Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng (Cụm 3) tổ chức hội nghị giao ban

Đắc Quang
15:46 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 18/8/2022, Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng (Cụm 3) đã tổ chức hội nghị giao ban để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác khuyến học từ đầu năm đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022.

Chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng;  Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học Bắc Ninh Trịnh Nam Điền.

Phải nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị về khuyến học, khuyến tài - Ảnh 1.

Ban chủ trì hội nghị. Ảnh: Đắc Quang

Cùng dự có Chánh Văn phòng Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Thọ, Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng, lãnh đạo, thường trực Hội Khuyến học của 8 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định.

Về phía tỉnh Bắc Ninh có đại diện Mặt trận Tổ quốc, Ban Tuyên giáo, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, và lãnh đạo 8 Hội Khuyến học các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Ninh.

Cụm khuyến học số 3 đã thực hiện tốt kế hoạch và mục tiêu đề ra

Báo cáo kết quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã học tập từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình Vũ Văn Thanh cho biết mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 và dịch cúm A, nhưng cụm khuyến học số 3 đã thực hiện tốt kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Tổ chức Hội các cấp tiếp tục được kiện toàn, phát triển và hoạt động nền nếp, hiệu quả. Số lượng hội viên mới được kết nạp tăng so với cùng kỳ năm 2021. Các lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác Hội được các địa phương quan tâm, chất lượng cán bộ Hội từng bước được nâng lên.

Phải nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị về khuyến học, khuyến tài - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Văn Thanh báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Đắc Quang

Công tác tuyên truyền được đổi mới mạnh mẽ, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức trên cơ sở chuyển đổi số và phương tiện thông tin tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội, có tác dụng thúc đẩy phong trào.

Công tác xây dựng các mô hình học tập như  Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập, Công dân học tập..., phát triển mạnh mẽ đạt kết quả tốt. Chương trình 387, Chương trình 677 của Thủ tướng Chính phủ được Hội Khuyến học các tỉnh trong cụm số 3 tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch và hướng dẫn các cấp Hội triển khai kịp thời, đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan.

Công tác vận động xây dựng Quỹ Khuyến học tiếp tục được quan tâm và thực hiện, huy động từ nhiều nguồn, thể hiện sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị và xã hội đối với công tác khuyến học.

Tiêu biểu cho hoạt động này là Quỹ Khuyến học của Hội Khuyến học tỉnh Bắc Ninh đã huy động được 120 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, các gia đình, dòng họ, cộng đồng tại tỉnh Thái Bình đã huy động được 107 tỉ 773 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học. Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình đã huy động được tổng quỹ lên tới gần 95,5 tỉ đồng, trao trên 12 tỉ đồng cho học sinh, sinh viên giỏi và học sinh, sinh viên nghèo vượt khó…

Việc khen thưởng, trao học bổng khuyến khích tài năng được thực hiện kịp thời, có ý nghĩa tích cực.

Phải nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị về khuyến học, khuyến tài - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị giao ban. Ảnh: Đắc Quang

Công tác tham mưu và phối hợp giữa Hội khuyến học với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được nâng lên.

Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác khuyến học

Bên cạnh kết quả đạt được, Cụm khuyến học số 3 cũng có những hạn chế mà các Hội Khuyến học trong cụm cần phải khắc phục.

Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác khuyến học, đặc biệt là phong trào học tập suốt đời của người lớn.

Tỷ lệ thành lập tổ chức hội khuyến học trong doanh nghiệp còn thấp. Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có kết quả còn hạn chế. Quỹ khuyến học chưa quan tâm khen thưởng cho người lớn có sáng kiến, thành tích cao trong tự học thành tài.

Chất lượng hoạt động của một số Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cụm số 3 còn hạn chế, chưa hấp dẫn người dân, chưa đáp ứng được yêu cầu "cần gì học nấy" của người lao động.

Kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, công tác quản lý, đội ngũ cán bộ, nội dung giảng dạy còn nhiều bất cập.

Tại hội nghị, lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh đã trao đổi kinh nghiệm, thảo luận những vấn đề mới và những vấn đề trong báo cáo cần trao đổi thêm liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phải nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị về khuyến học, khuyến tài - Ảnh 5.

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh kiến nghị nên có cuộc hội thảo rút kinh nghiệm bước đầu về mô hình Công dân học tập để các tỉnh có thể học tập lẫn nhau. Ảnh: Đắc Quang

Phải nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị về khuyến học, khuyến tài - Ảnh 6.

"Quỹ phục vụ cho hoạt động khuyến học và kinh phí tổ chức thực hiện cần kết hợp hài hòa. Hội Khuyến học là đơn vị kết nối giữa cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức… với các đối tượng cần khuyến học, chứ không phải là đơn vị theo kiểu "xin – cho", Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Đắc Quang

Phải nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị về khuyến học, khuyến tài - Ảnh 7.

Chủ tịch Hội Khuyến học Vĩnh Phúc: "Các buổi giao ban tiếp theo cần bàn sâu hơn về chuyên môn, nghiệp vụ như công tác vận động quỹ, phát triển hội viên... Đồng thời có đề cương để các đại biểu phát biểu,
nâng cao hiệu quả hội nghị". Ảnh: Đắc Quang

Phải nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị về khuyến học, khuyến tài - Ảnh 8.

"Tính thống nhất trong hướng dẫn hoạt động từ Trung ương Hội Khuyến học xuống địa phương còn nhiều vướng mắc. Tôi đề xuất nên có một văn bản chung nhất hướng dẫn hoạt động cho các tỉnh", Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bắc Ninh kiến nghị. Ảnh: Đắc Quang


Cần cụ thể hóa nhận thức về khuyến học bằng thể chế, chỉ thị, chương trình hành động

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả trong những tháng đầu năm của cụm số 3, ghi nhận sự năng động, chủ động, sáng tạo trong xây dựng Qũy Khuyến học của các tỉnh, đã kịp thời giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em tài năng, cộng đồng học tập.

Phải nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan đơn vị về khuyến học, khuyến tài - Ảnh 9.

"Chúng ta phải quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận 49 là tiếp tục nâng cao nhận thức, nhất là nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị về khuyến học..." - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh. Ảnh: Đắc Quang

 Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã nêu một số  vấn đề mà Hội Khuyến học các tỉnh cần quan tâm trong thời gian tới: 

Thứ nhất, phải quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận 49 là tiếp tục nâng cao nhận thức, nhất là nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;

Thứ hai, cần cụ thể hóa nhận thức về khuyến học bằng thể chế, chỉ thị, chương trình hành động; 

Thứ ba, báo cáo với Hội Khuyến học Việt Nam về kết quả thực hiện chỉ thị, chương trình liên quan đến khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được ban hành để Hội Khuyến học Việt Nam  báo cáo với Ban Bí thư; 

Thứ tư, phải phối hợp và tương tác với các bộ, ban, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh… để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến học;

Thứ năm, ủng hộ, lan tỏa trong cả nước học bổng "Học không bao giờ cùng", theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 

Thứ sáu, kiến nghị kịp thời với Hội Khuyến học Việt Nam về những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động chứ không phải đợi đến hội nghị, hội thảo.

Tổng kết hội nghị, Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình cho biết Ban Tổ chức hội nghị sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của các đại biểu, đặc biệt ý chỉ đạo của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng để bổ sung vào báo cáo chương trình hành động, nghị quyết của hội khuyến học các cấp; Đồng thời tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra với nỗ lực cao nhất.