Bộ Y tế: Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại

Lan Dương
17:33 - 30/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 40 người tử vong vì bệnh dại. Dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Bộ Y tế: Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại - Ảnh 1.

Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Ảnh: palermolawgroup.com

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại. Nội dung văn bản nêu rõ bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại.

Bệnh dại xuất hiện và tỷ lệ mắc tăng cao đột biến

Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016.

Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong)…

Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn.

Các địa phương cần tăng cường phòng chống bệnh dại

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.

Đồng thời, tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine dại kịp thời. Bên cạnh đó, truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Sở Y tế các tỉnh, thành cũng được yêu cầu tăng cường tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người: Tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vaccine phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm.

Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vaccine phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát và xử lý ổ dịch dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin để Sở Y tế chủ động phòng chống lây nhiễm sang người.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông cho người nuôi chó, mèo các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine lên ít nhất 70% tổng đàn.

Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao.

Dại - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm

Theo Bộ Y tế, Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, 100% bệnh nhân tử vong khi đã lên cơn dại. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể dự phòng được bằng vaccine. 

Để chủ động phòng chống bệnh Dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Cần đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại. 

Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.

Ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại được tổ chức hằng năm vào ngày 28/9 nhằm nâng cao hiểu biết và vận động cho việc loại trừ bệnh dại trên toàn cầu. Theo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030, Việt Nam phấn đấu kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.

Bộ Y tế: Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại - Ảnh 1.

Việt Nam phấn đấu kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030. Ảnh: TTXVN