Quốc hội thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại TAND

N.Cường
18:13 - 13/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại phiên họp thứ 18, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Theo chương trình Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13/12, tại Nhà Quốc hội, ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

100% đại biểu tán thành thông qua Pháp lệnh về xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, phát biểu kết luận nội dung phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau cuộc làm việc trách nhiệm, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp vào dự án Pháp lệnh do Tòa án nhân dân tối cao trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của việc Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại phiên họp này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc kịp thời sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này đã góp phần thể chế hóa Nghị quyết 27 của Trung ương, xây dựng nền tư pháp ngày càng vững mạnh, chất lượng. Hồ sơ dự án Pháp lệnh đã được chuẩn bị đầy đủ, cụ thể, bảo đảm đúng quy định, đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

nguyen khac dinh.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sửa toàn diện Pháp lệnh, giữa nguyên khoản 4 Điều 2 ở Pháp lệnh 09. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp, đảm bảo tất cả các ý kiến phát biểu đều phải được tiếp thu và giải trình một cách có căn cứ pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chuẩn bị kỹ lưỡng Pháp lệnh sửa đổi 

Thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tháng 12/2021, Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và đảm bảo thời hạn...

Trong hồ sơ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao có gửi hai Tờ trình, Tờ trình lần đầu ngày 2/11/2022, Ủy ban Tư pháp tổ chức thẩm tra ngày 14/11/2022, tức là đang giữa kỳ họp Quốc hội do đó 100 % đại biểu của Ủy ban Tư pháp dự họp và phát biểu rất sôi nổi. 

Gần đây nhất, ngày 5/12 Toà án nhân dân tối cao có Tờ trình mới và Ủy ban Thường Tư pháp có báo cáo thẩm tra mới.

quoc hoi nhat tri.jpg

100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc sửa đổi Pháp lệnh này có một số điểm thuận lợi.

Thứ nhất, đây là sửa Pháp lệnh số 09 được ban hành 8 năm trước; về cơ bản vẫn như Pháp lệnh số 09, tuy nhiên có một số điểm mới do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định và một số luật khác mới ra đời.

Thứ hai, đầu năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 01 và đã được thảo luận kỹ lưỡng, có nhiều điểm mới có thể kế thừa và vận dụng được.

Thứ ba, Quốc hội khoá XV cũng đổi mới cách làm, chuẩn bị từ sớm, từ xa và kết hợp vừa lý thuyết, vừa khảo sát thực tiễn rồi thảo luận đảm bảo vấn đề nào đồng thuận sẽ đưa ra, không đồng thuận phải báo cáo, xin ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nêu rõ, lĩnh vực tư pháp là lĩnh vực rất nhạy cảm, liên quan đến quyền con người, quyền công dân và dễ bị các đối tượng thù địch, trái chiều xuyên tạc, nói xấu, dựng chuyện do đó phải hết sức thận trọng, dù có một ý kiến nhỏ cũng phải thảo luận, cân nhắc thật kỹ lưỡng. Với tinh thần đó, đến hôm nay hồ sơ, tài liệu đã cơ bản thống nhất; Uỷ ban Pháp luật cũng đã rà soát kỹ lưỡng.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đã được làm rất kỹ lưỡng, cẩn thận, đúng luật, có ý kiến Chính phủ và tất cả các cơ quan. Về hai vấn đề cơ quan soạn thảo xin ý kiến, vấn đề thứ nhất là phạm vi sửa đổi pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong chương trình công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là sửa đổi, bổ sung một số điều. 

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Tư pháp và các cơ quan đều thống nhất xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho gọi là Pháp lệnh sửa đổi, tức là sửa đổi toàn diện.

Vấn đề thứ hai, cơ quan soạn thảo xin ý kiến về việc chỉ định luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra và các cơ quan đều thống nhất xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ kế thừa quy định này trong Pháp lệnh số 09 đã thực hiện ổn định trong 8 năm qua. Đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, bảo vệ người chưa thành niên và cũng không có trái với Luật Luật sư.

nguyen hoa binh.jpg

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Giải trình thêm một số nội dung được nêu tại phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đã nêu như sự thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính với quy định 3 ngày hay 5 ngày.

Liên quan đến quy định thủ tục thân thiện, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, dự thảo đã quy định có 6 chủ thể bắt buộc, ngoài ra có trường hợp cần thiết thì có thêm sự tham gia của các chủ thể khác. Với đối tượng vị thành niên thì có thể có sự tham gia của cô giáo, thầy giáo, sự tham gia của các cơ sở y tế, bác sỹ điều trị… 

Trong trường hợp cần thiết, thấy được sự cần thiết cho việc quyết định của trẻ vị thành niên cho hợp lý thì có thêm các đối tượng khác và không nói rõ trong Pháp lệnh bởi đây là các đối tượng không bắt buộc.

Về các điều kiện hoãn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ quy định này được thiết kế theo nguyên tắc chung là không có được dây dưa kéo dài, và phải theo quy định của các tố tụng hình sự, dân sự, hành chính thì chỉ có quyền được hoãn một, hai lần chứ không được hoãn vô biên. Tòa án sẽ rà soát theo ý kiến của của Chủ tịch Quốc hội về trình tự giám đốc thẩm thì câu chuyện đối với việc xử lý hành chính không đặt ra. 

Đối với trình tự giám đốc thẩm mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh có yêu cầu. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong Pháp lệnh này, trình tự giám đốc thẩm chỉ đặt ra đối với các bản án, còn các quyết định này không đặt ra các trình tự giám đốc thẩm.

Bình luận của bạn

Bình luận