Ông Nguyễn Trung Chắt - "Người cha" gieo hy vọng của 304 trẻ mồ côi

Phương Ninh
12:59 - 16/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Suốt 20 năm qua, ông Nguyễn Trung Chắt, 71 tuổi (Ba Đình, Hà Nội), đã nhận nuôi 304 trẻ mồ côi ở khắp miền Bắc.

Ông Nguyễn Trung Chắt - "Người cha" gieo hy vọng của 304 trẻ mồ côi- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Chắt luôn tranh thủ thời gian qua 3 trung tâm, chăm sóc, quan tâm đến từng em nhỏ nơi đây. Ảnh: BTC Trạm Yêu thương

"Con người ta đôi khi sống bằng hy vọng"

Được nhiều người dân Lạng Sơn gọi cái tên thân thương "ông Bụt", "sứ giả" giữa đời thường, song, ông Nguyễn Trung Chắt chưa bao giờ dám nhận mình như vậy. Ông cho rằng, mình chỉ là người bình thường, làm những việc nên làm.

Từ năm 2002 đến nay, ông Chắt đã xây dựng 3 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập và đặt tên là Hy vọng ở tỉnh Hưng Yên (Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu) và tỉnh Lạng Sơn (Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn, Trung tâm Hy vọng Lộc Bình).

Ông Chắt quê gốc ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1972, ông xung phong nhập ngũ và được phân về lực lượng công an vũ trang nay là Bộ đội Biên phòng, đóng quân ở Quảng Ninh. Sau đó ông tiếp tục công tác trong quân đội rồi công an cho đến khi nghỉ hưu.

Trong một lần trở về quê Hưng Yên, thấy có nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ, không cha mẹ, không học hành chu đáo, ông đã động lòng trắc ẩn.

"Sau khi ấp ủ lên kế hoạch và được chính quyền địa phương hỗ trợ, tôi xây dựng Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu - trung tâm đầu tiên thành lập 2002, nhận nuôi 24 em.

Trước đó, tôi cũng đã đến thăm một số mô hình có thực hiện hoạt động này. Họ đặt tên là trại trẻ mồ côi, rồi mái ấm tình thương. Tôi nghĩ nếu các cháu đã thực mồ côi rồi, ngôi nhà mới cũng gọi như vậy thì sẽ ám ảnh các cháu cả đời. 

Tôi đặt là Trung tâm Hy vọng. Tôi muốn các cháu có hy vọng vào tương lai tốt đẹp của mình. Con người ta đôi khi sống bằng hy vọng", ông Chắt bộc bạch.

20 năm qua, mái ấm Hy vọng của ông đã và đang nuôi dưỡng 304 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dưới sự chăm sóc, dạy dỗ của ông nhiều người đã trưởng thành, học đại học, cao học. Hiện tại còn gần 80 trẻ đang trong độ tuổi cắp sách tới trường được chăm sóc tại 3 trung tâm Hy vọng.

Ông Nguyễn Trung Chắt - "Người cha" gieo hy vọng của 304 trẻ mồ côi- Ảnh 2.

Đến nay, các Trung tâm Hy vọng nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm và của các bạn trẻ từ nhiều nơi khác nhau.

Ông Đặng Xuân Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn là đơn vị ngoài công lập nhưng luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các sở ban ngành của huyện tạo điều kiện tối đa để hoạt động.

Chúng tôi thường xuyên lên thăm hỏi các cháu vào dịp lễ tết như Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi, Rằm Trung thu… Tháng 10 vừa qua chúng tôi cùng đoàn các nhà hảo tâm của tỉnh Lạng Sơn có chuyến thăm tới trung tâm và trao tặng 31 suất quà cho các cháu và tới đây tháng 12 chúng tôi sẽ lên động viên và trao quà tết cho các cháu".

"Tôi nhịn ăn cũng không sao, nhưng các con phải ăn lấy sức để học"

Những năm 2002, 2003 khi bắt đầu xây dựng trung tâm Hy vọng đầu tiên tại Hưng Yên, ông Chắt gặp không ít lời bàn tán, người khen người chê, có người nói ông lo chuyện bao đồng.

"Vì là trung tâm ngoài công lập nên khi đi vào hoạt động kinh phí gặp rất nhiều khó khăn, phải đảm bảo cơ sở vật chất, chăm sóc đời sống, dinh dưỡng, giáo dục cho các em", ông Chắt chia sẻ.

Ông nhớ lại, có lần lấy hết tiền kiếm kiệm của gia đình để chi trả thuốc men, ăn uống cho các em ở trung tâm không đủ, ông phải vay tiền ở khắp nơi chỉ mong sao các em có chỗ ăn, chỗ ngủ, được phát triển như chúng bạn. 

"Tôi nhịn cũng không sao, nhưng các con phải ăn lấy sức để học chữ sau này còn thoát nghèo, thoát khổ", ông Chắt nói, giọng chắc nịch.

Ông Nguyễn Trung Chắt - "Người cha" gieo hy vọng của 304 trẻ mồ côi- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trung Chắt - "Người cha" gieo hy vọng của 304 trẻ mồ côi- Ảnh 4.

Sự vui tươi, hồn nhiên và tinh thần vươn lên của những đứa trẻ là động lực để ông Nguyễn Trung Chắt tiếp tục sứ mệnh của mình. Ảnh: BTC Trạm Yêu thương

Người cha ấy luôn tâm niệm, không chỉ mình là tấm gương của các con, mà các con cũng chính là nơi để ông nhìn lại bản thân. 

Sự vô tư, hồn nhiên và tinh thần vươn lên của những đứa trẻ có xuất phát điểm đặc biệt đã tiếp thêm động lực để ông Chắt vượt qua khó khăn, tiếp tục hoàn thành công việc mà ông coi như sứ mệnh của cuộc đời mình: chăm sóc các em mồ côi.

Giáo dục một đứa trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Ấy vậy mà ông Nguyễn Trung Chắt đã và đang giáo dục hàng trăm đứa trẻ "hoang dã", thì khó khăn, vất vả còn lớn hơn nhiều lần. 

Ông kể: "Các con ở nhà không được quan tâm, sống cơ nhỡ, "hoang dã" quen rồi. Khi đưa về đây, tôi phải đề ra những nội quy, phải dạy dỗ rất lâu để các con đi vào nền nếp. Em vào sau nhìn anh chị vào trước mà học tập".

Là bộ đội biên phòng đã nghỉ hưu, ông Chắt cũng rèn các con theo chế độ sinh hoạt nghiêm túc. Mùa hè các em thức dậy từ 5 giờ, mùa đông từ 5 giờ 30 phút, lịch sinh hoạt hàng ngày được treo những nơi dễ nhìn thấy gồm các hoạt động như: tập thể dục, ăn trưa, sinh hoạt chung, lao động vệ sinh…

Từ hy vọng đến hiện thực cuộc sống tươi sáng

Trong số những người trẻ nhỏ đang được nuôi nấng hiện tại ở Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn, có bé Minh Thư – "người con" mà ông Chắt cho là thiệt thòi nhất. Kém may mắn hơn mọi người, Minh Thư là em bé 5 tuổi chưa từng biết mặt cha, chưa từng gọi tiếng mẹ.

"Vì thấy hoàn cảnh nghèo khổ nên tôi nhận nuôi mẹ của Thư từ khi còn mang bầu nó. Nhưng đẻ xong 3-4 tháng thì mẹ bỏ đi, chỉ để lại lá thư nhờ tôi chăm sóc con bé. 

Lúc đó khổ lắm, tôi phải đi xin từng giọt sữa, ai có sữa là tôi xin, tôi đi xin khắp làng chỉ mong sao con đủ no. Vậy mà đã 6 năm từ ngày Minh Thư còn trong bụng mẹ giờ đã 5 tuổi sắp học lớp 1 rồi", ông Chắt kể, giọng rưng rưng.

Ông Nguyễn Trung Chắt - "Người cha" gieo hy vọng của 304 trẻ mồ côi- Ảnh 5.

Trở về cuộc sống thường ngày từ quân ngũ, ông Nguyễn Trung Chắt rèn luyện các con trong Trung tâm Hy vọng theo nền nếp kỷ luật. Ảnh: BTC Trạm Yêu thương

Người cha của hơn 300 đứa trẻ này cũng chỉ mong các con sớm trưởng thành, trở thành những công dân tử tế, có ích cho xã hội. Đến nay, nhiều đứa trẻ ông Chắt nhận nuôi đã lớn khôn có người sau khi ra trường làm bác sĩ, công an, bộ đội… Đặc biệt, có nhiều em học xong đã quay trở về mái ấm Hy vọng để tiếp tục nuôi dưỡng thế hệ sau.

Chị Nông Thị Duyên là một trong những trẻ đầu tiên khi ông Chắt thành lập Trung tâm Hy vọng. Chị Duyên tâm sự: "Cha mẹ mất sớm, bác nhận nuôi tôi từ năm 7 tuổi, ân cần như người cha chăm sóc con gái. Lúc nào bác cũng sợ chúng tôi thiếu thốn hay thiệt thòi. Thương bác lắm, có những đêm đèn phòng vẫn sáng đến tận 2h đêm để làm việc, có những đêm gió rét bác đi từng phòng đến từng giường kiểm tra cửa và đắp chăn cho từng người. Tôi được bác cho đi học trung cấp ở huyện rồi học tiếp đại học. Không nỡ rời xa trung tâm, học xong tôi lại quay về chăm lo cho các em cùng bác Chắt".

Tôi mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi. Trong quá trình ở Trung tâm Hy vọng, được bác Nguyễn Trung Chắt cùng các mẹ nuôi dưỡng, lo cho tôi từ bữa ăn, giấc ngủ, dạy tôi cách vươn lên trong cuộc sống để phát triển.
Lê Quý Đạt (27 tuổi, cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát Giao thông Trật tự, Công an huyện Bình Phú, tỉnh Bình Phước).

Năm 2020, ông Nguyễn Trung Chắt được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tôn vinh là một trong 400 "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".