Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

N.Cường
15:38 - 15/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 15/12, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.

Tham dự hội thảo có gần 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

Thực hiện tốt dân chủ cơ sở 

Theo Cổng GTĐT Hà Nội, phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng: Dân chủ ở cơ sở là hình thức dân chủ trực tiếp, cùng với dân chủ đại diện hợp thành tổng thể nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của xã hội nước ta. Thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở bao hàm rất nhiều nội dung và bằng nhiều hình thức, trong đó, thể hiện tập trung nhất ở việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị  - Ảnh 1.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: hanoi.gov.vn

Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, thực chất của việc thực hành dân chủ Xã hội chủ nghĩa là phát huy vai trò chủ thể của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hôi khóa XV, sáng 10/11/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ 443/455 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 88,96% tổng số đại biểu Quốc hội).

“Chủ trương pháp chế hóa, quy chế hóa vấn đề dân chủ ở cơ sở được khởi động từ Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII. Từ đó đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng lãnh đạo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong các văn kiện đó và trong nhiều nghị quyết của Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đã khẳng định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của Nhà nước trong việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tập trung vào việc xây dựng và thực hiện tốt Quy chế thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở”, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Trong đó, việc xác định rõ yêu cầu tăng cường việc Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về dân chủ ở cơ sở trong các quy định của pháp luật, quy định cụ thể có ý nghĩa quan trọng. Cùng với đó là tăng cường công tác giám sát, thanh tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các địa phương, đơn vị. 

Đồng thời, định kỳ tổng kết việc thực hiện, kịp thời chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, chống lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Từ thực tiễn thành phố Hà Nội, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành quả của Thành phố trong những năm qua chính là kết quả thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn Thủ đô. Cùng với những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị  - Ảnh 3.

Quang cảnh buổi Hội thảo “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”. Ảnh: hanoi.gov.vn

"Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn nỗ lực, phát huy mạnh mẽ dân chủ, tiên phong trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Cũng theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên khu dân cư. 

Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

4 vấn đề về phát huy dân chủ ở cơ sở

Trên tinh thần đó, thay mặt Ban Tổ chức hội thảo, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong gợi mở 4 vấn đề để các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ: 

Trong đó, cần phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. 

Đánh giá thực trạng phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra; chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục và những nguyên nhân của kết quả, hạn chế đó.

Đồng thời, tập trung phân tích, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất quan điểm và những giải pháp đồng bộ, khả thi để phát huy dân chủ, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Làm rõ hơn những lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng, then chốt, nhất là thực tiễn phát huy dân chủ trong công tác cán bộ và xây dựng chính quyền đô thị tại Thủ đô Hà Nội; vấn đề thực hiện quyền làm chủ và giám sát của nhân dân khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường và tìm tòi những biện pháp xử lý kịp thời, có hiệu quả từ thực tiễn của Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tin tưởng, thông qua hội thảo sẽ góp phần làm đầy đủ, phong phú và thấu đáo hơn về lý luận và thực tiễn, về phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội. 

Đồng thời, nhận diện, đánh giá đúng thực trạng về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô. 

Từ đó, đề xuất quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa công cuộc phát huy dân chủ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội có bước phát triển mới.