phục các bệnh bẩm sinh, không để trẻ con lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi hoặc béo phì.
- Tuyệt đối không có hiện tượng bạo hành về thể xác và tinh thần đối với trẻ.
- Hạn chế tối đa những đồ dùng nhựa, đồ chơi nhựa có tác dụng xấu đến sức khỏe.
- Bảo đảm bữa ăn học đường hợp vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Giúp trẻ vận động nhiều, trải nghiệm nhiều, có nhiều thói quen sinh hoạt tốt và những kỹ năng sống cần thiết cùng với kỹ năng mềm như từ khi biết nói đã biết chào hỏi, biết thể hiện tình cảm yêu mến, nghe lời người lớn...
- Trẻ cuối cấp tiểu học có thể tham gia thu gom rác, phân loại rác, giữ gìn vệ sinh phòng ăn, mới ngủ trưa, lớp học...
Với thế hệ Z
Hội Khuyến học có thể hỗ trợ nhà trường giáo dục học sinh thông qua các hoạt động, các sự kiện có nội dung xây dựng ý thức về xây dựng nhà trường xanh, khu dân cư xanh, lớp học thông minh v.v...
- Các em học sinh trung học có thể tham gia các công việc thường xuyên như thu gom rác, tái chế rác thải thành các sản phẩm phục vụ công việc học tập hoặc bán ra thị trường.
- Tạo cho các em có thói quen tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, tiết kiệm giấy viết, tiết kiệm xăng dầu (như không đi xe máy tới trường, có thói quen dùng xe đạp và đi bộ).
- Với học sinh sắp tốt nghiệp, cần có chương trình hướng nghiệp, giúp các em hiểu được những nghề trong nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh. Đồng thời cũng cần hướng dẫn, giúp đỡ các em về khởi nghiệp, định hướng phát triển các doanh nghiệp xanh...
Vấn đề cơ bản nhất là thông qua giáo dục, các em trở thành những công dân học tập có lối sống xanh, tư duy xanh và cách tiêu dùng xanh.
Trong điều kiện cho phép, nhà trường cho học sinh tham quan những trường học xanh tiêu biểu, những trang trại xanh kiểu mẫu, những nhà máy không ống khói, những doanh trại quân đội ngăn nắp, vệ sinh và có không gian xanh điển hình, những khu dân cư xanh đã được xếp hạng quốc gia và quốc tế.
Với các thế hệ người lớn
Việc học tập suốt đời của người lớn cần tập trung vào những vấn đề sau:
- Hình thành mẫu người "Công dân học tập" có lối sống xanh, lối tư duy xanh và lối tiêu dùng xanh.
Lối sống xanh (Green Lifestyle): Lối sống lành mạnh, bền vững, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hướng đến đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không làm suy kiệt tài nguyên cho các thế hệ tiếp theo.
Lối tư duy xanh (Green Mindset): Lối tư duy có tác dụng thay đổi hành vi, thay đổi quan điểm sống, luôn hướng đến Net Zero trong cuộc sống hàng ngày.
Lối tiêu dùng xanh (Green Consumption): Mua sắm và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa hệ sinh thái. Lối tiêu dùng xanh luôn vì bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
- Xanh hóa các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Để thực hiện công việc này, cần phải bổ sung một số yêu cầu về chuyển đổi xanh vào các Bộ tiêu chí đánh giá công nhận các mô hình học tập trong Quyết định 387/QĐ-TTg hiện hành. Các mô hình học tập chuyển đổi xanh không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng công dân học tập trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, mà còn là yếu tố cần thiết góp phần xây dựng các thành phố xanh, thành phố thông minh và tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.
- Chuyển đổi số toàn bộ hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, thay thế lối Dạy và Học truyền thống cho người lớn bằng lối Dạy và học hiện đại, trực tuyến, đưa nội dung giáo dục xanh vào Trung tâm, giúp người học có những kiến thức, kỹ năng, thái độ tự tạo việc làm xanh, tham gia phát triển các nghề xanh, xây dựng nông thôn mới và khu phố văn minh.
- Tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học về giáo dục xanh, khuyến học xanh, các sự kiện khuyến học, khuyến tài cổ vũ cho các hoạt động bảo vệ quốc gia xanh, thế giới xanh và trái đất xanh trong nhân dân, gắn kết với thi đua xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google