Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp nào để tháo gỡ?

Ly Hương
08:42 - 15/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Phổ cập giáo dục hết trung học phổ thông và miễn phí giáo dục phổ thông là hai mục tiêu quan trọng của giáo dục Việt Nam.

Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp nào để tháo gỡ?- Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội chuẩn bị thi vào lớp 10 công lập. Ảnh: VNN

Khoảng 26% học sinh phân luồng sau trung học cơ sở

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 7/2023 cho biết, thực hiện Đề án 522/QĐ-TTg, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông được thực hiện trên toàn quốc, tỉ lệ học sinh vào học trung học phổ thông chiếm khoảng 74%, còn lại khoảng 26% học sinh phân luồng.

Được biết, số lượng học sinh lớp 9 năm học 2021-2022 (1.414.703 học sinh) so với số học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 (1.050.032 học sinh).

Theo số liệu, tỉ lệ học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp còn thấp, do có tỉ lệ học sinh tham gia trực tiếp vào thị trường lao động do nhiều nguyên nhân.

Đó là tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt tỉ lệ thấp;

Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng cũng không cao không đảm bảo mục tiêu đề ra theo Đề án của Chính phủ. 

Một số nguyên nhân chính dẫn đến phân luồng học sinh không đạt kết quả:
Thứ nhất, tâm lý của học sinh và phụ huynh luôn mong muốn con em mình học tiếp lên đại học hoặc ở nhà lao động kiếm sống ngay.
Thứ hai, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm vừa thiếu về số lượng vừa còn hạn chế về năng lực thực hiện.
Thứ ba, chương trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Thứ tư, nhiều địa phương chưa có đủ hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thu hút học sinh. Một số địa phương gặp khó khăn trong việc phân luồng học sinh, đặc biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hai mục tiêu quan trọng của giáo dục Việt Nam

Bàn về việc học sinh không đủ chỗ học ở trường công lập, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, cựu cán bộ Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nêu quan điểm về mục tiêu quan trọng của giáo dục Việt Nam như sau:

Thứ nhất, phổ cập giáo dục hết trung học phổ thông. “Sau cách mạng tháng Tám, xoá nạn mù chữ là một trong ba mục tiêu then chốt “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, “diệt giặc ngoại xâm” của nước ta. Sau đó giáo dục bắt buộc ở nước ta là đến trung học cơ sở.

Nhưng hai thập niên gần đây, loài người đã đạt được những tiến bộ vượt trội về công nghệ và khoa học kỹ thuật ngoài sự tưởng tượng và thời đại đã ở giai đoạn mà kiến thức của giáo dục mức trung học phổ thông trở thành sơ đẳng.

Yêu cầu giáo dục trung học cơ sở đã không còn phù hợp. Phải phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Tốt nghiệp trung học phổ thông ở thời đại ngày nay thì cũng chỉ như xoá nạn mù chữ năm 1945.

Với việc phân ban từ trung học phổ thông và đúng đắn hơn, quyết liệt hơn và phải sớm hơn là chọn môn học theo yêu cầu ngay từ trung học cơ sở, thì vấn đề trường chuyên và học nghề đã được giải quyết”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu phân tích.

Thứ hai, miễn phí giáo dục phổ thông. “Giáo dục phổ thông hết trung học phổ thông phải được miễn phí. Bác Hồ đã từng có ham muốn tột bậc là “ai cũng được học hành”. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu “ai cũng được học hành” vẫn còn chưa đạt được.

Có phổ cập giáo dục trung học phổ thông hay không, giáo dục phổ thông hết trung học phổ thông có được được miễn phí hay không phần lớn phụ thuộc vào vai trò người đứng đầu là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Hãy nhìn lại quá khứ, vào những năm khó khăn nhất, để thấy các Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên đã đề xuất bỏ thi, miễn phí giáo dục như thế nào mà học tập.

Phổ cập giáo dục trung học phổ thông và miễn phí giáo dục phổ thông là những vấn đề lớn đòi hỏi thời gian để giải quyết, nhưng làm cho kỳ thi từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông không còn lực là không khó. Chỉ là ngành giáo dục mà đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quan tâm đúng mức hay không mà thôi”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu bày tỏ.