Phú Yên: 1 người tử vong, 8 người phải điều trị do chó dại cắn

Quang Minh
20:09 - 16/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 16/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên xác nhận trên địa bàn có một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. 8 người khác tiếp xúc gần với bệnh nhân này đã được hướng dẫn đến cơ sở y tế để tư vấn và điều trị.

Phú Yên: 1 người tử vong, 8 người phải điều trị do chó dại cắn - Ảnh 1.

Tiêm phòng dại cho chó là biện pháp tốt nhất hiện có để làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại ở người bị chó cắn. Ảnh minh họa/Chinhphu.vn


Bệnh nhân tử vong do bị chó nuôi tại nhà cắn ở ngón tay

Trường hợp tử vong là ông L.X.D, sinh năm 1978 ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên thông tin về yếu tố dịch tễ của trường hợp này. Khoảng đầu tháng 12/2022, bệnh nhân bị chó nuôi tại nhà cắn ở ngón tay (chó không tiêm vaccine phòng dại).

Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân chỉ sát khuẩn bằng thuốc đỏ, không đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại.

Ngày 9/3, bệnh nhân có triệu chứng sốt, mệt mỏi, sử dụng thuốc (không rõ loại) nhưng không thuyên giảm; sau đó được người nhà đưa đi khám và nhập viện vào ngày 11/3.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh dại. Cùng ngày, bệnh nhân được đưa về nhà và có tiếp xúc với nhiều người thân trong gia đình.

Ngày 13/3, bệnh nhân có triệu chứng chướng bụng, lơ mơ không tỉnh táo, yếu tay chân, chảy nước dãi, không ăn uống được và đến sáng 14/3 thì tử vong tại nhà.

8 người khác tiếp xúc gần với bệnh nhân và cũng bị chó cắn

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên xác định có 8 người khác tiếp xúc gần với bệnh nhân và bị chó nuôi của gia đình ông L.X.D (thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) cắn.

Nhân viên y tế đã hướng dẫn tất cả những người này đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tuyệt đối không được sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa đã tiến hành xử lý hóa chất tại khu vực bệnh nhân tử vong sinh sống và nơi chôn thi thể theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Thú y địa phương tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại xã Hòa Đồng; nhắc nhở các hộ nuôi quản lý, không thả rông chó mèo ra ngoài đường.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, năm 2022, toàn tỉnh có hơn 21.290 hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn là trên 29.990 con.

Số lượng chó, mèo được tiêm vaccine phòng dại là 18.141 con, đạt 60%. Số người bị chó, mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại là 7.944 người.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên khuyến cáo các hộ nuôi chó, mèo chủ động tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi.

Những người bị chó, mèo cắn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn theo dõi, chăm sóc sức khỏe; tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bệnh dại thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Đặc điểm của bệnh:

- Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

- Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.

- Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

- Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng.

- Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

- Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.

- Chẩn đoán xác định: bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập vi rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Có thể dựa vào kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh lấy từ dìa tóc ở gáy bệnh nhân hoặc chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hòa trên chuột hay trên nuôi cấy tế bào. Ngày nay, với kỹ thuật mới có thể phát hiện được ARN của vi rút dại bằng phản ứng PCR hoặc phản ứng RT-PCR.


Nguồn: TTXVN/Tổng hợp