Giáo dục xanh - chiến lược toàn cầu

GS.TS Phạm Tất Dong
08:55 - 20/10/2024
Công dân & Khuyến học trên

"Giáo dục xanh" chuyển đổi cách thức Dạy và Học, chuyển cách học tập truyền thống sang cách học hiện đại, giúp người học tự định hướng học tập và có năng lực sáng tạo trong việc tương tác với thế giới bên ngoài bằng lối tư duy tăng trưởng của mình.

Giáo dục xanh - chiến lược toàn cầu - Ảnh 1.

Giáo dục xanh khuyến khích người trẻ tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sức khoẻ và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: green school

Khái niệm "Giáo dục xanh"

Giáo dục xanh (Green Education) không đơn thuần là cơ sở vật chất – kỹ thuật hoặc chương trình đào tạo của nền giáo dục được xanh hoá, mà là một nền giáo dục với tư cách là một mô hình giáo dục hiện đại vì mục tiêu phát triển bền vững (Education for Sustainable Development – ESD).

Giáo dục xanh phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ, các giá trị và quan điểm để đào tạo ra những thế hệ có những năng lực đóng góp cho sự phát triển các mô hình sống bền vững hơn. Giáo dục xanh định hướng tương lai, tập trung vào việc bảo vệ môi trường, tạo ra một thế giới công bằng hơn về mặt sinh thái, một xã hội văn minh hơn, giúp cho cá nhân và cộng đồng suy nghĩ sâu sắc về bảo vệ tương lai của con người trước nguy cơ của suy thoái hệ sinh thái.

Giáo dục xanh không chỉ là một sự lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu, sự nghèo đói, những tiêu dùng làm kiệt quệ tài nguyên, mà quan trọng hơn là nó làm chuyển đổi cách thức Dạy và Học, chuyển cách học tập truyền thống sang cách học hiện đại, giúp người học tự định hướng học tập và có năng lực sáng tạo trong việc tương tác với thế giới bên ngoài bằng lối tư duy tăng trưởng của mình.

Mục tiêu của giáo dục xanh

1. Phát huy những năng lực cho học sinh, sinh viên và học viên người lớn để họ trở thành những lao động đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế xanh, xã hội xanh và môi trường sinh thái xanh phát triển bền vững.

2. Xây dựng hệ thống trường học xanh, sống gần gũi với thiên nhiên, triển khai các chương trình giáo dục xanh với những lớp học thông minh, thay thế hệ thống trường học truyền thống.

3. Phát triển hệ thống giáo dục theo triết lý "Con người sống gần với thiên nhiên, ứng xử đúng mực với Trái đất".

Một số trường học xanh nổi tiếng trên thế giới

Trường Tiểu học Fabindia (Ấn Độ)

Trường Tiểu học Fabindia được xây dựng trong một khuôn viên với rất nhiều cây xanh, một sân khấu ngoài trời, một rừng cây bao bọc nhà trường tạo ra một môi trường thiên nhiên hoàn hảo, thân thiện với học sinh.

Trường Tiểu học Fabindia sử dụng năng lượng mặt trời, đáp ứng gần 90% nhu cầu cho mọi hoạt động Dạy và Học cùng các sinh hoạt giáo dục khác trong khuôn viên nhà trường. Mỗi lớp học có 2 thùng rác để học sinh thực hiện phân loại rác. Nhà trường tận dụng thức ăn thừa và rác thải hữu cơ để làm phân bón cho các cây xanh trong trường học. Nhà trường có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa để sử dụng cho nhu cầu dùng nước thiết yếu của trường.

Trường Tiểu học Fabindia là một không gian xanh rộng mở, trong đó, học sinh được giáo dục một lối sống xanh, tiêu dùng xanh, ứng xử đúng đắn với môi trường xanh trong trường học.

Trường Tiểu học Uaso Ngrio (Kenya)

Trường Tiểu học Uaso Nyrio được xây dựng trên một vùng đất khô cằn, nguồn nước cần thiết rất hạn chế. Vì thế, tận dụng tối đa nguồn nước mưa là bài toán đặt ra hàng đầu cho những người thiết kế ngôi trường này.

Nguồn nước mưa được thu gom, lưu trữ trong một bể nước ngầm với sức chứa 350.000 lít mỗi năm. Bể nước này được xử lý để cung cấp nước uống trong nhà trường và cộng đồng xung quanh, tưới cho vườn thực phẩm trong trường.

Học sinh trong trường được hướng dẫn tìm hiểu thông tin và ý nghĩa về nguồn nước sạch mà nhà trường sử dụng. Sự hiểu biết này được học sinh lan toả đến gia đình và trong cộng đồng, giúp cho dân cư hiểu và có ý thức giữ gìn nguồn nước mưa. Nhờ đó, nhân dân có nhận thức tốt và tham gia các hoạt động bảo vệ nguồn nước sạch.

Giáo dục xanh - chiến lược toàn cầu - Ảnh 2.
Giáo dục xanh - chiến lược toàn cầu - Ảnh 3.
Giáo dục xanh - chiến lược toàn cầu - Ảnh 4.

Trường Trung học Heimdal (Na Uy). Ảnh: heimdal school

Trường Trung học Heimdal (Na Uy)

Trường Heimdal là một trong những dự án thí điểm của Trung tâm Nghiên cứu về các toà nhà không phát thải (ZEB) ở Na Uy. Nó được coi là Trường học xanh đa năng. Trường có cả nhà thể thao, âm nhạc, khiêu vũ và sân khấu cho cộng đồng địa phương. Nhà thi đấu của trường có sức chứa tới 2500 khán giả với toàn bộ diện tích lớn gấp 3 lần một sân bóng ném. Hội trường trong trường được sử dụng như một nhà hát dành cho các buổi hoà nhạc, có sức chứa 4000 khán giả.

Trường Heimdal có thiết kế hiện đại, tiêu thụ năng lượng ít hơn 75% so với một toà nhà, không phát thải khí nhà kính khi hoạt động, trong đó 71% năng lượng cần thiết được sản xuất tại chỗ thông qua một máy bơm địa nhiệt, pin mặt trời và một trạm điện chạy bằng khí sinh học. Nhà trường tận dụng nhiệt lượng dư thừa để làm ấm một bể bơi liền kề trường học và nguồn điện phụ sẽ được nhập vào lưới điện.

Trường Tiểu học Tulum (Mexico)

Trường Tiểu học Tulum được xây dựng tại khu tàn tích của người Maya cổ đại, thuộc thành phố Tulum (Mexico). Cánh rừng rậm Selvazamá bao quanh trường với những tán lá xanh tốt che rợp khu trường. Thầy, trò trường Tulum đắm mình trong khu di tích văn hoá lâu đời, và đi xa hơn một chút, họ tận hưởng bãi cát mịn của vùng Caribe nổi tiếng.

Khu rừng già Selvazamá được coi là một môi trường xanh hiếm có, vô cùng tuyệt vời bởi thiên nhiên kỳ thú và động, thực vật rất đa dạng. Những người sáng lập khu dân cư tổng thể Selvazamá đã đặt trường Tiểu học Tulum vào đây để nó có được một môi tường xanh bền vững lâu dài.

Những nhà kiến trúc và kỹ sư có trách nhiệm xây dựng khu trường đã chọn vật liệu xây dựng là tre và gỗ của địa phương. Họ thiết kế khu trường học theo ý tưởng làm cho khu trường kết hợp hoàn hảo với cảnh quan nơi này. Nguồn điện sử dụng trong trường hoàn toàn từ những tấm pin mặt trời và nguồn nước tự nhiên.

Nhà trường thực hiện phương pháp "dạy học giao tiếp với học sinh"; Học sinh tiểu học Tulum không phải làm bài tập và bài kiểm tra. Các giáo viên, chủ yếu là các chuyên gia giáo dục tiến hành nghiên cứu kỹ và chuyên sâu để xác định chính xác lý do tại sao học sinh lại gặp khó khăn trong từng môn học cụ thể, từ đó giúp các em có một cách học để phát triển tư duy sáng tạo.

Trường Tulum được xây dựng thành một mô hình nhà trường "Không có bức tường hay ranh giới, để học sinh thấy không gì là không thể". Đây không chỉ là một trường học, mà công việc xây dựng mô hình trường nằm trong phong trào toàn cầu với mục đích góp phần làm cho hệ thống nhà trường trên thế giới ngày càng xanh hơn.

Học sinh tiểu học Tulum học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Maya, cùng với các môn Toán, Khoa học, Nhân văn, tiếng Anh, Môi trường, Nghệ thuật và Sức khoẻ. Trường hướng tới một cộng đồng học sinh toàn cầu, vì một thế giới phát triển bền vững.

Giáo dục xanh - chiến lược toàn cầu - Ảnh 5.

Trường mẫu giáo Green School Bali (Indonesia). Ảnh: Learnt

Trường mẫu giáo Green School Bali (Indonesia)

Trường Green School Bali là trường mẫu giáo tư thục, được xây dựng gần sông Ayung (Bali, Indonesia). Vợ chồng John và Cynthia xây dựng trường này vào năm 2006. Năm 2008, Trường mở cửa tháng 9/2008. Ban đầu có 90 học sinh. Trường kết nối khu rừng rậm với cánh đồng lúa. Một chiếc cầu tre bắc qua sông Ayung, dẫn đến cổng trường. Hiện nay, số học sinh của trường đã lên đến 400 em.

Trường có 70 toà nhà, chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho toàn bộ hoạt động trong trường. Khuôn viên trường được thiết kế trên nguyên tắc của hệ thống canh tác hữu cơ bền vững. Các toà nhà của trường được xây dựng chủ yếu từ nguồn tài nguyên tái tạo bao gồm tre, cỏ địa phương và tường bùn truyền thống.

Việc vận chuyển học sinh và giáo viên dựa vào hệ thống Bio Bus do một doanh nghiệp xã hội cung cấp. Hiện Green School có 4 xe Bio-bus, mỗi xe 18 chỗ, chạy bằng nhiên liệu sinh học, làm từ dầu ăn đã qua sử dụng. Học sinh cuối cấp đều sử dụng máy tính xách tay để học tập.

Trường Đại học California (Davis, Mỹ)

Trường Đại học California nổi tiếng về sự xanh hoá của nó. Đây là ngôi trường đứng đầu danh sách về những nỗ lực hướng đến sự phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Trường sở hữu một khu rừng cây xanh rộng trên 40ha, gồm 22.000 cây vùng Địa Trung Hải. Chương trình đào tạo của trường cũng đem lại chất lượng cao cho việc đào tạo các sinh viên môi trường như kinh tế nông nghiệp, côn trùng học, sinh học tiến hoá, thực vật học và hệ sinh thái.

Trường Đại học Brown (Mỹ)

Trường được xây dựng ở thành phố Providence (Rhode Island). Trong trường có rất nhiều không gian xanh, ít khi bắt gặp ở các trường giữa lòng thành phố.

Chương trình "Brown is Green" luôn hướng đến việc giảm thiểu tối đa năng lượng hao hụt khi sử dụng cũng như tác động xấu đến môi trường. Từ năm 2018 đến nay, Đại học Brown đã giảm 26,6% lượng carbon thải ra môi trường. Sinh viên của trường có những trải nghiệm thú vị tại những không gian xanh liên kết với các khu vực học tập.

Trường Đại học Bang Colorado (Mỹ)

Trường được xây dựng trên khu đất rộng hơn 2000ha với một không gian trồng 65 loại cây du (Elm trees) giữa khuôn viên nhà trường.

Nhà trường có công viên Pingree, giúp sinh viên được tận hưởng thế giới tự nhiên của núi Rocky.

Ta có thể tìm đến nhiều trường đại học xanh của Mỹ như:

- Trường Cao đẳng Green Mountain

- Trường Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill

- Trường Đại học Stanford

- Trường Đại học Geogretown

- Trường Đại học Emory

- Trường Đại học Cornell

Trường Capilano University (Canada)

Đại học Capilano được thành lập năm 1968 tại Bang British Columbia. Trường có 3 cơ sở: Một cơ sở ở Bắc Vancouver, một cơ sở ở Squamish và một cơ sở ở Sechelt. Capilano có một khuôn viên rộng lớn, được bao trùm bởi cảnh sắc xanh tươi, đúng với danh tiếng Đại học xanh hàng đầu của Canada.

Capilano có ký túc xá rộng rãi, trang thiết bị hiện đại, có khu tự học, phòng thực hành – thực nghiệm, phòng máy tính, thư viện. Trường cung cấp Chương trình đào tạo 130 ngành nghề khác nhau. Số sinh viên nước ngoài có khoảng 1800 người đến từ 74 quốc gia.

Đây là trường đại học mà hầu như sau tốt nghiệp, không có người nào không tự kiếm cho mình một nghề trong tay.

Trường Trung học Jean Moulin (Pháp)

Vốn là một khu nhà được xây dựng trên sườn đồi cỏ xanh, với một kiến trúc cổ kính. Sau đó một thời gian, cơ ngơi nay xuống cấp, lãnh đạo của địa phương đã giao cho công ty kiến trúc Ducan Lewis Scape Architecture xây dựng lại với một dự án thiết kế trường học kết nối chặt chẽ với môi trường có các cấu trúc phân tầng độc đáo. Công ty này xây dựng ngôi trường với ý tưởng giữ lại các mối quan hệ cộng sinh giữa cấu trúc nhân tạo với môi trường tự nhiên, cố gắng giảm thiểu tối đa tác động của nhà trường tới môi trường.

Cấu trúc nhà trường được chia thành những phần xây dựng theo hàng ngang, tạo thành một khu lớp học như kiểu ruộng bậc thang trên sườn đồi, được bao phủ bởi một thảm thực vật dày đặc của những cây cao và cây bụi. Các toà nhà được xếp sắp lên cao dần đến đỉnh đồi. Các lớp học đều có cửa sổ nhìn xuống thung lũng tuyệt đẹp và dòng sông nên thơ phía dưới. Phần thấp nhất của nhà trường dành cho các cơ sở thể dục, đường chạy, phòng tập thông minh. Trong trường còn có khu vực "La Place" dành cho nhiều hoạt động khác nhau, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu giải trí của học sinh và giáo viên.

Sự phát triển trường học xanh ở Việt Nam

Triển khai "Chương trình Trường học xanh"

Hoà nhập vào trào lưu xây dựng Trường học xanh toàn cầu, ở Việt Nam đang thực hiện "Chương trình Trường học xanh" nhằm giáo dục thế hệ trẻ hiểu được sự cần thiết phải coi đây là việc làm thiết thực để đối phó với nạn ô nhiễm môi trường khá trầm trọng lúc này và nguy cơ của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Đối tượng tham gia chương trình là học sinh từ lớp 3 trở lên, chủ yếu là các lớp thuộc cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Hiện đã có 110 trường tham gia với trên 43.000 học sinh, thể hiện hàng chục nghìn những hành động xanh rất thiết thực.

Để giáo viên có hiểu biết hướng dẫn học sinh thực hiện các hành động xanh, chương trình đã có kế hoạch tập huấn sau đây:

- Thông qua khoá học trực tuyến hoặc trực tiếp, giúp giáo viên nắm vững nội dung cần triển khai trong trường học;

- Cụ thể hoá các giải pháp xanh hoá của nhà trường;

- Hướng dẫn học sinh thực hiện những hành động xanh tại nhà, tại trường, tại cộng đồng.

Về hành động cụ thể, thầy và trò cần nắm chắc mấy vấn đề cơ bản sau:

Biết quản lý công việc xanh hoá nhà trường; Xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường theo hướng xanh hoá; Phát triển các hình thức tuyên truyền để lan toả những hiểu biết và hành động cần thiết để xanh hoá trường học; Có kỹ năng thực hành xanh.

Sau khi giáo viên có đủ những kỹ năng và tri thức cần thiết để triển khai "Chương trình xanh" thì các thầy, cô giáo đưa học sinh vào hoạt động.

Hoạt động 1: "Thách thức hiểu biết của học sinh"

- Giúp học sinh truy cập website (http://thehexanh.edubit.vn) để nắm được mục tiêu, ý nghĩa và hành động xanh hoá nhà trường.

- Tổ chức đố vui dưới hình thức "Rung chuông vàng" trên nền tảng Kahoot, Mentimeter, Google Form.

- Chiếu phim, đọc tài liệu, xem các video clip.

Hoạt động 2: "Thách thức hành động của học sinh"

- Yêu cầu học sinh theo dõi chất lượng không khí, bụi mịn, khói bụi để có hành động đáp ứng. Vận động học sinh ra đường đeo khẩu; đi bộ đến trường hoặc đi xe đạp; sử dụng túi vải, nói không với túi nilon; thu gom rác thải và phân loại rác thải tại nhà, tại trường, trên đường phố…

- Chia sẻ hành động xanh đã thực hiện lên trang Facebook, tạo các clip v.v…

Xây dựng Trường học xanh

Trường học xanh là một trong những công trình xanh mà một đô thị xanh nhất thiết phải có. Trường học xanh ở Việt Nam hiện đang từng bước được xây dựng với thiết kế gồm 3 yêu cầu phải đạt:

- Cơ sở vật chất kỹ thuật xanh bảo đảm thân thiện với môi trường.

- Xây dựng chương trình giáo dục xanh, giúp thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ môi trường xanh vì sự phát triển bền vững, có lối tư duy xanh, những kỹ năng hành động xanh và lối sống xanh.

- Trường học gắn với cộng đồng được xanh hoá.

Trường học xanh ở Việt Nam được xây dựng ở các cấp học mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học. Hiện nay, những trường học trong hệ Genesis School đều thiết kế từ hướng nắng, đón gió, vật liệu xây dựng và mọi thiết bị lắp đặt trong trường đều được tính toán kỹ lưỡng nhằm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu nước tiêu thụ nước và năng lượng, bảo đảm độ bền, ít xả thải. Chương trình học tại Genesis School được xây dựng trên hệ quy chiếu sống xanh.

Trường học không quả đi sâu vào các lí thuyết, mà rất chú trọng đến thực hành, cụ thể là giảm việc dùng đồ nhựa (anti – plastic), thực hiện 3 quy tắc: Giảm thiểu (Reduce), Tái chế (Recycle), Tái sử dụng (Reuse).

Học sinh được tiếp xúc với thiên nhiên, phát triển ý thức và tình yêu với cây cỏ, hoa lá, học cách bảo vệ thiên nhiên, có lối sống xanh lành mạnh.

Giáo dục xanh - chiến lược toàn cầu - Ảnh 7.

Genesis Tây Hồ đã có 5 năm đi vào hoạt động. Ảnh: Genesis

Genesis Tây Hồ (Hà Nội)

Trường Genesis Tây Hồ nằm giữa trục Nguyễn Văn Huyên mới dẫn vào khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Tổng diện tích hơn 6000m² với kiến trúc xây dựng bảo đảm 3 tiêu chí chất lượng quốc tế về không gian, công năng và thẩm mỹ.

Thiết kế của nhà trường theo triết lý "Khởi nguyên xanh", lấy cảm hứng từ các yếu tố thiên nhiên như giọt nước, lá cây, viên cuội, tảng đá… những vật chất khởi nguyên của trái đất.

Thiết kế nhà trường mô phỏng viên đá cuội đặt giữa không gian xanh (chiếm hơn 60% diện tích xây dựng. Các thiết bị đều thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm 46,7% lượng nước, 51% năng lượng sử dụng.

Genesis Tây Hồ là trường liên cấp từ Mầm non đến Trung học cơ sở.

Giáo dục xanh - chiến lược toàn cầu - Ảnh 8.

Green school không chỉ là nơi trang bị kiến thức, kĩ năng cho học sinh; nơi làm việc của cán bộ giáo viên nhà trường mà còn là một gia đình, nơi mà mỗi thành viên đều được trân trọng và yêu quý.

Trường Quốc tế Việt – Úc (Gò Vấp – Thành phố Hồ Chí Minh)

Đây là Trường Mầm Non, mệnh danh là ngôi trường xanh với chương trình đào tạo song ngữ, được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn. Đó là một Garden Hills Mega Campus có lối kiến trúc mở, 60% diện tích được bao phủ bởi các mảng xanh.

Trẻ em ở đây mỗi ngày có 60 hoạt động thể chất trong không gian xanh, vừa vui chơi vừa có những cách tập luyện sức khoẻ, nhờ đó tránh suy dinh dưỡng thừa cân béo phì cũng như suy dinh dưỡng thể gầy còm, thấp bé.

Sân chơi phủ lớp cỏ xanh mịn, trẻ chạy nhảy không lo bị thương tích khi ngã. Hơn nữa, trong giờ hoạt động trên sân cỏ, mọi trẻ em đều được theo dõi quản lý chặt chẽ.

Toàn bộ lớp học ở đây đều sử dụng hệ thống thông gió và tận dụng nguồn ánh sáng tự niên, tiết kiệm năng lượng tối đa. Trang thiết bị dạy và học đầy đủ. Chương trình học được lồng ghép với nội dung xây dựng ý thức bảo vệ môi trường.

Trường Tiểu học xanh Phạm Hồng Thái (Đà Nẵng)

Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái được công nhận là đơn vị xuất sắc về xanh hoá, được mệnh danh là trường giảm thiểu rác thải của Quận Ngũ Hành Sơn.

Trong 4 tiêu chí nhà trường thực hiện tốt là chính sách quản lý trường học xanh, cơ sở vật chất – kỹ thuật xanh, giáo dục truyền thống xanh và thực hành xanh, thì thực hành xanh là lĩnh vực nổi lên hàng đầu. Hơn 80% học sinh dùng bình uống nước cá nhân sử dụng nhiều lần để thay bình nhựa; thầy trò sử dụng rác thải hữu cơ, thức ăn thừa trong bếp tập thể để làm phân bón cho vườn trường. Nhà trường có phong trào sử dụng rác thải làm đồ dùng dạy học, tái chế rác thải thành nhiều loại sản phẩm hữu dụng, phân loại rác thải tại nguồn v.v…

Nhà trường cập nhật thường xuyên tài liệu giáo dục về chủ đề rác thải trên các kênh Zalo, Facebook, Fanpage để bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm lớp, từ đó lan toả đến học sinh, phụ huynh các em rồi đẩy mạnh hoạt động ngoại khoá về giảm thiểu rác thải, xây dựng chương trình kế hoạch nhỏ (thu gom rác thải, tái chế và bán sản phẩm tái chế đi gây quỹ lớp giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn).

Cùng với trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, ở Đà Nẵng hiện nay còn có một số trường tham gia vào chương trình nhà trường xanh. Đó là trường Trung học Ông Ích Đường, trường Trung học số 1 Hoà Tiến, trường Trung học số 2 Hoà Tiến, trường Lê Văn Hiến, trường Mai Đăng Chơn, trường Nguyễn Duy Trinh.

Trong xu thế phát triển giáo dục xanh, Hải Phòng có hệ thống Trường xanh Tuệ Đức. Hệ thống này có trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở và trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành. Người ta gọi trường học xanh Tuệ Đức là ngôi trường hạnh phúc.

Tại Cần Thơ, hiện nay đang có cuộc vận động "Trường học xanh, giảm thiểu rác thải". Mô hình thí điểm là trường Tiểu học Tô Hiến Thành. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, Tổ chức Clean Rivers, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh cùng đại diện trường Tô Hiến Thành đã ký kết hợp đồng triển khai Mô hình "Trường học xanh" giảm thiểu rác thải từ năm học 2024 – 2025.

Ở Trà Vinh, Tổ chức UI GreenMetric World University RamKings đã công bố kết quả các trường Đại học xanh trên thế giới vào tháng 12/2023. Trường Đại học Trà Vinh xếp hạng 139/1183 trường tham gia xếp hạng trên thế giới. Trong 4 năm liên tiếp, trường Đại học Trà Vinh đứng vững trong tốp 206 trường đứng đầu xếp hạng xanh trong số 1183 trường trên thế giới tham gia chương trình này.

Việt Nam vốn từng là quốc gia xanh với hệ thống núi rừng trùng điệp, với giải bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam. Giờ đây, Việt Nam không còn là quốc gia xanh hấp dẫn khách du lịch cũng như các nhà đầu tư trên thế giới về phát triển công nghiệp và nông nghiệp vào Việt Nam.

Tham gia xây dựng Trường học xanh có thể coi là một khâu đột phá trong Chương trình Chuyển đổi xanh quốc gia, chuẩn bị một nguồn nhân lực với tư duy xanh, lối sống xanh để đưa quốc gia lên vị trí của vùng đất xanh của thế giới hiện đại.

Bình luận của bạn

Bình luận