Nữ chuyển giới thành nam có phải đi nghĩa vụ quân sự?

Lam Linh
19:30 - 26/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày nay, việc chuyển giới không còn quá xa lạ đối với cộng đồng. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý xoay quanh việc chuyển giới vẫn là một đề tài khiến nhiều người thắc mắc, một trong số đó là: Một người đã chuyển giới từ nữ sang nam thì có được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự hay không?

Nữ chuyển giới thành nam có phải đi nghĩa vụ quân sự?- Ảnh 1.

Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, người chuyển giới không thuộc đối tượng được miễn hoặc bị cấm nghĩa vụ quân sự. Ảnh minh họa từ IT

Độc giả đặt câu hỏi: Tôi là nữ (22 tuổi) đang có dự định sẽ thực hiện phẫu thuật chuyển giới thành nam để được sống đúng với tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Xin hỏi, sau khi chuyển giới xong thì tôi có phải đi nghĩa vụ quân sự như những bạn nam khác không?

Người chuyển giới có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự không?

Pháp luật hiện hành đã chính thức ghi nhận cho cá nhân được chuyển đổi giới tính. Theo đó, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".

Như vậy, sau khi thực hiện chuyển đổi giới tính, độc giả đặt câu hỏi có nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, tức thay đổi giới tính của mình trên các giấy tờ như: căn cước công dân, giấy khai sinh,... thành giới tính nam. Sở dĩ cá nhân những người chuyển giới phải đăng ký thay đổi hộ tịch là để cơ quan Nhà nước có thể quản lý và giúp họ giải quyết các rắc rối pháp lý trong cuộc sống.

Đồng thời, khoản 1 Điều 13 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;

- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngoài ra, theo Điều 14 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì các đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm: người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định pháp luật, người chuyển giới không thuộc một trong các trường hợp không được đăng ký hay miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự. Do đó, một người sau khi chuyển giới nữ thành nam và đã đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì sẽ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân theo giới tính nam. Trong đó bao gồm nghĩa vụ tham gia nghĩa vụ quân sự đối với công dân nam trong độ tuổi quy định.

Theo đó, sau khi được công nhận là giới tính nam thì bạn vẫn phải tham gia nghĩa vụ quân sự, nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 12, Điều 30, Điều 31 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, bao gồm:

- Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên;

- Lý lịch rõ ràng;

- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;

- Có trình độ văn hóa phù hợp.

Bình luận của bạn

Bình luận