Những lưu ý khi chuyển lớp, chuyển trường cho con phụ huynh nên biết

Minh Châu
11:29 - 20/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Các bậc phụ huynh nên cân nhắc sao cho hợp lý giữa việc ủng hộ mong muốn được chuyển lớp, chuyển trường của con mình và tôn trọng chuyên môn, năng lực quản lý của các nhà giáo dục.

Năm học mới, học sinh được học những thầy cô giáo mới. Nếu con bạn có những phẩm chất đặc biệt, đôi khi hơi khác lạ so với các bạn trong lớp, bạn có thể lo lắng về việc giáo viên mới sẽ quan tâm, dạy dỗ và giúp đỡ con mình như thế nào để con hòa đồng cùng các bạn.

Những băn khoăn về giáo viên chủ nhiệm mới hay ngôi trường mới của con - bạn nên giữ cho riêng mình, để con có thời gian xây dựng mối quan hệ thầy – trò, bạn cùng lớp trong năm học mới mà không bị định kiến của bạn can thiệp.

Nếu bạn đang có ý định chuyển lớp, chuyển trường cho con, dưới đây là một số lưu ý bạn có thể cân nhắc trước khi quyết định vấn đề này.

Những lưu ý khi chuyển lớp, chuyển trường cho con phụ huynh nên biết - Ảnh 1.

Các bậc phụ huynh nên cân nhắc sao cho hợp lý giữa việc ủng hộ mong muốn được chuyển lớp, chuyển trường của con mình và tôn trọng chuyên môn, năng lực quản lý của các nhà giáo dục. Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Chuyển lớp, chuyển trường cho con - mối quan tâm thật sự của bạn là gì?

Sarah Kirk là một cựu cố vấn trường học, người thường xuyên có những buổi làm việc và trao đổi với học sinh tiểu học đã chia sẻ với tờ HuffPost:

Thông thường, dường như phụ huynh đã nghe những điều nhất định về giáo viên của con mình từ hàng xóm hay bạn bè của họ. Đây có thể là những định kiến sẵn có về một giáo viên. Đã có phụ huynh phàn nàn về việc con họ được học một cô giáo mới ra trường và họ không ủng hộ điều đó.

Phụ huynh lo lắng giáo viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và quản lý học sinh. Năm đầu tiên giảng dạy cũng sẽ mang lại những thách thức cho họ. Tuy vậy, các giáo viên mới có thể đưa ra nhiều quan điểm mới mẻ. Họ cũng là những người tràn đầy năng lượng, sự nhiệt huyết và đam mê cống hiến trong công việc.

Và ngay cả khi những học sinh khác gặp khó khăn với một giáo viên cụ thể, điều đó không có nghĩa là con bạn cũng sẽ gặp phải các vấn đề tương tự. Điều quan trọng là phải xác định những gì bạn đang cảm thấy và đánh giá đúng bản chất của vấn đề.

Bạn nên xem xét những điều mà giáo viên đã nói hoặc đã làm khiến bạn khó chịu. Từ đó, giải thích lý do tại sao việc này xảy ra, giúp làm sáng tỏ vấn đề và tìm biện pháp giải quyết.

Nếu cho rằng giáo viên đang bác bỏ nhu cầu của con bạn, bạn cần có những bằng chứng rõ ràng giúp chứng minh điều đó là hoàn toàn có thật thay vì chỉ nghe "ai đó" kể lại với mình.

Những lưu ý khi chuyển lớp, chuyển trường cho con phụ huynh nên biết - Ảnh 2.

Kết thúc một ngày học tập, rèn luyện trên lớp, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh sẽ được thiết lập, củng cố và ngày càng gắn bó, thân thiết. Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Thử những giải pháp khác trước khi quyết định chuyển lớp, chuyển trường cho con

Một trong những điều quan trọng nhất mà mỗi phụ huynh cần hiểu và nhớ rằng - tất cả các giáo viên đều có chung mục tiêu – để học sinh thành công. Không một giáo viên nào lại mong muốn học trò của mình học tập yếu kém, lớn lên sẽ trở thành người thất bại, tự ti và hèn nhát…

Do vậy, thấu hiểu được mục đích giáo dục trên sẽ giúp giáo viên và phụ huynh hiểu điều gì là tốt nhất cho một đứa trẻ? Điều gì giúp đứa trẻ này tiến lên? Điều gì giúp đứa trẻ này cảm thấy an toàn, cảm thấy được kết nối với bạn bè và những người xung quanh? Như vậy, chúng ta sẽ đạt được kết quả giáo dục tốt nhất.

Không nên "kiên quyết rằng chỉ có một giải pháp" để giải quyết vấn đề và việc chuyển lớp, chuyển trường, thay đổi giáo viên của con bạn chỉ được xem là biện pháp cuối cùng.

Có rất nhiều điều khác nhau mà giáo viên có thể làm để giúp học sinh cảm thấy thoải mái hơn trong lớp học. Kết thúc một ngày học tập, rèn luyện trên lớp, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh sẽ được thiết lập, củng cố và ngày càng gắn bó, thân thiết.

Bên cạnh đó, những gì đứa trẻ này trải qua với một giáo viên có thể khác so với những đứa trẻ khác. Đừng giả định rằng con bạn sẽ xây dựng mối quan hệ với giáo viên giống như anh chị em của chúng hoặc những học sinh khác đã làm.

Mặc dù có những trường hợp việc chuyển giáo viên chủ nhiệm, chuyển lớp, chuyển trường là thích hợp, nhưng cần có những lý do cụ thể và đặc biệt, không chỉ đơn giản là việc phụ huynh không thích giáo viên được nhà trường phân công.

Nếu một giáo viên thể hiện sự thiếu tin tưởng vào tiềm năng của một học sinh cụ thể, thì đó có thể là lý do chính đáng để bạn chuyển lớp cho con.

Trừ khi đó là một tình huống thực sự nghiêm trọng, thay vì yêu cầu chuyển trường, phụ huynh nên gặp giáo viên để bày tỏ mối quan tâm và nhu cầu cụ thể của học sinh trước khi năm học bắt đầu. Điều này không chỉ cho giáo viên một cơ hội giảng dạy mà còn là cơ hội để học sinh phát triển.

Dạy học sinh làm thế nào để có thể học tập, vui chơi, hợp tác và làm việc với nhiều tính cách là điều thực sự quan trọng. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chọn bạn cùng phòng đại học, đồng nghiệp và sếp theo ý thích của mình.

Những lưu ý khi chuyển lớp, chuyển trường cho con phụ huynh nên biết - Ảnh 3.

Để học cách làm việc với những người khác, con bạn cần có sự tương tác, hòa đồng, gạt bỏ mâu thuẫn để tìm được tiếng nói và lợi ích chung. Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Nếu yêu cầu chuyển giáo viên cho con, hậu quả sẽ như thế nào đối với con bạn?

Đây cũng là điều bạn cần nghĩ tới trước khi quyết định chuyển lớp, chuyển giáo viên cho con. Phản ứng tiêu cực với bài tập của giáo viên thực sự có thể tác động tiêu cực đến trải nghiệm của học sinh.

Nếu một học sinh nghe thấy cha mẹ nói tiêu cực về bài tập của giáo viên, điều đó có thể khiến chúng có suy nghĩ tiêu cực về giáo viên đó trước khi giáo viên và học sinh gặp nhau.

Không chỉ vậy, việc chuyển lớp có thể sẽ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Một học sinh có thể được chuyển sang một lớp học mà phụ huynh nghĩ rằng học sinh đó sẽ thành công hơn nhưng có thể có những yếu tố mà phụ huynh không biết gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng "sẽ có một hiệu ứng gợn sóng theo cách nào đó". Nếu mối quan hệ giữa thầy – trò hay bạn bè trong lớp bất hòa, xung đột giữa các tính cách, sự quan tâm của giáo viên đối với từng học sinh…. đều có thể gây nên những rắc rối cho con bạn.

Hậu quả sẽ ra sao đối với giáo viên và bạn học của con bạn?

Phụ huynh có thể không nhận ra rằng điều mà họ cho là một yêu cầu cá biệt có thể tác động lớn hơn đối với nhà trường. Các bậc cha mẹ khác sẽ phát hiện ra rằng một sự thay đổi về học sinh trong lớp học đã được thực hiện và bắt đầu đưa ra các yêu cầu tương tự.

Giáo viên cũng sẽ cảm thấy tác động về tâm lý và công việc giảng dạy của họ. Cả hai giáo viên có thể sẽ biết về yêu cầu đang gây ra cảm xúc tiêu cực đối với phụ huynh và học sinh.

Nếu việc chuyển lớp, chuyển trường được thực hiện vì lý do cá nhân hoặc không công bằng thì sẽ sớm tạo "tiền lệ" cho các yêu cầu khác theo sau và tạo ra sự ngờ vực trong đội ngũ giáo viên.

Vào năm học mới, đặc biệt là ở các cấp học mới, các trường đều dành nhiều thời gian và công sức để lập danh sách lớp học nhằm tối đa hóa cơ hội học tập của học sinh.

Việc lập danh sách các lớp học có thể căn cứ theo điểm các môn học, hạnh kiểm, những học sinh "cá biệt", những học sinh học nhóm tốt với nhau trong quá khứ, những học sinh khuyết tật, học sinh có vấn đề về sức khỏe, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có năng khiếu và tài năng…; tính cách của học sinh và giáo viên, học sinh mới và chia đều theo giới tính.

Việc chia học sinh vào các lớp không phải là một quyết định được đưa ra mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Do đó, việc điều chuyển một học sinh từ lớp này sang lớp khác sẽ gây khó khăn cho việc tạo sự công bằng giữa các lớp học.

Phụ huynh cũng cần lưu ý rằng, trường học của con bạn cũng chỉ có một vài lớp ở mỗi khối, thậm chí có nơi, mỗi khối chỉ có hai lớp. Sự cân bằng giữa tài năng và tính cách của mỗi học sinh đã được các thầy, cô giáo cân nhắc rất kỹ.

Để học cách làm việc với những người khác, con bạn cần có sự tương tác, hòa đồng, gạt bỏ mâu thuẫn để tìm được tiếng nói và lợi ích chung.

Bạn có thể nói chuyện với Ban giám hiệu nhà trường, cố vấn trường học hoặc giáo viên về những lo lắng của mình. Điều quan trọng cần nhớ là thực hiện điều đó với tinh thần cởi mở, lắng nghe và chia sẻ. Đặc biệt, bạn cũng nên hiểu rằng nhà trường không thể giải quyết việc chuyển lớp, chuyển giáo viên cho con bạn nếu điều đó không thực sự cần thiết với có lý do chính đáng.