Thành phố Hồ Chí Minh: Điều chỉnh đề thi Ngữ văn vào lớp 10

13:50 - 29/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Phần Nghị luận văn học trong đề Ngữ văn thi vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.

Thành phố Hồ Chí Minh: Điều chỉnh đề thi Ngữ văn vào lớp 10- Ảnh 1.

Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023. Ảnh: TA

Ngày 29/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đề thi vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025 môn Ngữ văn sẽ có điều chỉnh phần Nghị luận văn học.

Cụ thể, đề thi vẫn gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm). Thời gian làm bài 120 phút. Trong đó, cách ra đề ở phần Đọc hiểu, Nghị luận xã hội vẫn như năm trước. 

Ở phần Nghị luận văn học, thí sinh vẫn được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm bài, nhưng chỉ ở đề 2 thí sinh mới được tự chọn tác phẩm còn đề 1 cho sẵn tác phẩm. 

Cụ thể, đề 1 yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận 1 tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống. 

Đề 2 đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây, khi cả 2 đề trong câu Nghị luận văn học đều cho học sinh được tự chọn tác phẩm, đoạn trích (thơ, truyện) để thể hiện thì có nhiều thí sinh nhầm lẫn trong chọn tác phẩm. 

Trên cơ sở góp ý của Hội đồng bộ môn Ngữ văn Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở, năm nay đề thi phần này có sự điều chỉnh tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. 

Về định hướng ôn thi môn Ngữ văn, Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý, khi trả lời các câu hỏi Đọc hiểu, các em cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết. 

Phần Nghị luận xã hội, thí sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận. Để làm tốt phần Nghị luận văn học, học sinh cần nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học; rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học; đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa cùng thể loại và chủ đề với tác phẩm trong sách; dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể.