Cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ

Nguyễn Tiến Dũng
17:06 - 28/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Về dự buổi gặp mặt có đông đủ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ và chuyên viên của Cơ quan Trung ương Hội, Quỹ Khuyến học Việt Nam và đặc biệt là sự có mặt của các đồng chí là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ.

Cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ - Ảnh 1.

Cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ.

Ảnh: Tiến Dũng

Phát biểu trong buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã nêu bật lịch sử và ý nghĩa của Ngày Thương binh Liệt sĩ. Cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam xúc động và tự hào khi cơ quan Trung ương Hội có GS.TS Nguyễn Thị Doan- Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tich nước, là con của liệt sỹ Nguyễn Hữu Duyên, là phu nhân của thương binh Phạm Hữu Văn; Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn là thương binh; ở Hội Khuyến học các tỉnh, thành, quận huyện có nhiều cán bộ là thương binh, con em liệt sĩ, con em gia đình có công với cách mạng.

 GS.TS Nguyễn Thị Doan là con gái của liệt sĩ chống Pháp Nguyễn Hữu Duyên. Chị sinh ra khi cha đã anh dũng hy sinh tại một dòng sông gần quê nhà. Cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn nhưng chị đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu để từ một giảng viên của trường Đại học Thương Mại trở thành nhà khoa học, trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong các cương vị công tác, chị luôn tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, năng động, sáng tạo, luôn xứng đáng là con gái của người cha liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.  Dưới sự lãnh đạo của GS.TS Nguyễn Thị Doan, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của đất nước đã có bước phát triển mới, được các cấp từ Trung ương tới các địa phương và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, hưởng ứng, tạo sức lan tỏa  trong xã hội.

TS Nguyễn Hồng Sơn, người con trai gốc Hà Nội, đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979) tại thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn và bị thương trong chiến đấu. Khi rời quân ngũ, anh đã cố gắng vượt qua khó khăn, có nhiều đóng góp vào công tác giáo dục – đào tạo, nhất là trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên. Sau khi nghỉ chế độ, anh về công tác tại cơ quan Trung ương Hội. Với cương vị Phó Chủ tịch, phát huy chuyên môn của mình, anh đã cùng với tập thể lãnh đạo Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Thay mặt tập thể cơ quan, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng đã trao tặng những bó hoa tươi thắm tới GS.TS Nguyễn Thị Doan và TS Nguyễn Hồng Sơn như một sự tri ân của cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam về sự hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực của các thế hệ cha anh vì nền độc lập của dân tộc.

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, trong suốt 75 năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh và các gia đình  liệt sĩ, những người có công với cách mạng bằng các hình thức khác nhau.

Thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như hỗ trợ các gia đình có các chiến sĩ hy sinh ở Thủy điện Rào Trăng 3, ủng hộ biển đảo, ủng hộ học sinh, sinh viên và nhân dân các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, trao học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên học tập tốt. 

Dịch bệnh Covid-19 đã để lại những ảnh hưởng nặng nề đời sống kinh tế -xã hội của nhân dân. Cùng với cả nước, Quỹ khuyến học Việt Nam đã hỗ trợ các em học sinh mất cha, mẹ hoặc mất cả cha mẹ trong đại dịch Covid-19 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là nghĩa cử cao đẹp, là sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái.

Sự cống hiến, hy sinh của các liệt sĩ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người.

Mỗi cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam luôn ghi nhớ những hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng trong công cuộc giải phóng dân tộc; nguyện sống tốt hơn, trách nhiệm hơn với xã hội và nhân dân, không quản ngại khó khăn, đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.