Khuyến học xanh đi đầu trong chiến lược chuyển đổi xanh của Chính phủ

GS.TS Phạm Tất Dong

GS.TS Phạm Tất Dong

19:00 - 11/01/2025
Công dân & Khuyến học trên

Khuyến học xanh là chuyển đổi cách thức dạy học và học tập trong các cơ sở giáo dục, cung cấp những phương pháp học tập hiện đại trên cơ sở những công nghệ học tập mới, giúp các học viên tự học, tự định hướng việc học tập vì công việc đảm nhiệm theo chương trình chuyển đổi xanh của quốc gia.

Khuyến học xanh đi đầu trong chiến lược chuyển đổi xanh của Chính phủ - Ảnh 1.

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg, phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2030, tầm nhìn 2050". Chính phủ đã yêu cầu toàn bộ các lĩnh vực hoạt động trong nền kinh tế quốc dân phải nghiên cứu quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo triển khai Quyết định này, bao gồm:

1. Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài.

2. Tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.

3. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và môi trường.

4. Tăng trưởng xanh phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước.

5. Tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số. Kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững, tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh.

6. Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Chương trình tăng trưởng xanh của nhà nước có 4 mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu I: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP

Mục tiêu II: Xanh hóa các ngành kinh tế

Mục tiêu III: Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững

Mục tiêu IV: Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Xác định nội hàm của khái niệm "Khuyến học xanh"

Cùng với Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia", Chiến lược "Chuyển đổi xanh" sẽ được triển khai trong mọi lĩnh vực hoạt động thuộc nền kinh tế quốc dân, trong đó có giáo dục, đào tạo và khuyến học. Để xác định hướng chuyển đổi xanh trong hoạt động khuyến học theo đúng mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Hội Khuyến học phải nghiên cứu xem khi triển khai 2 chức năng chính của Hội sẽ phải giải quyết những nhiệm vụ cụ thể nào.

Chức năng thứ nhất: Hỗ trợ, khuyến khích hoạt động Dạy và Học trong hệ thống giáo dục ban đầu để góp phần với ngành giáo dục tạo nguồn nhân lực mới (New Human Resources) chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức.

Chức năng thứ hai: Thúc đẩy, vận động việc học tập suốt đời của người lớn, xây dựng nhân lực tại chỗ chất lượng cao, giúp lực lượng lao động trong các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, an ninh, quốc phòng... thông qua hoạt động học tập và tự học thường xuyên để phát huy tận lực những tiềm năng trong mỗi cá nhân, nhờ đó có năng suất lao động cao, sáng tạo trong mọi hoạt động, cải thiện đời sống cá nhân và sự phát triển bền vững của xã hội.

Xác định mục tiêu của Khuyến học xanh

1. Khuyến học xanh phát triển và mở rộng các kiến thức, kỹ năng, thái độ, các giá trị và quan điểm để đào tạo những thế hệ có những năng lực phát triển các mô hình sống bền vững – Là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, Khuyến học xanh định hướng những nội dung học tập suốt đời vào việc bảo vệ môi trường, tạo ra sự công bằng cho mọi công dân về mặt sinh thái, giúp cho mọi cá nhân và cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ tương lai con người trước những nguy cơ suy thoái của môi trường sống.

2. Trong hệ thống giáo dục người lớn, Khuyến học xanh không đơn thuần là việc lồng ghép những vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng sạch… vào các chuyên đề học tập thường xuyên, vào các khóa học trực tiếp và trực tuyến, mà quan trọng hơn là nó chuyển đổi cách thức dạy học và học tập trong các cơ sở giáo dục không chính quy, cung cấp những phương pháp học tập hiện đại trên cơ sở những công nghệ học tập mới, giúp các học viên tự học, tự định hướng việc học tập vì công việc đảm nhiệm theo chương trình chuyển đổi xanh của quốc gia.

3. Trong khả năng và chức năng của mình, các tổ chức khuyến học hỗ trợ việc xanh hóa trường lớp chính quy ở cấp hành chính cơ sở theo hướng gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, triển khai những hoạt động Dạy và Học xanh hóa về nội dung và tăng cường công việc thực hành trải nghiệm được lối sống xanh, xây dựng ý thức xanh, trách nhiệm xây dựng trường lớp xanh của Thầy và trò, thay thế dần khuôn viên của trường, lớp truyền thống.

4. Đào tạo những công dân học tập có những kỹ năng và ý thức bảo vệ môi trường sinh thái khỏi những tác động của khí thải nhà kính, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, xây dựng những thói quen tiết kiệm điện, nước, vệ sinh nơi làm việc, nơi công cộng và nhà ở, ứng xử đúng mức với môi trường sống để luôn có được không gian sống xanh, sạch đẹp.

Khuyến học xanh đi đầu trong chiến lược chuyển đổi xanh của Chính phủ - Ảnh 2.

Thế hệ mới dễ dàng tiếp cận với giáo dục xanh hơn. Ảnh: green school

Xác định các đối tượng học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục chính quy năm học 2024-2025

1. Các nhóm nhân khẩu học có mặt trong hệ thống giáo dục chính quy năm học 2024 - 2025

Bảng 1: Các thế hệ học sinh, sinh viên năm học 2024-2025

Loại hình trường

Lớp

Năm sinh

Thế hệ

Nhà trẻ

Nhóm trẻ từ 6 tháng đến 1 năm

2024

Alpha

Nhóm trẻ 2 tuổi

2023

Mẫu giáo

Mẫu giáo nhỏ

2022

Alpha

Mẫu giáo nhỡ

2021

Mẫu giáo lớn

2020

Tiểu học

Lớp 1

2019

Alpha

Lớp 2

2018

Lớp 3

2017

Lớp 4

2016

Lớp 5

2015

Trung học cơ sở

Lớp 6

2014

Alpha

Lớp 7

2013

Lớp 8

2012

Z

Lớp 9

2011

Trung học phổ thông

Lớp 10

2010

Z

Lớp 11

2009

Lớp 12

2008

Đại học

Năm thứ nhất

2007

Z

Năm thứ hai

2006

Năm thứ ba

2005

Năm thứ tư

2004

Thế hệ Alpha: Nhóm nhân khẩu có khoảng thời gian sinh từ 2013 đến nay

Thế hệ Z: Nhóm nhân khẩu có khoảng thời gian sinh từ 1997 đến 2012

Với những học sinh không học Trung học phổ thông, mà theo học hệ Trung cấp nghề thì đều thuộc thế hệ Z.

2. Sự xuất hiện thế hệ Beta đầu năm 2025

Những đứa trẻ cuối cùng của thế hệ Alpha được sinh ra trước phút giao thừa đón năm 2025. Những đứa trẻ được sinh ra trong giờ phút đầu tiên của năm 2025 được các nhà nhân khẩu học đặt tên là nhóm nhân khẩu thuộc thế hệ Beta - đàn em của thế hệ Alpha.

Thế hệ Beta (Generation Beta - Gen Beta) là nhóm người xuất hiện từ 1/1/2025 đến 31/12/2039.

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì thế hệ Beta có thể sẽ mang những nét đặc trưng sau:

- Sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) phát triển mạnh mẽ;

- Sẽ là thế hệ đầu tiên tương tác với AI một cách tự nhiên từ khi còn nhỏ;

- Có thể sẽ trải nghiệm nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu;

- Được dự đoán là có tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi cao.

Phải sang năm 2026 thì mới có những đứa trẻ Beta được cha mẹ gửi vào Nhà trẻ và hết năm 2027 các em bé Beta mới có mặt trong các trường, lớp mẫu giáo. Nhưng, ngay từ bây giờ các hoạt động dịch vụ cho thế hệ này đã được nhiều công ty thúc đẩy, vì đây là những khách hàng tiềm năng.

3. Các thế hệ đã qua giai đoạn học tập ở hệ thống giáo dục ban đầu, đi vào lao động sản xuất, tham gia học tập thường xuyên giai đoạn 2025 -2030

Trong thực tế, có một số thanh niên học ở hệ đại học 6 năm hay 7 năm thì đều thuộc thế hệ Z, nhưng đây là số ít. Phần lớn những thanh niên thuộc thế hệ Z sẽ lần lượt đi vào lao động trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân từ năm 2017. Tính đến năm 2024, thành viên lớn nhất của thế hệ Z đã 27 tuổi. Như vậy, đến nay những lao động trẻ nhất thuộc về thế hệ Z – một thế hệ vượt trội so với thế hệ cha anh (thế hệ Y và X) về năng lực kỹ thuật số và năng lực học ngoại ngữ.

Trong giai đoạn 2025-2030, đối tượng người lớn mà công tác khuyến học có nhiệm vụ chăm lo việc học tập suốt đời gồm một bộ phận thanh niên của thế hệ Z, số đông đảo nhất thuộc thế hệ Y và nhóm trung niên của thế hệ Z

Ghi chú:

Thế hệ Y: Nhóm nhân khẩu có khoảng thời gian sinh từ năm 1981 đến năm 1996

Thế hệ X: Nhóm nhân khẩu có khoảng thời gian sinh từ năm 1965 đến năm 1980

Xác định nhiệm vụ của Khuyến học xanh với các đối tượng học tập trong hệ thống giáo dục chính quy giai đoạn 2025-2030

Chức năng của Hội Khuyến học Việt Nam đối với hệ thống giáo dục ban đầu theo hình thức giáo dục chính quy là Khuyến khích và hỗ trợ hoạt động Dạy và Học trong các thiết chế giáo dục dành cho thế hệ trẻ. Do đó, chương trình Khuyến học xanh xác định những nhiệm vụ đối với những đối tượng học trong hệ thống này như sau:

1. Hệ thống giáo dục mầm non (Nhà trẻ và Trường Mẫu giáo)

Thông qua các khóa học ngắn hạn tại Trung tâm học tập cộng đồng, các hội thảo, hội nghị tại nhà văn hóa, câu lạc bộ… Hội Khuyến học địa phương nâng cao nhận thức cho công đồng dân cư và cho giáo viên, cán bộ giáo dục trên địa bàn hành chính cấp xã về ý nghĩa, mục đích xanh hóa các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, trách nhiệm của mọi người chung sức xây dựng khuôn viên các cơ sở giáo dục cho trẻ em thân thiện với môi trường, giúp trẻ em sống gần gũi với thiên nhiên.

Tổ chức khuyến học ở địa phương tham mưu với lãnh đạo Đảng và chính quyền cùng cấp có chính sách xanh hóa trường lớp giáo dục mầm non, bảo đảm các trường lớp luôn xanh, sạch, đẹp, đủ điều kiện để trẻ được nuôi dưỡng chu đáo, phát triển hài hòa sức khỏe thể chất và tinh thần.

2. Hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn hành chính cấp xã (Trường Tiểu học và Trung học cơ sở)

Hội khuyến học cấp xã chủ động phối hợp với Hội phụ nữ, Hội Cựu giáo chức, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Cựu chiến binh và các doanh nghiệp… giúp cho các trường phổ thông trên địa bàn cấp xã những việc sau:

- Phát triển các hình thức tuyên truyền trong nhân dân về những hiểu biết và những hành động cần thiết để xanh hóa trường học.

- Tùy theo chức năng và nguồn lực của cá nhân, các tổ chức xã hội giúp các trường trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường. Trong trường hợp sân trường chật hẹp, giúp nhà trường các chậu cây xếp ở sân, ở các hành lang, trồng cây dây leo bám sát lan can và tường…

- Vận động nhà trường tổ chức thường xuyên việc giáo viên hướng dẫn học sinh thu gom và phân loại rác thải, làm vệ sinh đường đi lối lại xung quanh trường, vận động thầy trò hạn chế dùng cốc chén, bát đĩa và đồ dùng nhựa.

- Tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa theo chuyên đề trường học xanh và các hoạt động trải nghiệm xanh để hình thành và phát triển lối sống xanh, lối tư duy xanh, ý thức tiêu dùng xanh, ăn uống lành mạnh, bảo đảm tốt sức khỏe học đường cho học sinh và thày giáo.

3. Hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn cấp huyện

Trên địa bàn hành chính cấp huyện có trường Trung học phổ thông; một số quận, huyện có trường trung học liên cấp.

Để triển khai chương trình khuyến học xanh ở cấp huyện, Hội Khuyến học cấp huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng cấp, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp hỗ trợ trường Trung học phổ thông phát triển các hoạt động sau:

- Soạn thảo những tư liệu học tập theo chủ đề về rác thải, ô nhiễm môi trường, sản phẩm nhựa, năng lượng hóa thạch… để nhà trường thường xuyên cập nhật trên các kênh Zalo, Facebook, Fanpage…, từ đó lan tỏa đến giáo viên và học sinh. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức cho học sinh về tầm quan trọng của việc xây dựng trường học xanh, lối sống xanh và phát triển tư duy xanh ở mỗi học sinh.

- Hội khuyến học cùng với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, cảnh sát giao thông, phụ huynh, học sinh… vận động học sinh đi học bằng xe đạp, đi bộ (nếu trường không quá xa nơi ở), hoặc dùng xe máy chạy điện để giảm thiểu việc dùng nhiên liệu hóa thạch.

- Phối hợp với nhà trường phát động thi đua tạo dựng mô hình trường học không rác thải (thông qua việc thu gom rác thải, phân loại rác thải, tái chế rác thải thành các sản phẩm như đồ chơi cho trẻ em, đồ dùng học tập, hạn chế tối đa túi ni lông…) tiết kiệm điện qua việc thay thế điện lưới bằng điện mặt trời.

- Vận động nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp và các trường đại học xây dựng các tài liệu hướng nghiệp xanh, khởi nghiệp xanh, kinh tế xanh, định hướng cho học sinh chọn trường, chọn nghề, lập thân, lập nghiệp phù hợp với xu hướng xây dựng đất nước thành vùng xanh (Green Zone), quốc gia xanh (Green Country)

- Vận động Ban giám hiệu và hội đồng giáo viên giảm bớt các tiết học lý thuyết đơn thuần, thay bằng những giờ học trải nghiệm, những hoạt động thực nghiệm, thực hành, những đề án mang ý nghĩa xanh hóa nội dung các môn học để xây dựng tầm nhìn xanh và lối tư duy xanh ngay từ khi học sinh còn đang ngồi trên ghế học đường.

- Hội khuyến học động viên, khích lệ các doanh nghiệp, các trường cao đẳng và đại học hỗ trợ về trang thiết bị dạy học thông minh để nhà trường trung học phổ thông chuyển nhanh sang việc thực hiện dạy học trực tuyến, đưa các nội dung xanh hóa môi trường, xanh hóa hệ sinh thái qua các giờ sinh hoạt chính khóa và ngoại khóa cho đông đảo học sinh và những người quan tâm.

Chương trình "Khuyến học xanh" với hệ thống giáo dục người lớn

Trong giai đoạn 2025-2030, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai Quyết định 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg. Đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội. Nội dung cơ bản là Hội sẽ hoàn chỉnh các mô hình học tập trong 2 Quyết định đó.

Việc hoàn thiện chất lượng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã coi công dân học tập là yếu tố trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập.

Trong giai đoạn 2021-2024, mô hình công dân học tập đã được bổ sung những chỉ tiêu về năng lực số, và đây là số đo chất lượng mới so với mô hình này trong Quyết định 281/QĐ-TTg giai đoạn 2012-2020.

Bắt đầu từ năm 2025, mô hình công dân học tập sẽ được triển khai trong sự song hành 2 chương trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, và muốn hay không, việc bổ sung một số yêu cầu để xanh hóa năng lực của công dân học tập giai đoạn 2025-2030 là không thể thiếu. Với lý do đó, Chương trình "Khuyến học xanh" sẽ đặt ra những vấn đề sau đây để có được mô hình "Công dân học tập" trong tiến trình chuyển đổi xanh.

1. Mục tiêu xây dựng mô hình công dân học tập trong chương trình "Khuyến học xanh"

- Nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ học tập ý nghĩa của chiến lược tăng trưởng xanh trong Quyết định 1658/QĐ-TTg

- Xây dựng lối sống xanh, tư duy xanh và kỹ năng xanh trong công việc và trong đời sống.

- Xanh hóa các thiết chế giáo dục không chính quy (Trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện) để tạo ra những môi trường giáo dục xanh, giúp cho mỗi công dân học tập tự học, tự định hướng công việc đáp ứng yêu cầu của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và môi trường sinh thái xanh.

- Tạo điều kiện để mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập trở thành môi trường chuyển đổi xanh để nuôi dưỡng công dân học tập phát triển những hiểu biết và những kỹ năng xanh.

2. Bổ sung một số kỹ năng xanh và phẩm chất xanh một cách hợp lý vào 10 chỉ số đo về những kỹ năng cơ bản và những phẩm chất mong muốn của 3 năng lực cốt lõi trong mô hình công dân học tập theo Quyết định 677/QĐ-TTg

3. Bổ sung một số chỉ số đo trong những Bộ tiêu chí đánh giá công nhận mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập để những mô hình này được xanh hóa, từ đó sẽ tạo điều kiện cho mỗi thành viên trong đó trở thành công dân học tập của giai đoạn xanh hóa quốc gia.

4. Trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin, tạo ra phương pháp dạy và học tại trung tâm học tập cộng đồng theo hướng dạy và học trực tuyến, mở ra các khóa học theo các chuyên đề xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, xanh hóa môi trường sống cho đông đảo cư dân ở nông thôn và ở đô thị, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh theo tinh thần chuyển đổi xanh quốc gia.

5. Tổ chức các cuộc tọa đàm, các hội thảo, hội nghị tại Nhà văn hóa, câu lạc bộ của xã để chia sẻ những hiểu biết về chiến lược tăng trưởng xanh, những mô hình trường học xanh, nông nghiệp xanh, khởi nghiệp xanh hiện đã hình thành để rút ra những bài học áp dụng cho việc xây dựng các mô hình sống theo xu hướng xanh hóa.

Bình luận của bạn

Bình luận