Nhiều ý kiến xung quanh dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

PV
14:22 - 14/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 14/6, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Trong buổi sáng, đã có 20 đại biểu phát biểu thảo luận, 3 ý kiến tranh luận. Các ý kiến đại biểu đại diện cho cử tri nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, nhiều ngành nghề, nhiều loại hình kinh tế doanh nghiệp, hợp tác xã đã nêu nguyện vọng của cử tri cả nước kỳ vọng Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời thẳng thắn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực xây dựng Luật cả về nội dung và ngôn từ diễn đạt.

Đại biểu cho rằng trong phần Khái niệm vẫn chưa đưa ra khái niệm thế nào là dân chủ. Đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm dân chủ vào trong dự thảo luật lần này, với ý nghĩa dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, dựa trên việc thừa nhận Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do, quyền con người.

Nhiều ý kiến Đại biểu phân tích thực trạng thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong dự thảo chủ yếu mới cụ thể hóa được nội dung "dân biết, dân bàn, dân quyết định", còn nội dung "dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng" thì chưa được thể hiện rõ nét. Cần quy định rõ hơn các quy định về nội dung, hình thức, hiệu lực trình tự thủ tục kiểm tra, giám sát của nhân dân. 

Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 2.

Đại biểu Sùng A Lềnh. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như việc lợi dụng thực hiện dân chủ để kích động, gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị và Nhân dân.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, dân chủ thì phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo được sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 151 ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, trong phiên họp sáng nay có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 3 đại biểu Quốc hội tranh luận, không khí tranh luận sổi nổi, trí tuệ, dân chủ, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm cao, các ý kiến đại biểu Quốc hội bao quát toàn diện các nội dung của dự án luật.

Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, lấy thêm ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư của Quốc hội vào tháng 10 năm 2022 theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.

Đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm dân chủ vào trong dự thảo luật lần này, với ý nghĩa dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, dựa trên việc thừa nhận Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do, quyền con người.


Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội