Cô giáo Hoàng Thị Vỵ mang ánh sáng tri thức cho trẻ khuyết tật

Hồng Phương
19:08 - 17/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đến xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái hỏi về cô giáo Hoàng Thị Vỵ, khách phương xa sẽ được nghe người dân địa phương say sưa kể về cô với lớp dạy học miễn phí cho các trẻ em khuyết tật.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ: Người mang ánh sáng tri thức đến trẻ em khuyết tật vùng cao - Ảnh 1.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ mở lớp học miễn phí dành cho trẻ em khuyết tật tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hồng Phương

“Ngày đầu tiên như thế đó. Cô giáo như mẹ hiền. Em bây giờ cứ ngỡ. Cô giáo là cô Tiên”... Ca từ của bài hát “Ngày đầu tiên đi học” được cất vang trong nhà văn hóa thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bởi những giọng hát không tròn tiếng, mở đầu cho buổi dạy học miễn phí của cô Hoàng Thị Vỵ (sinh năm 1967) dành cho trẻ em khuyết tật tại xã Bảo Ái. Có em bị khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ, cũng có em bị tăng động giảm chú ý. Tất cả đều hội ngộ trong lớp học đặc biệt này.

Đau với nỗi đau của trẻ em khuyết tật

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ là người dân tộc Cao Lan (Sán Chay), nhà nằm trong một con đường nhỏ bên rìa đồi xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Theo thống kê, xã Bảo Ái có 26 trẻ em khuyết tật.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ: Người mang ánh sáng tri thức đến trẻ em khuyết tật vùng cao - Ảnh 2.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ. Ảnh: NVCC

Cơ duyên chứng kiến các trẻ khuyết tật gần nhà mình gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt, gia đình vất vả, tương lai mù mịt, người phụ nữ ấy luôn đau đáu phải làm gì để phần nào giúp cuộc sống của những đứa trẻ em ấy tươi sáng hơn hơn.

Cô Vỵ vốn là giáo viên trung học cơ sở. Năm 2020, cô về hưu, song, nhiệt huyết một nhà giáo vẫn tràn đầy. Đắn đo, trăn trở nhiều năm, cô Hoàng Thị Vỵ quyết tâm mở một lớp học để dạy chữ miễn phí cho các em khuyết tật tại địa phương.

Đến tháng 3/2023, cô Vỵ xin ý kiến của chính quyền địa phương để mở lớp, hội trường thôn Ngòi Khang làm địa điểm, được mọi người ủng hộ.

Sinh con ra là trẻ khuyết tật, bố mẹ các em chỉ mong con bớt khổ, sinh hoạt bình thường chứ chưa bao giờ dám nghĩ con mình có thể học. Cô Vỵ đã đến từng gia đình, bày tỏ mong muốn mở một lớp dạy học từ thiện dành riêng cho các em.

Là giáo viên lâu năm, nổi tiếng trong xã vì sự tận tâm nên khi nghe cô Vỵ đề xuất ý tưởng, bố mẹ các trẻ khuyết tật vô cùng tin tưởng, sẵn sàng đưa con đến tham gia lớp học với cô giáo trong những buổi đầu đi học.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ: Người mang ánh sáng tri thức đến trẻ em khuyết tật vùng cao - Ảnh 3.

Mỗi học sinh trong lớp có tình trạng khuyết tật khác nhau. Ảnh: Hồng Phương

Không có bảng thì đi xin bảng, bàn ghế thì mượn sẵn của thôn. Một cô giáo và những học trò đặc biệt. Song, như vậy là chưa đủ cho một lớp học.

“Chạy chữa, chăm sóc đứa con khuyết tật, hoàn cảnh gia đình nhiều phần là khó khăn. Họ chưa từng nghĩ sẽ cho con đi học nên không sắm sửa dụng cụ học tập gì”, cô Vỵ tâm sự.

Và rồi, người giáo viên ấy đã tự bỏ tiền túi ra để mua cho học trò của mình những quyển vở tập tô, tập viết, bút chì, bút màu, coi như những món quà đầu tiên dành tặng các em trong ngày đầu đến lớp.

Nhà giáo về hưu, phải học từ đầu

Cả một đời làm giáo viên dạy học sinh cấp trung học cơ sở, nhưng đây là lần đầu tiên cô Vỵ tiếp nhận dạy những học sinh khuyết tật. Hơn ai hết, cô hiểu mình cần phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng mới để đảm nhiệm tốt vai trò này.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ: Người mang ánh sáng tri thức đến trẻ em khuyết tật vùng cao - Ảnh 4.

Cô Vỵ phải tìm tòi, học hỏi nhiều kỹ năng khác nhau để tiếp cận, gần gũi và dạy học sinh khuyết tật. Ảnh: Hồng Phương

Tìm hiểu trên mạng xã hội và internet, cô Vỵ nghiên cứu kỹ cách tiếp cận với trẻ khuyết tật, những tâm lý cần chuẩn bị, cách xử trí trong những tình huống đặc biệt… Cô còn đến tận những trường học, trung tâm dành cho trẻ khuyết tật như Làng trẻ SOS ở Yên Bái để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc các em.

Cơ sở vật chất và người dạy đã sẵn sàng, nhưng việc đưa trẻ khuyết tật đến lớp học gặp nhiều thách thức. Bởi hầu hết các em đều tự ti, sợ sệt khi gặp người lạ và không có kỹ năng giao tiếp.

Cô Vỵ đã đến nhà từng học sinh, kể cho các em nghe những câu chuyện vui, chuyện cổ tích, rồi cùng chơi những trò chơi dân gian như tập tầm vông, oẳn tù tì... Dần dần, những đứa trẻ đặc biệt này mở lòng hơn với cô Vỵ, chia sẻ với cô nhiều hơn cảm xúc, mong muốn của mình và cuối cùng cũng chịu đến lớp.

Trong nửa tháng đầu, lớp học chỉ có 2 học sinh 13 tuổi. Cùng với sự động viên của cô, đến nay lớp học có 7 em tham gia. Học sinh nhỏ nhất lên 9, lớn nhất đã 14 tuổi.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ: Người mang ánh sáng tri thức đến trẻ em khuyết tật vùng cao - Ảnh 5.

Chăm sóc, dạy bảo học sinh khuyết tật cần nhiều cử chỉ, lời lẽ nhẹ nhàng, ấm áp bởi các em rất nhạy cảm. Ảnh: Hồng Phương

“Vì ít khi giao tiếp với bên ngoài, chưa quen với môi trường đông người nên nhiều em vừa đến lớp đã đứng ra cửa khóc thút thít đòi lên xe về nhà. Tôi phải vận động ông bà, bố mẹ các em đến lớp trực tiếp trong 1, 2 tuần đầu để động viên, an ủi”, cô Vỵ nhớ lại.

Người giáo viên này không thể quên khoảng thời gian chật vật ban đầu để quản lý lớp. Cô Vỵ  kể: “Mỗi học sinh một dạng khuyết tật khác nhau. Tôi cứ trông được em này thì em kia đã lại nhảy ra ngoài, có bạn còn trèo qua cửa đi về. Khi đó, tôi phải chạy thật nhanh, ôm em đó vào lòng, xoa đầu, đưa về lớp chải tóc, chỉnh lại quần áo.

Sau đó tôi hát cho các em nghe, hướng dẫn các em vỗ tay theo nhịp rồi cùng hát vang những ca khúc quen thuộc và chơi trò tập đếm. Các em nhạy cảm lắm nên không dám quát hay nói nặng lời. Ai cũng muốn được yêu thương mà”.

Ngày qua ngày, cô trò gần gũi hơn, những học sinh này nghe lời cô giáo và dần tiếp nhận kiến thức.

Một buổi lên lớp của cô giáo Vỵ gồm có tập tô màu, tập viết chữ viết số và tập đọc. Mỗi kỹ năng, cô đều đi đến từng bàn, cầm tay từng học trò để hướng dẫn cách cầm bút, đặt đầu bút vào đường kẻ mẫu.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ: Người mang ánh sáng tri thức đến trẻ em khuyết tật vùng cao - Ảnh 6.

Cô Hoàng Thị Vỵ còn đến nhà học sinh không thể đến lớp để thăm nom, dạy học. Ảnh: Hồng Phương

Dù những nét chữ chưa ngay ngắn hay những bức tranh còn tô dang dở, sau mỗi tiết học, cô Vỵ đều dành cho các học sinh nhiều lời khen ngợi và nhận xét tích cực. Trong ánh mắt của những đứa trẻ ấy dường như ánh lên vui sướng.

Không chỉ tâm huyết với lớp học, cô Vỵ còn quan tâm đến những em bị bại liệt. Cô đến nhà để dạy chữ, dạy hát cho các em, hướng dẫn bố mẹ các em cách chăm sóc con phù hợp nhất.

Đều đặn 2-3 buổi học ở lớp mỗi tuần; 2-3 lần/tháng đến nhà học sinh bị bại liệt. Cô Vỵ đã duy trì lịch hoạt động ấy đã được 3 năm nay.

Mong mỏi lớn nhất người giáo viên này là muốn truyền đạt cho các học sinh khuyết tật những kỹ năng như chăm sóc bản thân, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh xâm hại thân thể; dạy cho các em biết đọc, biết viết, có được những kiến thức cơ bản như bao bạn bè đồng trang lứa.

Với lớp học miễn phí dành cho trẻ em khuyết tật, cô giáo Hoàng Thị Vỵ được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ái khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác “Phong trào thi đua của Hội Phụ nữ” khóa XX nhiệm kỳ (2016-2021); nhận Giấy khen là Đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2022; Giấy khen Đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023.

“Khi ấy, ba người cùng ôm nhau khóc”

Ở lớp học này, học sinh của cô Hoàng Thị Vỵ ai cũng đặc biệt. Trong đó phải kể đến La Quốc Bảo.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ - Người mang ánh sáng tri thức đến trẻ em khuyết tật vùng cao

Quốc Bảo bị đa khuyết tật, bao gồm khuyết tật vận động, khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ. Không thể xúc ăn vì khuyết tật cả tay chân, Bảo chỉ có thể cố gắng đi lại nếu được người khác đỡ dậy. Em nói ngọng và thường hay bị lên cơn tức giận, quăng hết đồ đạc xung quanh khi không kiềm chế được cảm xúc.

“Ban đầu khi đến gia đình Quốc Bảo, phụ huynh không tin tôi có thể dạy em được điều gì. Nhưng tôi thì ngược lại. Tôi luôn tin rằng sẽ giúp Bảo hòa nhập được với mọi người và biết đọc, biết viết”, cô Vỵ kể: “Thời gian đầu, tôi đến nhà Bảo để dạy đọc. Bị khuyết tật trí tuệ nhưng may mắn là em vẫn có khả năng hiểu và ghi nhớ. Mưa dầm thấm lâu. Sau 2 tháng kiên trì của cả cô và trò, Quốc Bảo cũng nhận được mặt chữ, biết đọc những từ cơ bản.

Nhưng khó hơn cả, đó là dạy viết. Không dùng được tay, Bảo chỉ có thể dùng chân để luyện. Viết chữ vốn đã chẳng dễ dàng với trẻ bình thường. Còn với Bảo, sự cố gắng phải gấp nhiều lần.

“Vì quá chán nản, Bảo nhiều lần tức giận, quăng bút quăng vở, không viết nữa rồi ra chỗ khác. Những lúc ấy, tôi chỉ nhẹ nhàng ôm Bảo vào lòng và thủ thỉ: “Cô cũng biết là khó khăn. Cô thương con lắm, con chịu khó học đi để sau này con sẽ có cuộc sống tốt hơn. Con sẽ tự lập hơn không phải phụ thuộc vào ai cả”. Sau đó cả cô và trò cùng ôm nhau khóc”, cô Vỵ bồi hồi nhớ lại.

Khoảng chừng hơn 1 tuần kể từ khi bắt đầu luyện viết, Bảo đã viết được chữ "a" - con chữ đầu tiên trong cuộc đời mình. Em vã hết mồ hôi, chân tay cứng ra vì phải cố gắng nhiều nhưng không sao cả.

“Tôi thấy mừng lắm, vội gọi cho mẹ Bảo, lúc ấy đang nấu cơm, lên xem. Khi ấy 3 người cùng ôm nhau khóc. Đấy là một trong những khoảnh khắc ý nghĩa nhất của cuộc đời tôi”, cô Vỵ nghẹn ngào nói.

Giờ đây, Bảo đã có thể viết bằng ngón chân những chữ in thường một cách rõ ràng. Tương lai của Bảo đã có thêm những tia sáng thật đẹp.

Mọi người càng tín nhiệm, cô Hoàng Thị Vỵ càng trăn trở

Và rồi, công sức của cô Vỵ bao ngày cũng đã dần được đền đáp xứng đáng. Hầu hết các học trò đều tiến bộ, có những em đọc tốt, viết đẹp và làm được các phép toán cộng trừ trong phạm vi 10. Thấy các em đổi thay từng ngày, cô Vỵ càng vui và tự hào.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ không chỉ như người bạn thân, người mẹ thứ 2 của những trẻ em khuyết tật ở xã Bảo Ái, mà còn là niềm tự hào của bà con nơi đây.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ: Người mang ánh sáng tri thức đến trẻ em khuyết tật vùng cao - Ảnh 9.

Hầu hết học trò trong lớp học miễn phí này đều đã biết đọc tốt, viết đẹp và làm được phép toán cộng trừ trong phạm vi 10. Ảnh: Hồng Phương

Khách phương xa đến, họ sẽ say sưa kể về lớp học miễn phí dành cho trẻ khuyết tật của cô giáo Vy, kể về những kỳ tích mà cô đã tạo ra với những thiên thần đặc biệt.

Dù ở trên lớp hay đến nhà các học sinh, cùng nhau múa hát, cùng nhau tô màu, người giáo viên dân tộc Cao Lan ấy đã góp thêm niềm vui và thắp lên niềm tin cho những trẻ em khuyết tật về một cuộc sống ý nghĩa và giàu tình yêu thương.

Cứ như vậy, lớp học của cô Vỵ được nhiều người biết đến. Ngày càng đông gia đình có con khuyết tật tìm đến và tha thiết muốn đăng ký cho con vào lớp học miễn phí này.

Dẫu chẳng đành lòng nhưng cô Vỵ phải từ chối nhiều, bởi sức người có hạn. Một mình cô không thể chăm lo chu đáo cho tất cả trẻ em đáng thương ấy. Đây cũng chính là điều mà người nhà giáo đã về hưu này luôn trăn trở trong lòng.

Tới đây, nếu được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, cô Vỵ sẽ là mời một số nhà giáo nghỉ hưu nữa cùng mở rộng mô hình lớp học này để thêm nhiều trẻ em khuyết tật khác được tiếp cận với kiến thức, hay đơn giản hơn là có những niềm vui giản dị cho cuộc sống vốn đã nhiều đau đớn của các em.

Cô giáo Hoàng Thị Vỵ tự nhủ, khi nào còn sức khỏe, cô sẽ còn đồng hành cùng các trẻ em khuyết tật với lớp học miễn phí luôn chan chứa tình thương và sự sẻ chia này.

“Con tôi bị thiểu năng trí tuệ. Trước kia cháu ít nói và ít hoạt động với mọi người, nhưng từ ngày cô Vỵ đến nhà thăm hỏi và động viên cháu đi học, cháu đã nói cười nhiều hơn, bớt sợ người lạ. Tôi cảm thấy việc làm của cô Vỵ đối với trẻ em của địa phương rất tốt”.

Chị Đàm Thị Mây (xã Bảo Ái) phụ huynh của học sinh Trịnh Ngọc Huy

"Năm 2020, cô giáo Hoàng Thị Vỵ nghỉ hưu, bày tỏ mong muốn dạy học cho các trẻ em khuyết tật. Đây là việc làm ý nghĩa, có sức lan tỏa cao trong cộng đồng, Đảng bộ và chính quyền xã Bảo Ái rất ủng hộ cô".

Bí thư chi bộ Đảng uỷ xã Bảo Ái Nông Văn Bắc