Phát hiện nhiều ổ dịch dại trên chó, Cà Mau khuyến cáo người dân tăng cường phòng chống bệnh dại

N.Cường
21:54 - 31/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau Mau đã ghi nhận 6 ổ dịch dại trên đàn chó, nguy cơ bệnh dại lây sang người là rất cao. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dại.

Nhiều ổ dịch dại trên chó xuất hiện

Bệnh dại ở người là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm hiện nay tại Việt Nam.

Theo Sở Y Tế Cà Mau, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dại trên người (3 trường hợp đã tử vong, 1 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Trong đó 1 trường hợp tại huyện U Minh, 1 trường hợp tại Trần Văn Thời và 2 trường hợp tại huyện Phú Tân. 

Đồng thời, ngành chức năng phát hiện có 12 ổ dịch nghi dại và dại trên chó, tập trung ở các huyện: Trần Văn Thời 4 ổ, Cái Nước 4 ổ, thành phố Cà Mau 2 ổ, Ngọc Hiển 1 ổ và Phú Tân 1 ổ). Trong số này, có 4 ổ nghi ngờ không lấy mẫu xét nghiệm, 2 ổ đang gửi xét nghiệm, 6 ổ có xét nghiệm dương tính với virus Dại.

Phát hiện nhiều ổ dịch dại trên chó, Cà Mau khuyến cáo người dân tăng cường phòng chống bệnh dại - Ảnh 1.

Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Ảnh: travelhealthpro.org.uk

Những con số thống kê này chỉ ra thực trạng ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, việc quản lý đàn chó còn bị buông lỏng. Việc tiếp cận vaccine điều trị dự phòng bệnh dại ở vùng sâu, vùng xa cũng như nhận thức của người dân về phòng, chống dại còn hạn chế.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn chủ yếu thông qua tiêm vaccine dại cho người ngay sau khi bị chó cắn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh Cà Mau mới đây ghi nhận thêm 2 trường hợp dại trên đàn chó. Trường hợp thứ nhất xảy ra ngày 19/3, một cháu bé ở ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước bị chó dại cắn ở vùng mặt và đầu. Trường hợp thứ hai là một phụ nữ ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi bị chó dại cắn vào vùng chân và tay.

Cả 2 trường hợp này điều được ngành chức năng lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng VI, kết quả đền dương tính với bệnh dại. Cả 2 trường hợp này đã được hướng dẫn tiêm vaccine phòng bệnh dại, huyết thanh kháng dại.

5 biện pháp phòng chống bệnh dại

Cần thực hiện các biện pháp dự phòng sau:

Một là, tiếp tục giám sát chặt chẽ tại cộng đồng để kịp thời phát hiện những trường hợp chó, mèo bị chết hay cắn người… trên phạm vi toàn tỉnh. Ngành Y tế phối hợp với cơ quan thú y thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật, nhất là chó, mèo.

Hai là, vận động những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh xử lý vết thương đúng theo hướng dẫn và đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám, điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam.

Ba là, các điểm tiêm ngừa khi người dân đến tiêm phòng dại cần khai thác kỹ tình trạng chó, mèo cắn người. Nếu chó, mèo có dấu hiệu bệnh dại hoặc chó, mèo cắn nhiều người cần báo ngay cho Trung tâm Y tế gần nhất biết để phối hợp phòng chống dịch kịp thời.

Phát hiện nhiều ổ dịch dại trên chó, Cà Mau khuyến cáo người dân tăng cường phòng chống bệnh dại - Ảnh 3.

Tiêm phòng vaccine dại chó, mèo. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Bốn là, tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt, rọ mõm, không được thả rông ngoài cộng đồng. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định. Chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được tiêm phòng bệnh dại. Vận động người dân tiêm phòng vaccine dại chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể vật nuôi.

Năm là, tuyên truyền trong vùng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, cách xử lý vết thương khi bị động vật cào/cắn và các biện pháp phòng chống bệnh dại. Những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại... cần được gây miễn dịch bằng vaccine dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.

Thực hiện nghiêm ngặt các khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn

Đặc biệt, đối với những người đã bị chó, mèo cắn phải nội dung sau:

Xử lý vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn. Đến ngay điểm tiêm vaccine phòng bệnh dại và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

Tránh: Bôi các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Băng bó, đắp thuốc kín vết thương. Lấy nọc chó bằng đất theo dân gian.

Tuyên truyền các biện pháp để người dân hạn chế bị chó cắn

Không chạy nhanh gần chó.

Không trêu chọc chó, không lại gần chó khi chó đang ăn, ngủ hoặc khi chó đang cho con bú. Không nhìn thẳng vào mắt chó.

Khi con chó đang gầm gừ đến sát bạn, không được quay đầu bỏ chạy. Đứng yên tại chỗ, tay duỗi 2 bên, cho chó ngửi bạn và rồi nó sẽ bỏ đi. Nếu bị tấn công, hãy giả vờ ngồi im, cuộn tròn như quả bóng che mặt lại.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus t dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

- Giai đoạn tiền triệu chứng: Thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

- Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: Sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

Bệnh tiến triển theo hai thể: Thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng.

Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.