Làn sóng giáo viên nghỉ việc: Nguyên tắc dân chủ bị bỏ quên
Khi trường học mất dân chủ, các tổ chức trong nhà trường không phát huy được vai trò của mình, thì việc các giáo viên buộc phải nghỉ việc vẫn còn diễn ra.
Tháng 8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị "Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường". Hội nghị xác định phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục là bước quan trọng để xây dựng văn hoá học đường.
Thực tế cho thấy, hiện tượng mất dân chủ trong các cơ sở giáo dục vẫn diễn ra, giáo viên bị o ép, cô lập dẫn tới chất lượng dạy và học bị đi xuống, chán nản bỏ việc.
Trung thực bị cô lập trong cơ sở giáo dục
Vào thời điểm đầu tháng 10/2021, mạng xã hội Facebook lan truyền lá đơn xin nghỉ việc của một thầy giáo dạy môn Tiếng Anh vì lý do môi trường làm việc "phi giáo dục, dối trá" thu hút sự quan tâm đông đảo của đội ngũ nhà giáo. "Công tác trong một cơ sở giáo dục, nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, dối trá. Tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ", nội dung lá đơn viết.
Người viết đơn là thầy Lê Trần Ngọc Sơn (50 tuổi), giáo viên môn Tiếng Anh thuộc Trường Tiểu học An Lợi, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Ngọc Sơn cho biết, vì mong muốn môi trường giáo dục tốt đẹp nên ông góp ý riêng với hiệu trưởng. Nhưng việc góp ý không hiệu quả, sau này, ông Sơn tiếp tục góp ý trong các cuộc họp hội đồng sư phạm nên bản thân ông trở thành "nhiều chuyện", còn lãnh đạo vẫn không có thiện chí khắc phục.
Một sự việc khác là cô Kiều Thị Giang ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở - trung học phổ thông huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đăk Nông, chỉ vì phát biểu một câu mà 2 năm liền bị hạ thi đua. Sau đó, cô còn bị đưa ra họp để xét "tinh giản biên chế" vào giữa tháng 8/2022.
Trước đó, cô Giang phản đối việc nhà trường mượn danh nghĩa "huy động phụ huynh học sinh tự nguyện đóng góp tiền học bổng hè" để giữ lại một phần lớn số tiền mà đáng ra học sinh phải được nhận. Theo cô giáo, học sinh dân tộc thiểu số rất nghèo, tiền thu về không biết hiệu trưởng đã sử dụng vào những việc gì, tức là thiếu minh bạch.
Chuyện thầy Sơn bị hiệu trưởng ghét, bị gây khó dễ, hay chuyện cô Giang "được" đưa vào diện tinh giản biên chế là ví dụ điển hình của những giáo viên trung trực, có ý thức bài trừ sự dối trá trong giáo dục, phát huy dân chủ tập thể. Tiếc thay, những giáo viên như thầy Sơn, cô Giang đơn độc trong đấu tranh và vẫn chưa được các tổ chức trong trường học đứng ra bảo vệ.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn chỉ ra điểm yếu của giáo dục: "Có đau cũng phải nói, ta chưa thực sự trung thực".
Nguyên tắc dân chủ trong nhiều cơ sở giáo dục bị bỏ quên
Vừa qua, một số tỉnh thành ở phía Nam xuất hiện làn sóng giáo viên nghỉ việc nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Một trong những nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc là do việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục công lập đã bị bỏ quên.
Ngày 19/5/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT Hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập.
Theo đó, việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục nhằm hai mục đích. Thứ nhất là phát huy quyền làm chủ của nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động, người học và nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng.
Thứ hai là tăng cường nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của cơ sở giáo dục, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phòng chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền.
Nhưng thực tế cho thấy, hiệu trưởng nhiều cơ sở giáo dục không thực hiện dân chủ, công khai trong quản lý, điều hành hoạt động. Họ không lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của nhà giáo, thậm chí thiếu gương mẫu trong việc đấu tranh phòng chống những biểu hiện cửa quyền, sách nhiễu, thành kiến, trù dập, giấu giếm, bưng bít, làm sai lệch sự thật, làm trái nguyên tắc.
Trong các cuộc họp, kể cả hội nghị viên chức, lời hiệu trưởng không khác gì "lệnh trên ban" nên rất nhiều giáo viên, nhân viên không dám có ý kiến. Mỗi khi lãnh đạo có thành kiến với một giáo viên nào đó, tập thể sẽ cô lập cá nhân đó.
Lẽ ra, các tổ chức trong trong nhà trường như chi bộ, công đoàn, Đoàn thanh niên, thanh tra nhân dân, tổ trưởng chuyên môn… phải đứng ra bảo vệ mỗi khi giáo viên nói đúng, làm đúng, nhưng thực tế thì ngược lại. Đặc biệt, công đoàn ở nhiều trường học hiện nay không khác gì tổ chức "bù nhìn". Cán bộ công đoàn không dám lên tiếng đấu tranh bảo vệ quyền lợi của giáo viên vì bản chất của tổ chức công đoàn trong cơ sở giáo dục cũng làm theo lệnh hiệu trưởng mà thôi.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục tổ chức hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngoài thu nhập, một trong những vấn đề khiến một số lượng không nhỏ các nhà giáo chuyển việc, bỏ việc còn có liên quan đến yếu tố môi trường làm việc. Trong đó, dân chủ trong cơ sở giáo dục còn là vấn đề đang cần phải xem xét.
Vì thế mới nói, khi trường học mất dân chủ, các tổ chức trong nhà trường không phát huy được vai trò của mình, thì việc các giáo viên buộc phải nghỉ việc vẫn còn diễn ra.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google